Được biết, không lâu sau khi được phép triển khai công nghệ 3G, các nhà mạng đã rục rịch xin cấp phép thử nghiệm công nghệ 4G. Từ tháng 9/2010, Bộ TT&TT đã cấp 5 giấy phép thử nghiệm công nghệ 4G cho các doanh nghiệp gồm: VNPT, Viettel, CMC, VTC và FPT. Sau đó, các cuộc trình diễn công nghệ 4G của Viettel đã diễn ra rầm rộ.
Con đường tiến lên 4G của các doanh nghiệp Việt Nam là tất yếu để hội nhập chung với sự phát triển của nền công nghệ thế giới. Tuy nhiên, Cục Tần số Vô tuyến điện khuyến nghị các nhà mạng nên có thời gian thử nghiệm công nghệ 4G để đánh giá công nghệ và nhu cầu của người sử dụng tại Việt Nam trước khi ra quyết định cấp phép. Số liệu năm 2012 của Cục Tần số Vô tuyến điện về lưu lượng dữ liệu trên mạng 3G của Việt Nam cũng đạt mức thấp so với trung bình của thế giới và cần thêm thời gian nữa dịch vụ triển khai trên 3G mới đạt trạng thái bão hòa.
Cục Tần số Vô tuyến điện cũng khuyến nghị các nhà mạng nên tập trung tìm giải pháp đa dạng hóa dịch vụ, nâng cao ARPU (doanh thu trung bình trên thuê bao). Chỉ khi nào lưu lượng 3G tăng lên cao và nhu cầu của người sử dụng lớn, thì việc cung cấp 4G mới có lượng khách hàng nhất định. Nếu trung bình mỗi năm, lượng dữ liệu truyền qua mạng 3G tăng lên gấp đôi, đến năm 2015 sẽ là thời điểm thích hợp nhất để triển khai mạng 4G vì dung lượng các nhà mạng hiện tại khá lớn và có thể đáp ứng tốt nhu cầu người dùng.
Nhận định trên của Cục Tần số Vô tuyến điện cũng trùng với quan điểm của một số chuyên gia viễn thông quốc tế đã từng chia sẻ với báo giới. Theo ông Jan Wassenius, Tổng Giám đốc Ericsson Việt Nam, Ericsson ước tính nếu nhu cầu lưu lượng 3G tăng gấp đôi (200%) qua mỗi năm thì đến 2015, Việt Nam cần có mạng 4G. Với số người dùng điện thoại smartphone và máy tính bảng ngày càng gia tăng thì nhu cầu sử dụng các dịch vụ về dữ liệu thay vì các dịch vụ thoại truyền thống cũng sẽ gia tăng. Khi nhu cầu dữ liệu đạt đến độ lớn nhất định thì buộc các nhà mạng phải mở rộng mức độ phủ sóng của dịch vụ băng rộng di động, khi đó chúng ta mới cần có mạng băng rộng tốc độ cao hơn.
Hiện tại, tăng trưởng thuê bao 3G ở Việt Nam vẫn còn chậm, tổng số thuê bao 3G của tất cả các mạng hiện khoảng 16 triệu – theo số liệu của Bộ TT&TT, tuy nhiên người dùng dịch vụ 3G vẫn chủ yếu truy cập internet để đọc tin tức, rất ít thuê bao sử dụng các dịch vụ cao cấp hơn như truyền hình di động, thoại thấy hình…, do đó doanh thu từ dịch vụ này còn thấp. Bản thân các nội dung cung cấp cho mạng 3G cũng chưa có nhiều, do đó cũng chưa hấp dẫn được người dùng.
Theo tính toán của các chuyên gia viễn thông, khi nào số thuê bao 3G chiếm 50% tổng số thuê bao di động – tức khoảng vài năm nữa, thì các nhà mạng mới bắt đầu có lãi, khi ấy mới có thể tính tới một mạng băng rộng tốc độ cao hơn.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet