Tôi mới sinh con gái đầu lòng cách đây một tháng và những giây phút đầu tiên con chào đời cũng như cảm xúc lần đầu làm mẹ, lần đầu ôm ấp một sinh linh nhỏ bé trong vòng tay mình sẽ là những phút giây không bao giờ tôi có thể quên. Cũng như rất nhiều những bà mẹ trẻ khác, thời gian hơn 9 tháng mang bầu và trước khi vượt cạn tôi đã đọc và nghiên cứu rất nhiều về những kinh nghiệm và bí quyết dành cho người lần đầu sinh nở, tự tin cho rằng mình đã đủ kiến thức và chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để nuôi nấng và chăm sóc cho thiên thần của mình. Thế nhưng sau khi ở viện về, nằm ôm con nhỏ trong tay tôi tự thấy đầu óc mình trống rỗng, bao nhiêu thứ mình đã đọc, đã chuẩn bị bay biến hết và chợt nhận thấy hóa ra mình đang không biết phải làm gì. Giờ đây sau một tháng được làm mẹ, tôi có một vài bí quyết muốn chia sẻ với các mẹ để không khỏi bỡ ngỡ khi lần đầu sinh con.
Thuê người giúp đỡ
Các mẹ hãy nhớ nếu nhờ bạn bè hay người thân giúp đỡ mình trong thời gian những ngày đầu mới sinh con có thể khiến cho người thân của mình bị quá tải và nhiều áp lực hơn. Thay vào đó các mẹ hoàn toàn có thể tin tưởng vào những người có chuyên môn chăm sóc trẻ ở các viện điều dưỡng và bệnh viện nhi. Rất nhiều bệnh viện có những chuyên gia hàng đầu sẵn sàng đến tận nhà giúp mẹ chăm sóc con trong thời gian mới sinh vừa từ viện về. Tôi cũng lựa chọn phương pháp này để giảm thiểu vất vả cho gia đình tôi. Vì vừa mới sinh nên cơ thể còn khá yếu, lại chưa kể những kiêng cữ buộc phải tuân thủ, những ngày đầu tôi không thể tự tay tắm và vệ sinh cho bé, thay vì nhờ mẹ chồng vất vả, tôi đã lựa chọn dịch vụ của bệnh viện nơi tôi sinh có hẳn một cô điều dưỡng viên chuyên tắm và vệ sinh cho bé tại nhà. Theo tôi đây là lựa chọn thông minh và phù hợp với hoàn cảnh nhất. Các cô y tá, điều dưỡng vừa thuần thục trong cách chăm sóc trẻ mới đẻ, vừa giúp đỡ các mẹ và gia đình đỡ vất vả nhất. Nhưng nếu bạn bè và người thân muốn giúp đỡ, các mẹ có thể từ chối nhưng đừng bỏ qua những kinh nghiệm quý báu mà họ muốn chia sẻ nhé. Đó cũng là những bí kíp vô cùng tuyệt hảo dành cho những người mới toanh lần đầu sinh con đấy.
Những lưu ý khi bế trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh không khó bế như mẹ sợ (ảnh minh họa)
Bế ẵm trẻ nhỏ trên tay tưởng chừng đơn giản nhưng lại không phải vậy. Các mẹ nên lưu ý một số điểm sau đây nhé:
Rửa tay và khử trùng sạch trước khi bế bé. Sức đề kháng của các em bé sơ sinh còn yếu nên mẹ cần lưu ý đừng để con bị nhiễm khuẩn. Hãy đảm bảo những người đến chơi với bé đã vệ sinh tay cẩn thận để cơ thể nhạy cảm của trẻ không bị ảnh hưởng.
Cẩn thận nâng đỡ đầu và cổ bé. Mẹ hãy cuốn chặt bé trong khăn quấn, bế bé phải lưu ý nâng đỡ đầu và cổ cho bé, khi bế bé lên và đặt bé xuống mẹ nhé.
Cẩn thận khi rung lắc trẻ. Rung lắc hay đung đưa trẻ có thể gây nên chứng xuất huyết não vô cùng nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh. Do não của bé còn mềm và chưa cố định nên tốt nhất mẹ tuyệt đối không đung đưa hay rung lắc con quá nhiều, nếu cần đánh thức con dậy hãy nhẹ nhàng cù vào cổ bé hay thì thầm vào tai bé để gọi bé dậy. Đã có rất nhiều bài học thương tâm từ những sự thiếu hiểu biết này.
Và hãy nhớ các bé chưa sẵn sàng cho những trò chơi mạnh bạo. Nhấc bổng bé lên không trung, tung hứng bé là những trò xuẩn ngốc và nguy hiểm, cấm chỉ định cho tất cả những cha mẹ nào muốn làm cho bé vui. Thời nay không còn mấy bà mẹ nào làm chuyện này với con trẻ nhưng vẫn có những trường hợp đáng tiếc vì sơ xuât vẫn xảy ra.
Chuyện ăn uống và vỗ ợ
Khi mẹ cho con bú hoặc ti bình thì lúc nào nỗi băn khoăn lớn nhất vẫn là bao nhiêu cho con đủ no. Theo lời khuyên của các chuyên gia tốt nhất mẹ hãy cho con ti theo nhu cầu. Nếu bú mẹ hoàn toàn thì thời gian bú khoảng 10-15 phút, ti bình thì lượng từ 60-90ml, cứ 2-3 tiếng lại cho bé ăn một lần. Trẻ em có thể khóc khi đói, tự đút ngón tay vào mồm và đập chân tay loạn xạ là những biểu hiện để bé báo cho mẹ biết bé muốn ăn rồi mẹ nhé.
Nhưng ngược lại cũng có những em bé không đòi hỏi phải được ăn thường xuyên và quá nhiều. Tuy nhiên, hãy đưa con đi khám nếu bé có biểu hiện biếng ăn ngay từ ban đầu.
Trẻ bú mẹ thường khó nhận biết khi nào con no hơn trẻ ti bình. Nếu bé được bú sữa mẹ đầy đủ, bé sẽ đi tè khoảng 6 lần một ngày và đi ị khoảng 2-3 lần một ngày.
Quan trọng không kém việc cho bé ăn là việc mẹ vỗ ợ cho bé để đảm bảo bé không bị trớ hay sữa bị trào ngược. Mẹ hãy bế bé thẳng đứng áp vào ngực và vỗ nhẹ lên lưng bé.
Chuyện giấc ngủ
Những người lần đầu làm mẹ giống như tôi hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi biết trẻ mới sinh cần ngủ 16 tiếng mỗi ngày. Chưa kể bé nhà tôi thường chỉ ngủ mỗi giấc từ 2-3 tiếng và thường xuyên dậy đêm. Ban đầu tôi đã rất căng thẳng và mệt mỏi với những cơn thức đêm của bé nhưng đó lại là một cách sinh hoạt hoàn toàn bình thường ở trẻ sơ sinh.
Trên đây là một số chia sẻ kinh nghiệm lần đầu làm mẹ của tôi, hy vọng phần nào giúp các mẹ có thể bình tĩnh và bản lĩnh vượt cạn và chăm sóc những sinh linh nhỏ bé trong những tuần đầu tiên.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet