Tôi có hai cậu con trai đang “tuổi ăn tuổi lớn” (8 tuổi và 10 tuổi) khá nhút nhát và sống có phần nội tâm. Tôi từng lo cậu con cả tự kỷ vì cả ngày nói quá ít và không thích giao thiệp với bạn bè. Thật may, anh em chúng khá thân thiết và thường thủ thỉ tâm sự với nhau về những biến chuyển của bản thân. Dạo gần đây, tôi thấy con khá tò mò về chuyện ‘mau lớn’ của cơ thể. Một lần nấu ăn dưới bếp, tôi loáng thoáng nghe thấy đứa em kêu than với anh rằng, nó bị các bạn gái trong lớp chê là ‘gan cóc tía’; kém ga lăng… và nó rất buồn…Lại một lần khác, tôi thấy thằng anh ôm đứa em và khóc, kể rằng: "Hôm nay anh bị điểm kém. Anh sợ mẹ sẽ mắng"... "Tại sao là con trai mà con lại mau nước mắt thế?" - tôi thầm nghĩ.
Chứng kiến con lớn lên từng ngày với những thay đổi về tâm sinh lý nhưng nhiều khi tôi lại ‘bất lực’ khi chưa thể làm người bạn lớn được con tin cậy, sẵn sàng tâm sự mọi chuyện vui –buồn trường lớp. Tôi cảm thấy đau lòng! Tôi đem những uẩn khúc, ấm ức trong lòng tâm sự với cô bạn thân, hiện đang là giáo viên cấp II thì bạn tôi mắng rằng, chính tôi đã hại con vì cách nuôi dạy 'vô trùng', quá bảo vệ, quá lo lắng mà tước đi quyền trải nghiệm khó khăn của con... Tôi ngẫm ngợi từng lời bạn nói... nhận ra, có những sai lầm trong việc nuôi dạy con trai vô tình tôi đã mắc phải. Xin sẻ chia để các mẹ cùng biết và nếu có thì sửa đổi ngay.
Tước đi cơ hội được mạo hiểm của con
Sống trong một thế giới mà hiểm nguy có thể ập đến bất kỳ lúc nào. Đường trơn trượt, điện cao thế, chất độc sinh học… tất cả đều khiến tôi lo lắng cho con. Điều đó không có gì sai, tuy nhiên nó khiến tôi đôi khi vì bảo vệ mà sinh ra ‘ủm’ con quá kỹ, nuôi con ‘vô trùng’ và cách ly với thế giới bên ngoài.
Khi xem kết quả nghiên cứu của Sarah Brown, thuộc Đại học Sheffield, tôi giật mình khi biết hóa ra những đứa trẻ tránh xa rủi ro có điểm thi thấp hơn và ít khả năng đỗ Đại học hơn so với những đứa trẻ được cha mẹ cho phép mạo hiểm. Đặc biệt, việc lo sợ những nguy cơ có thể xảy ra còn ngăn chặn các bậc phụ huynh thực hiện những ‘đầu tư’ không chắc chắn vào con.
Khi biết sự thật này, tôi đã phải nghiêm túc xem xét lại cách nuôi dạy con của mình. Tôi hối tiếc vì mình đã chở che, bao bọc con quá kỹ mà tước đi cơ hội được trải nghiệm, được mạo hiểm của con. Việc con trai nhút nhát và thiếu tự tin trên lớp là có một phần lỗi của tôi.
Tôi giật mình khi nhận ra rằng, hóa ra con nhút nhát là do lỗi của tôi (Ảnh minh họa).
Ứng cứu con quá nhanh
Tôi còn nhớ như in cảm giác bối rối, cuống quýt của mình… lần đầu thấy con bị bắt nạt ở trường. Đã rất nhanh chóng, tôi quát mắng mấy đứa trẻ đang bắt nạt con tôi và đe dọa ‘nếu còn tái diễn sẽ biết tay!’. Những tưởng, khuôn mặt ‘sát khí’ và lời đe dọa kia sẽ hiệu nghiệm, ai ngờ… con tôi vẫn bị bắt nạt.
Dần dần, tôi nhận ra rằng, tôi không thể lúc nào cũng theo sát con 24/7 để bảo vệ, chở che cho con. Việc tôi luôn can thiệp và giải quyết những vấn đề của con đã khiến con không phát triển các kỹ năng sống cần thiết. Thậm chí, khi bị cô phạt vì tội nói chuyện trong lớp, con tôi không thể tự viết nổi một bản kiểm điểm mà phải cầu cứu mẹ bằng ánh mắt van lơn.
Tôi nhận ra rằng, việc luôn giải quyết hộ con tất cả vấn đề và nuông chiều con là một trong những hình thức lạm dụng trẻ nguy hiểm nhất. Điều này sẽ khiến con không thể trở thành người lãnh đạo, bởi chúng chẳng thể tự làm gì mà không có sự giúp đỡ của cha/mẹ.
Dễ dàng khen con
Bản thân tôi từng mắc sai lầm kinh điển là khen con quá nhiều và quá dễ dàng. Vì vậy, con tôi đã có nhiều hành động ngộ nhận rằng ai cũng là người chiến thắng.
Cô bạn giáo viên đã chia sẻ cho tôi biết nghiên cứu của Tiến sĩ Carol Dweck, thuộc Đại học Stanford (Mỹ) từng tiến hành để tìm ra tác động tiêu cực của lời khen. Trong nghiên cứu, 2 nhóm học sinh lớp 5 phải làm một bài kiểm tra. Sau đó, một nhóm được khen rằng: “Cháu thật thông minh”, còn một nhóm được nói là: “Cháu chắc hẳn đã làm việc rất chăm chỉ”. Khi 2 nhóm phải làm bài kiểm tra tiếp theo, các nhà khoa học đã nói trước rằng bài này sẽ khó hơn và bọn trẻ không bắt buộc phải làm bài này.
Kết quả, 90% số trẻ được khen thông minh quyết định không làm bài kiểm tra thứ 2. Tại sao vậy? Đó là vì chúng lo sợ sẽ làm không tốt và chứng minh rằng lời khen ngợi đã sai. Trong khi đó, hầu hết trẻ ở nhóm thứ 2 chọn làm bài kiểm tra. Chúng cảm thấy thích thú và không ngại những thách thức. Cuối cùng, cả 2 nhóm phải làm bài kiểm tra thứ 3, bài kiểm tra này có độ khó tương tự như bài kiểm tra đầu. Tuy nhiên, nhóm học sinh được khen thông minh lại làm tệ hơn, còn nhóm thứ 2 làm tốt hơn 30%.
Hóa ra, nếu khen ngợi trẻ thông minh không đúng hoàn cảnh sẽ là lưỡi dao vô hình làm chậm sự tư duy và phát triển của con.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet