Hàng loạt lãnh đạo cũ của Ngân hàng Á Châu (ACB) đang đối mặt với những án tù 3-15 năm vì 2 quyết định đầu tư được cho là nằm ngoài khuôn khổ luật pháp. Khi được hỏi về vụ việc, giới kinh doanh ngân hàng không bình luận đúng sai bởi cho rằng phán xét đó là nhiệm vụ của hội đồng xét xử. Nhưng họ tỏ rõ lo lắng cho công việc và số phận của chính mình khi theo dõi vụ án.
* 2 quyết định đầu tư đẩy các sếp ACB vào tù
Tâm sự với VnExpress, tổng giám đốc (CEO) một ngân hàng cho biết gần đây ông và nhiều đồng nghiệp liên tục mất ngủ. "Làm CEO đương nhiên phải đưa ra rất nhiều quyết định mà trong số đó, không thể tránh khỏi những sai lầm vô ý, những thiệt hại không lường trước. Nhìn bài học của bác Giá (Trần Xuân Giá), anh Hải (Lý Xuân Hải) - những người rất giỏi trong ngành, mà chúng tôi thấy vô cùng lo lắng với nghề", vị doanh nhân làm CEO ngân hàng 15 năm nói.
Chủ tịch một số ngân hàng cho biết đã tính chuyện mua bảo hiểm cấp quản lý (D&O) - một loại hình bảo hiểm rủi ro pháp lý khá phổ biến trên thế giới. Mua bảo hiểm này, các CEO, thành viên HĐQT sẽ được bảo hiểm chi trả các thiệt hại về tài chính khi gặp vấn đề pháp lý vì những chỉ đạo sai lầm của bản thân.
"Tuy nhiên, D&O chỉ bảo hiểm cho những hành động, quyết sách sai không cố ý và đơn thuần là mang tính dân sự. Nếu giao dịch đã bị hình sự hóa thì không một bảo hiểm nào có thể bảo vệ cho họ được", chủ tịch HĐQT ngân hàng cổ phần trong nhóm G12 nói.
Nguyên tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải, người từng được đánh giá là CEO giỏi đang đối mặt mức án 13-15 năm tù vì 2 quyết định sai lầm tại ACB .
Đại diện Công ty bảo hiểm Bảo Việt cho hay, D&O được xem là loại bảo hiểm xa xỉ, dù Bảo Việt và nhiều đơn vị đã triển khai từ nhiều năm trước nhưng không mấy doanh nghiệp để tâm. "Nhưng trước các sự cố gần đây, rất nhiều ngân hàng đã đặt vấn đề hỏi mua", ông cho biết.
Một rào cản khiến D&O trước kia ít được chú ý bởi chi phí bảo hiểm rất lớn. Theo tiết lộ của một cán bộ môi giới, phí sẽ tùy thuộc vào mức độ trách nhiệm và rủi ro mà vị lãnh đạo đó phải đương đầu. Có những đơn bảo hiểm chỉ vài chục triệu đồng một năm, nhưng với các ngân hàng, họ có thể phải đóng chi phí cao hơn, từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng một năm cho một người.
Từ cuối tháng 4, Ngân hàng Công Thương (Vietinbank) cũng công khai chuyện mua bảo hiểm D&O cho các thành viên HĐQT tại cuộc họp cổ đông thường niên. "Việc tham gia bảo hiểm để tránh các rủi ro pháp lý liên quan vi phạm hợp đồng và các tổn thất có thể xảy ra. Đây cũng là yêu cầu từ phía đối tác chiến lược BTMU và IFC", đại diện Vietinbank giải thích.
Bảo hiểm kiểu này không mấy xa lạ với các doanh nhân nước ngoài và hầu hết những công ty toàn cầu có chi nhánh, hoạt động tại Việt Nam đều mua bảo hiểm D&O cho cấp lãnh đạo từ phó tổng giám đốc trở lên.
Trả lời VnExpress dịp Tết Giáp Ngọ, ông Trương Văn Phước, người mới rời chức CEO ngân hàng thương mại một thời gian, cũng chia sẻ rủi ro pháp lý là một trong những nỗi sợ của hầu hết các "banker", đặc biệt là những CEO nước ngoài tác nghiệp ở Việt Nam. Ông giải thích, CEO ở Việt Nam rất dễ đối mặt nhiều rủi ro khi đứng trước một nền kinh tế mới, có nhiều hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh. Đặc biệt, với các sếp ngoại thì việc đối mặt và thích ứng còn khó khăn hơn nữa. "Giống như họ quen lái Mercedes, Roll-Royce đi trên xa lộ thênh thang rồi chứ không giỏi đi xe máy trong phố cổ hay đi bộ qua những ngã tư đường phố như ta được", ông Phước ví von.
* CEO ngân hàng khổ hạnh như một tu sĩ
Thanh Thanh Lan
vnexpress.net
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet