Làm mẹ lần thứ 3 như cựu người mẫu Quế Vân, cô có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi và dạy con cho riêng mình. Mới đây, bà mẹ 3 con đăng tải một đoạn video quay lại cảnh cậu con trai Wú không được vui vẻ và hướng ánh mắt nhìn chăm chăm vào mẹ. Cựu người mẫu cũng cho biết bé vừa ăn sữa xong nhưng không chịu ngủ, vẫn đòi ăn tiếp nhưng không được đáp ứng nhu cầu nên bật khóc.
Đứng trước phản ứng vòi vĩnh, ăn vạ của con trai, bà mẹ có những đáp trả vô cùng cứng rắn. Thông qua hành động của mình, Quế Vân cũng muốn gửi gắm thông điệp nuôi dạy một đứa trẻ sao cho không hình thành thói quen xấu.
Cô nói: "Khi trẻ đỏi hỏi nhất định chúng ta không được đáp ứng. Bởi đây sẽ hình thành thói xấu và hệ quả sau này lớn lên sẽ khiến trẻ trở thành người xấu. Nếu như không đòi được việc gì sẽ cáu gắt. Rồi làm việc sai trái.
Và Vân, có thể ngồi nghe con khóc hết cơn. Sau đó Vân mới nói cho con hiểu rằng không được như thế. Và đây là em bé bú hết 120 ml vẫn không chịu ngủ...
Gắt ngủ đòi tiếp... nhưng chưa đến giờ bú nên. Được, con cứ khóc đi. Mẹ thi gan với con luôn".
Phía dưới phần bình luận, đa số mọi người bày tỏ sự đồng tình với cách nuôi con sơ sinh của Quế Vân, số khác cũng cho biết rất nể mẹ bỉm sữa bởi không mấy bà mẹ có thể chịu được tiếng con khóc, nhất là khóc quá lâu thì nhanh chóng đáp ứng nhu cầu cho bé. Tuy nhiên với Quế Vân đã 2 lần nuôi con trước đó, cô hoàn toàn bình thản vì có kinh nghiệm.
Được biết, cựu người mẫu Quế Vân sinh con trai thứ ba hôm 10/7 cho bạn trai kém tuổi tại một bệnh viện quốc tế ở Hà Nội. Em bé nặng 3,7 kg, chào đời bằng phương pháp sinh thường, được đặt tên ở nhà là Wú.
Ngay sau khi con trai chào đời, bà mẹ đã gửi lời nhắn yêu thương đến bé "Con à, hãy lớn lên thật mạnh mẽ, dũng cảm, không sợ hãi, luôn tử tế và bao dung nhé con trai của mẹ". Cô cũng công khai mặt quý tử và thường xuyên đăng tải hình ảnh, bày tỏ quan niệm nuôi dạy và được nhiều người quan tâm.
Làm gì khi trẻ gào khóc, ăn vạ?
Theo chuyên viên tâm lý Lê Khanh, Phòng tư vấn tâm lý gia đình và trẻ em (TP HCM) cho biết, trẻ khóc có nhiều nguyên nhân. Trẻ khóc thường là để thông báo rằng bé bị đau, bị ngứa, khó chịu, sợ, buồn hoặc là bị bệnh, hay đói, khát, lạnh… đó là những lý do chính đáng. Còn có những trẻ khóc mè nheo, ăn vạ…“tuyệt chiêu” được nhiều người chia sẻ, hướng dẫn biện pháp đối phó đó là làm ngơ, tỏ ra không quan tâm đến trẻ một cách cương quyết.
Song đây chỉ là “chiêu khởi động” cho một loạt các biện pháp sau đó. Nhiều cha mẹ không để ý, cứ bỏ mặc trẻ muốn gào khóc thế nào tùy ý. Kết quả là có những trẻ quá nhạy cảm, cơn gào khóc ấy có thể dẫn đến tình trạng tím tái, co giật hay những phản ứng xấu. Khi đấy, cha mẹ sẽ thành nạn nhân của chính biện pháp của mình.
Chuyên viên tâm lý Lê Khanh cho rằng, việc để mặc cho trẻ khóc do những đòi hỏi vô lý mà mẹ không đáp ứng, nuông chiều là đúng nhưng chưa đủ. Đó chỉ là bước 2 trong một chuỗi các bước phải vận dụng. Theo đó:
Bước 1: Khi trẻ bắt đầu ăn vạ thì lùi ra;
Bước 2: Bỏ mặc một thời gian ngắn;
Bước 3: Là đánh lạc hướng để thu hút trẻ vào các hoạt động khác mà trẻ có hứng thú;
Bước 4: Tác động nhẹ nhàng, vỗ lưng, cho uống nước... để trẻ “hạ hỏa”. Chứ không phải cứ để mặc với hy vọng là trẻ khóc chán rồi thì thôi.
(Ảnh minh họa)
Ngược lại, cũng không nên bế dỗ ngay, trừ khi biết chắc là trẻ khóc, kêu vì các nguyên nhân chính đáng như khó chịu vì ốm, lo sợ… Nếu trẻ bị vấp té vì mải chơi, bị đau vì chạy va đầu vào cạnh bàn… cha mẹ không nên tỏ ra hốt hoảng, chạy đến ôm ấp xuýt xoa. Bởi chính hành động này sẽ là nguyên do dẫn đến sự bật khóc, thậm chí là gào khóc ngay và luôn, vì trẻ thấy rằng đã thu hút được sự chú ý của mẹ.
Bạn hãy xem phản ứng của trẻ, với trẻ lớn, đôi khi trẻ sẽ tự đứng lên hay xoa đầu mà không có thêm phản ứng gì, nếu như thế thì cứ bỏ qua và trẻ cũng sẽ quên luôn. Nếu trẻ bắt đầu bật khóc, bạn không nên chạy lại để “đánh” cái sàn vì làm trẻ ngã, hay “phạt” cái bàn vì làm trẻ đau. Đó là sự đổ thừa mà trẻ sẽ mau chóng tiếp thu và sẽ áp dụng sau này cho các lỗi lầm của mình.
Theo chuyên gia Lê Khanh, thực ra, việc trẻ gào khóc chỉ để lại một kinh nghiệm cho trẻ là phải gào khóc thì bố mẹ mới quan tâm đến mình và gào khóc càng lớn sự quan tâm sẽ đến càng nhanh. Ngay khi trẻ bắt đầu có sự đòi hỏi, nhõng nhẽo thì chúng ta phải nhẹ nhàng quan tâm và tạo cho trẻ sự vui vẻ nhưng lại có thái độ cương quyết từ chối các yêu cầu. Đồng thời, chuyển hướng ngay sự chú ý của trẻ sang vấn đề khác.
Nếu trẻ cứ nằng nặc đòi hỏi, lúc đó mới bắt đầu tiến hành các biện pháp can thiệp theo từng bước một, không để cho trẻ có cơ hội kéo dài quá lâu tình trạng gào khóc, có khả năng đưa đến những phản ứng quá khích, tiêu cực. Còn với những trẻ hay nhõng nhẽo, thường xuyên ăn vạ thì cần phải quan tâm đến tính cách, năng lực và sở thích của trẻ, để dựa vào đó tiến hành những biện pháp dài hơi hơn để trị liệu cho trẻ bỏ dần thói quen này, không tạo thành tính cách xấu khi trẻ lớn lên.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet