Sinh con đầu lòng, đương nhiên chị em thường bị áp lực bởi chuyện phải nghe theo lời khuyên răn và dạy bảo của các bà, các chị đi trước vì một lẽ đơn giản: họ đã có kinh nghiệm trong chuyện chăm con. Tuy nhiên, cuộc sống thay đổi, khoa học cũng ngày một tiến bộ, có những qui tắc nay đã trở nên lỗi thời, không cần thiết hoặc thậm chí được chứng minh là hoàn toàn sai lầm.
Là mẹ của 2 đứa trẻ, một 6 tuổi, một 18 tháng, tôi cũng tự mình đúc rút ra được những qui tắc nuôi con mình có thể bỏ qua.
Khi con ngủ thì tranh thủ ngủ đi
Khi mới sinh con, trong tháng đầu ai cũng khuyên tôi rằng khi con ngủ thì mẹ cũng tranh thủ ngủ đi. Thậm chí, mẹ chồng tôi còn ép tôi phải nằm ngủ theo con bất cứ khi nào bé chợp mắt. Vậy nhưng thực tế là tôi không bao giờ có được một giấc ngủ ngon theo kiểu như vậy. Trẻ sơ sinh ngủ rất nhiều giấc ngắn trong ngày nhưng đồng hồ sinh học của tôi lại không theo thế. Tôi trằn trọc, tôi căng thẳng, tôi cố bắt mình ngủ theo con để khi bé dậy tôi còn có sức chăm tiếp. Vậy nhưng kết quả ngược lại, nỗ lực ép bản thân ngủ theo con khiến tôi càng mệt mỏi hơn. Cuối cùng, tôi quyết định không làm như vậy nữa. Khi con ngủ, tôi đã thư giãn bằng cách đọc sách, nghe nhạc hay tận hưởng việc lướt web một cách thoải mái và đúng ý mình. Tôi thấy bản thân khỏe hơn rất nhiều.
Chúng ta đã là người trưởng thành, chúng ta biết rõ cơ thể mình và bết rõ cách sử dụng thời gian của mình như thế nào. Vì vậy, không cần nghe mọi người ép mình đi ngủ. Kết quả không tốt chút nào. Hãy thư giãn bằng cách chúng ta muốn.
Phải cho con bú ít nhất 1 năm
Nếu có thể, tuyệt vời. Nếu không, bạn cũng không nên bị ám ảnh về việc mình đang chưa dành cho con những gì tốt nhất có thể hoặc lo lắng rằng mỗi khi con ốm đau sụt sịt thì đó là vì bé đã không được bú sữa mẹ đầy đủ để tránh khỏi bệnh tật. Tất cả chúng ta đều đang làm những gì tốt nhất cho con mình và nếu (chẳng may) không thể hoàn thành nhiệm vụ sữa mẹ, ta cần tìm sang những phương pháp khác, ti bình hoặc cả ti binh và ti mẹ kết hợp. Hãy tin vào bản thân và bản năng làm mẹ của mình.
Trẻ sơ sinh trong bụng mẹ đang 37 độ, ra ngoài phải mặc đồ cẩn thận không sẽ bị lạnh
Thực tế hoàn toàn ngược lại. Da trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, do đó thân nhiệt trẻ không được để tăng cao. Mặt khác, tuyến mồ hôi của trẻ giai đoạn này cũng chưa phát triền hoàn thiện, nếu bị ủ quá kỹ sẽ dễ xay ra 2 trường hợp:
1 quá nóng dẫn đến toát mồ hôi, thấm ngược vào trong gây viêm phổi.
2 quá nóng dẫn đến bí da, xuất hiện rôm sảy, mẩn đỏ.
Theo tôi người mẹ cần chủ động thông tin nuôi con chứ không nên chăm chăm nghe lời khuyên nhiều chiều (ảnh minh họa)
Đừng để con bỏ học nhạc / múa / karate giữa chừng
Hè đến chúng ta hay thích cho con đi học năng khiếu, bản thân các bé có thể ban đầu cũng thích thú nhưng sau khi tham gia, nhiều bé sẽ nhận ra bản thân không có hứng thú thực sự với môn học hoặc thấy mình không có năng khiếu. Đương nhiên, chúng ta muốn trẻ kiên trì và hoàn thành những gì bé đã bắt đầu. Tuy nhiên việc ép con theo học một môn năng khiếu bé không thích sẽ gây mệt mỏi cho tất cả mọi người. Tôi đã từng cố ép con đi học piano khi bé 3 tuổi với ý nghĩ học nhạc sẽ rất tốt cho con và trẻ càng học năng khiếu sớm càng tốt. Chỉ sau 2 tháng hè, tôi đã nhận ra đấy là sai lầm.
Con không ăn hết cơm thì không có hoa quả tráng miệng
Đương nhiên, tôi muốn con ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng. Tôi hay nghe mọi người khuyên nên dọa con bằng ăn hết bát cơm bằng cách lấy thực phẩm khác ra để treo thưởng. Lúc đầu tôi cũng làm như vậy. Nhưng dần dần, tôi nhận thấy tác hại của nó. Đúng là khi treo thưởng với con rằng ăn hết cơm mẹ cho ăn hoa quả thì bé có ăn cơm thật. Nhưng con ăn với sự miễn cưỡng, ăn cho có và càng càng ngày không hề thích cơm. Cho rằng cơm không ngon, không hấp dẫn bằng hoa quả nên mới phải treo thưởng.
Mỗi ngày phải ngồi vào bàn học đúng 2 tiếng
Ai cũng nhắc nhở rằng muốn con học giỏi thì cần yêu cầu con mỗi ngày đều phải ngồi vào bàn học, đều phải ngồi đấy học đủ 2 tiếng mới đứng dậy. Quan điểm này tôi vô cùng phản đối. Theo tôi, học hành không chỉ ở sách vở, bài học cũng không phải chỉ diễn ra trên bàn học. Tôi có thể dạy con ở mọi nơi mọi chỗ, cả những kiến thức khoa giáo lẫn những thông tin thú vị về tự nhiên, cuộc sống. Ép con ngồi vào bàn học 2 tiếng mỗi ngày gây ức chế cho trẻ nhỏ. Miễn con hoàn thành xong bài tập sớm, đúng, tôi sẽ cho con nghỉ ngơi. Còn nếu chưa hoàn thành? Cũng nghỉ ngơi và một lúc sau quay lại làm tiếp.
Trẻ sơ sinh tháng đầu chưa được ra đường
Thực tế thì một chút không khí trong lành sẽ không làm tổn thương bất cứ ai, kể cả người mẹ mới sinh nở hay em bé chưa tròn 30 ngày tuổi. Người lớn trong gia đình thường sợ trẻ ra ngoài gặp nắng, gặp gió sẽ sinh bệnh đau ốm, nhất là khi con còn quá bé và non nớt. Mọi người đều cảnh báo tôi không nên đưa con ra ngoài. Với bé đầu, tôi đúng là đã không dám cho con đi đâu thậm chí trong suốt 3 tháng đầu. Vậy nhưng với bé thứ 2, tôi cho con ra ngoài, đi chơi, gặp gỡ bạn bè cùng mẹ từ khi mới 3 tuần tuổi. Và kết quả? Không sao cả. Mỗi lần đi về con đều vẫn khỏe mạnh, ăn ngủ tốt và thậm chí còn có phần hoạt bát, rắn rỏi hơn. Chính vì vậy, đừng để những qui tắc cổ hủ, “ngớ ngẩn” khiến chúng ta nuôi con không được thoải mái.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet