Nội dung

Thực tế, không phải tất cả các loại sirô đều là thực phẩm chức năng để có thể dùng một cách tùy tiện như nhiều người thường nghĩ. Đã có không ít trường hợp do lạm dụng sirô, trẻ phải nhập viện điều trị.

 Sai lầm phổ biến của các bà mẹ khi cho trẻ uống sirô ho

Các chuyên gia khuyến cáo, không cho trẻ uống sirô ho trước bữa ăn vì có thể ức chế tiết dịch tiêu hóa. Ảnh minh họa

Cứ ho nhẹ là uống sirô

Thời tiết giao mùa, số liệu của Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, chỉ trong hơn 2 tuần đầu tháng 9/2016, đã có hơn 27.000 lượt bệnh nhi tới khám. Còn tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), BS Nguyễn Văn Thường, Phó Giám đốc bệnh viện phụ trách khối Nhi cho biết, trong các ngày thời tiết chuyển mùa, có khoảng hơn 400 trẻ tới viện khám, tăng hơn 25% so với ngày thường. Riêng tại Khoa Nhi tổng hợp, luôn có khoảng 65 trẻ nằm điều trị.

Mùa thu, trẻ thường mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa và các bệnh về sốt virus như phát ban, viêm kết giác mạc, sốt xuất huyết. Trong đó, tỉ lệ trẻ đến viện khám đông nhất vẫn là các bệnh về đường hô hấp.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, 80% trẻ tới khám mắc các bệnh này. Tỉ lệ các ca mắc tăng là do miền Bắc đã giữa thu, thời tiết luôn thay đổi, sáng có thể nắng, chiều mát và tối lại lạnh, vi khuẩn, virus có điều kiện thuận lợi phát triển hơn thời tiết thông thường. Trẻ lại chưa có sự thích nghi đối với thay đổi của thời tiết nên tỉ lệ mắc bệnh cao hơn.

Nhiều chuyên gia Nhi khoa cho hay, không ít phụ huynh đưa con nhỏ đến khám đã “khai” với bác sĩ việc đã tự cho trẻ dùng sirô ho trước khi đến viện. Nhiều bậc cha mẹ có suy nghĩ “sirô ho không phải là thuốc kháng sinh” nên cho bé uống vô tư. Họ coi các loại sirô là một dược phẩm an toàn bởi thành phần chiết xuất từ thảo dược tự nhiên nên không sợ ngộ độc. Nên khi trẻ có bất kỳ một dấu hiệu khác thường về sức khỏe như sổ mũi, nhức đầu, ho, biếng ăn… nhiều phụ huynh coi thuốc sirô là lựa chọn hàng đầu.

Ví dụ như trường hợp của chị Hằng Thanh ở Cầu Giấy, Hà Nội. Thấy cậu con trai 3 tuổi tỏ ra "hợp tác nhất" với loại sirô mà mẹ hay mua ở nhà thuốc nên chị Thanh luôn trữ sẵn vài lọ trong tủ thuốc gia đình. Chị cũng công nhận, cơn ho của con dứt hẳn sau 1- 2 ngày uống. Đã thế, con chị lại rất thích vì sirô ngọt, thậm chí còn xin mẹ uống thêm dù đã hết ho.

“Sirô toàn chiết xuất thảo dược, an toàn vô cùng. Nếu uống quá tí chắc cũng không hại gì!”, chị Thanh chắc mẩm.

Đợt rồi, vì mới chuyển nhà trẻ chưa thích nghi kịp, thời tiết hay thay đổi, sáng nắng, chiều tối lạnh lại rất hanh hao, thấy con trai ho, chị Thanh lại cho con uống ngay loại sirô thường dùng. Nhưng cháu bé ho tới 4 -5 ngày không khỏi, sốt ruột, chị mới đứa con đi khám, lúc đó, bé đã bị viêm phế quản.

Không dùng lại lọ thuốc đã uống chưa hết

Theo PGS.TS Nhi khoa Nguyễn Tiến Dũng (Bệnh viện Bạch Mai), ho là một phản xạ bảo vệ cơ thể, giúp tống đàm, dịch nhầy, vật lạ trong đường thở, làm sạch đường thở. Sirô ho sẽ tạm thời ức chế cơn ho, phù hợp với các bệnh ho do viêm họng, cảm cúm, nhưng cần dùng theo sự chỉ định của bác sĩ. Bởi có những loại siro ho chống chỉ định cho trẻ dưới 2 tháng tuổi, 6 tháng tuổi.

Theo BS Nguyễn Tiến Dũng, không ít trường hợp bệnh của bé trở nên nặng hơn do phụ huynh tự mua các loại sirô ho cho trẻ uống. Trong khi hầu hết các loại sirô ho được đăng ký là thuốc, chứ không phải là một loại thực phẩm chức năng thông thường. Mà đã là thuốc thì phải uống theo chỉ định.

Có nhiều nguyên nhân gây ho ở trẻ và mỗi nguyên nhân có cách điều trị khác nhau. Đơn giản như trẻ bị ho do nước mũi chảy xuống họng, chỉ cần dùng thuốc nhỏ mũi, vệ sinh sạch mũi thì trẻ sẽ hết ho. Dùng sirô ho nhiều khi không có tác dụng. Trường hợp trẻ ho kèm sốt, mũi khô, khó thở, thở nhanh, cánh mũi phập phồng, cơ ngực lõm… cần phải lập tức đưa trẻ đi khám.

Thêm một sai lầm nữa, nhiều bà mẹ đã cất lọ sirô ho dùng dở để lần sau nếu con ho lại cho uống tiếp. Điều này rất nguy hiểm, bởi sirô ở dạng nước nên rất dễ bị nhiễm khuẩn. Vì thế sau khi dùng sirô ho chưa hết, phụ huynh nên bỏ đi chứ đừng "tiếc của để dành" .

Các chuyên gia khuyến cáo: Không cho trẻ uống sirô trước bữa ăn vì thuốc có hàm lượng đường cao có thể ức chế tiết dịch tiêu hóa, nhiều khi khiến trẻ có cảm giác “ngang dạ”, kém ăn. Cha mẹ cũng không cho trẻ uống trước khi đi ngủ vì đường bám vào răng dễ lên men chua, làm hỏng men răng, gây sâu răng.

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Những sai lầm ăn uống khi nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ giúp trẻ nhỏ tăng cường hệ miễn dịch mà còn là nền tảng cơ bản cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Nhưng việc cho con bú đôi khi lại khiến các bà mẹ lo lắng vì không biết thức ăn mà họ dùng có ảnh hưởng đến sức khỏe của thiên thần bé nhỏ hay không. Dưới đây là một số quan niệm sai lầm của các bà mẹ đã được các chuyên gia nhi khoa lý giải:

Xem thêm  

Đừng chủ quan khi chở trẻ bằng xe máy

Các bậc phụ huynh nên ý thức về những mối nguy hiểm luôn rình rập trẻ khi tham gia giao thông, để tránh những tai nạn đáng tiếc cho trẻ khi đi trên đường. Nhiều thương tích nghiêm trọng có thể phòng...

Xem thêm  

Lòng bao dung của người mẹ chồng

Chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con trai nhưng vì cháu nội, người mẹ đã nuốt nước mắt, tha thứ cho con dâu. Cô gái trẻ có mái tóc bới cao, nước da trắng ngần, không ngừng vặn vẹo đôi tay khi ngồi trên...

Xem thêm