Tôi năm nay 30 tuổi, đang mang bầu lần đầu. Tôi lấy chồng Singapore rồi chuyển ra nước ngoài đến sống cùng gia đình chồng và cả anh chị chồng tại một khu chung cư cũng thuộc loại cao cấp của thành phố ở khu Bugis. Vợ chồng anh rể tôi đã có một bé trai năm nay 4 tuổi, tên là Ken. Ken sinh ra và lớn lên ở Singapore từ nhỏ, đặc biệt rất ngoan ngoãn, nhanh nhẹn và thông minh. Là người lần đầu làm mẹ, lại mới sang Singapore, tôi đặc biệt thích quan sát cách nuôi dạy con của chị dâu mình, một phụ nữ Singapore hiện đại. Điều làm tôi thấy “hâm mộ” nhất ở cách nuôi dạy con của chị dâu mình, đó là cách chị khiến Ken tuy con nhỏ nhưng rất tự giác làm việc nhà.
Còn nhớ lần đầu sang Sing, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy ngay sau bữa ăn cơm, cậu con trai nhỏ của chị dâu tự giác đứng dậy dọn bát đũa. Có vẻ mới tập rửa bát, Ken vẫn còn khá lóng ngóng và làm rất chậm chạp. Nghĩ mình làm khách mới đến nhà, lại là người lớn, tôi vội vàng bảo chị dâu “Để em làm cho nhanh chị ạ”. Tuy nhiên, chị dâu tôi ngay lập tức ngăn cản “Cứ để Ken làm!”. Vậy là suốt buổi tối hôm đó, Ken đã mất tới 1 tiếng mới rửa xong chỗ bát đũa. Đôi chỗ bé làm còn vụng, có lúc không biết úp bát vào đâu, khi thì lại vô tư cho quá nhiều nước rửa bát khiến bọt bắn tùm lum. Tôi ngồi đó mà sốt ruột vô cùng, chỉ muốn đến giúp Ken một tay. Vậy nhưng chị dâu tôi tuyệt nhiên không lao ra giúp đỡ, cũng không bao giờ tôi nghe thấy câu “Không! Đừng làm như thế. Phải thế này này…” mỗi khi Ken làm sai. Chị nhẹ nhàng giải thích với tôi: Hôm nay là lần đầu tiên Ken học rửa bát. Mới tập làm thì không thể hi vọng bé là nhanh hay hoàn hảo được. Thế nhưng em mà giúp bé nghĩa là đã gián tiếp nói với bé rằng em nghĩ Ken không có khả năng làm được mất rồi. Cũng đừng vội vàng giúp đỡ hay chặn lại giữa chừng, trẻ sẽ nản chí.
Quả thật, ngay sau khi Ken làm xong, cậu bé cảm thấy rất vui vẻ hồ hởi. Chị dâu tôi thì cũng không quên khen Ken và dặn dò nhẹ nhàng: “Hôm nay Ken học món mới giỏi lắm. lần sau thì chỉ cần chú ý cho ít nước rửa bát thôi là tuyệt vời rồi”.
Dù lần đầu làm việc nhà Ken còn nhầm lẫn chỗ để bát đũa (ảnh minh họa)
Nhưng con vẫn rất vui vì đã hoàn thành xong việc (ảnh minh họa)
Cũng không bao giờ, tôi thấy chị dâu nói với Ken một câu “Con dọn phòng của mình đi” rồi bỏ đi mà luôn ngồi lại với con. Lần Ken học rửa bát cũng thế. Tôi lấy làm lạ. Sau mới nhận ra rằng, thường khi ở nhà, khi mẹ tôi nói với em trai mình rằng “con dọn phòng đi” thì kết quả sau đấy 1 tiếng, vẫn là một căn phòng bừa bộn. Trẻ nhỏ mới học tính tự giác, không nên để việc đấy rồi bỏ đi. Cũng không nên giao cho bé việc rất ‘chung chung’ như dọn phòng., dọn nhà. Chị dâu tôi luôn giao việc cho Ken rất cụ thể: Gấp quần áo, quét phòng, cất đồ chơi… Trẻ vì vậy sẽ dễ dàng hoàn thành mục tiêu hơn
Giao cho trẻ những công việc cụ thể, hiệu quả công việc sẽ tốt hơn (ảnh minh họa)
Dạy con học rửa bát quét nhà, không lạ. Tôi đã từng thấy rất nhiều mẹ Việt thực hiện. Tuy nhiên, kết quả ra sao hẳn chị em cũng rõ. Thường chỉ sau 1,2 ngày ngoan ngoãn, về sau bé sẽ thường chây lười và rồi mỗi khi mẹ nhắc con rửa bát, ta sẽ thường xuyên phải nghe thấy những câu chống chế như “Lát nữa con làm” hay “Con mệt lắm mẹ ơi”. Lý do trẻ con chán làm việc nhà cũng y như người lớn chúng ta thôi. Đó là vì làm việc nhà rất tẻ nhạt, buồn chán. Ken cũng từng có khi mè nheo với mẹ, thề thốt rằng cậu bé sẵn sàng ngồi học thêm 1,2 tiếng để khỏi làm việc nhà. Hẳn là mẹ Việt thì sẽ mừng quá, “Con học ngay đi, để đấy mẹ làm”. Nhưng chị dâu tôi thì không như vậy. Học là học, việc nhà của Ken, con vẫn phải hoàn thành đầy đủ. Vì sao cần dứt khoát như vậy?
Bởi dạy trẻ làm việc nhà và biết giúp đỡ bố mẹ, điều quan trọng nhất là cần phải tạo thói quen cho trẻ. Chị dâu tôi bắt đầu cho Ken tập làm việc nhà từ khi mới 18 tháng,. Công việc lúc đấy của ken rất đơn giản, tự nhặt đồ chơi của mình cất vào giỏ và gấp quần áo gọn gàng mỗi ngày. Mẹ Sing như chị dâu tôi thường rất tinh ý, luôn bắt đầu cho con làm việc nhà ngay khi bé chớm có dấu hiệu muốn giúp đỡ bố mẹ chứ không đợi đến khi trẻ lớn. Những công việc như vậy sẽ tự giác ăn sâu vào thói quen của trẻ, bé sẽ lớn lên cùng nhứng thói quen dọn dẹp đồ chơi, rửa bát đũa hàng ngày.. Từ đó, hiếm khi nảy sinh thói lười biếng.
Khi việc nhà đã thành thói quen, trẻ sẽ hiếm khi nảy sinh thói lười biếng (ảnh minh họa)
Phương pháp dạy con làm việc nhà của chị dâu người Singapore tôi thấy vô cùng hợp lý và khoa học. Sắp làm mẹ, tôi nhủ thầm cũng sẽ dạy cơn việc nhà từ sớm theo phương pháp của chị, tránh mắc phải những sai lầm cố hữu từ xưa. Singapore và nền giáo dục con cái của họ rất đáng để ta học tập. Tôi xin chia sẻ với chị em trải nghiệm này của bản thân. Mong rằng những kinh nghiệm quí giá này cũng góp phần giúp các bà mẹ chúng ta có thêm những góc nhìn mới về cách nuôi dạy con cái.
Theo chia sẻ của độc giả có địa chỉ email thutra_ng.......@.............
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet