Tôi và chồng có mỗi một anh con trai năm nay được 29 tuổi. Con trai tôi mới cưới vợ năm ngoái – một cô thạc sĩ nghành ngôn ngữ rất xinh xắn và tự tin. Con bé kém con trai tôi 4 tuổi, vừa tròn 25. Hiện đang công tác tại một tòa soạn báo điện tử có tiếng. Vừa lấy nhau được hơn 5 tháng thì chúng nó có bầu rồi sinh con. Khỏi nói tôi và chồng mừng đến thế nào. Mọi người hay bảo tôi tốt số, có con dâu vừa học thức, xinh xắn, lại chịu đẻ ngay con cho ông bà bé. Ấy vậy nhưng tôi lại chẳng thấy mình “sướng” ở đâu cả. Con dâu “lắm chữ” thật quá mệt mỏi. .
Phải nói, tôi và chồng năm nay đã hơn 55 tuổi. Hai chúng tôi trước đều công tác giảng dạy tại các trường đại học, mới nghỉ hưu được hơn 2 năm nay. Tuy là thế hệ già nhưng chúng tôi cũng khá tân tiến, có facebook, biết vào mạng tìm hiểu thông tin và cũng là những bậc tri thức. Chúng tôi cũng rất tôn trọng phương pháp nuôi con của con dâu. Vậy nhưng có lẽ trong mắt con dâu tôi, chúng tôi vẫn chỉ là những ông già, bà già cổ hủ lạc hậu. Nhất là trong việc nuôi dạy Num - cháu trai duy nhất của cả gia đình, con dâu tôi tuyệt đối không nghe lời một ai và luôn cho mình là nhất. Điều này khiến cả gia đình tôi rơi vào trạng thái mệt mỏi, bà con lối xóm cũng nhìn con dâu tôi bằng ánh mắt quái lạ khiến tôi rất buồn.
Con dâu tôi tuy làm mẹ lần đầu nhưng nuôi con rất thích theo khoa học và sách báo. Về chuyện ăn uống của mẹ: Hồi con dâu mới sinh Num xong, tôi cất công nấu hẳn một nồi cháo móng giò to, lại toàn những cái móng sạch, được tôi đi tận siêu thị để mua về. Vậy nhưng con dâu không hề đụng thìa. Con bé nói “Thời buổi này còn ai ăn móng giò cho nhiều sữa hả mẹ. Bây giờ có nhiều món ăn lợi sữa mà không hề béo chút nào. Con chỉ uống chè vằng thôi. Vừa nhiều sữa vừa gầy người”. Nói là làm, cả ngày con bé chẳng ăn tí móng giò nào. Cháo gạo cũng đều là tinh bột, con bé chê ỏng chê eo là tinh bột chỉ béo mẹ, chẳng lợi con nên cả ngày chỉ uống chè vằng “cầm hơi” rồi cho con bú. Thấy con bé vẫn có sữa, tôi và chồng cũng tôn trọng con dâu.
Về chuyện vệ sinh cho cháu: Con bé luôn yêu cầu chúng tôi phải rửa tay thật sạch sẽ, lau khô rồi mới được bế cháu. Hôn hít thơm má Num con bé lại càng cấm cản. Nghĩ con dâu lo Num còn nhỏ, dễ bị nhiễm vi trùng vi khuẩn sẽ đau ốm. Tôi và chồng dù hơi buồn nhưng vẫn đồng ý nghe theo. Rồi còn rất nhiều mẹo dân gian ngày xưa tôi từng áp dụng để nuôi con trai mình như nhỏ sữa mẹ vào mắt, lấy lá hẹ rơ nướu khi con tròn 3 tháng 10 ngày, tắm nước lá chè xanh mướp đắng…vì biết con dâu rất ghét những thứ “không có cơ sở khoa học” nên tôi và chồng luôn bỏ qua, không khuyên ép con bé. Tôn trọng con dâu là thế, nhưng đến khi nhìn con dâu chăm cháu ăn dặm thì quả thật tôi và chồng không thể làm ngơ được nữa.
Dù không muốn can thiệp nhưng nhìn cách dâu cho con ăn dặm, tôi sốt ruột như 'ngồi trên đống lửa" (ảnh minh họa)
Con bé nói với tôi rằng sẽ cho Num ăn dặm kiểu Nhật. Lúc đầu, tôi và chồng cũng không hiểu ăn dặm kiểu Nhật có nghĩa là làm sao nên ngay tối hôm ấy, hai ông bà già chúng tôi lên ngay internet để tìm hiểu về phương pháp ăn dặm kiểu Nhật mà con bé định dùng. Sau khi tìm hiểu xong, tuy trong lòng cảm thấy vẫn chưa hài lòng lắm vì sợ hại dạ dày cháu, nhưng tôi và chồng vẫn để con dâu toàn quyền quyết định.
Vậy là con bé cho Num ăn theo “kiểu người Nhật”. Không bột ngọt, không bột mặn, dâu nhà tôi cho con trai ăn ngay cháo và rau riêng. Khi ăn cũng phải ngồi trên ghế đàng hoàng. Chưa biết ngồi thì nằm ghế võng, biết ngồi rồi phải ngồi yên trong ghế gỗ. Thế nhưng thằng bé không hợp tác. Cứ đặt Num ngồi vào ghế là nó lại gào lên đòi ra. Xúc cháo cho ăn thì được 2,3 thìa. Rau với thịt mỗi bát ăn được một miếng. Xong là bỏ. Con dâu tôi cũng chẳng buồn ép. Ngay lập tức con bé bỏ Num ra khỏi ghế, để nhịn đói rồi lát cho ăn sữa bù. “Trẻ con tuổi này ăn dặm chỉ là làm quen, uống sữa mới là chính” con dâu giảng giải.
Tôi không hiểu cái gì là chính, cái gì là phụ. Nhưng nhìn thằng cháu duy nhất của mình đã 2,3 tháng nay chẳng lên được cân nào. Người cứ gầy nhẳng, chân tay chẳng có lấy một cái “ngấn” như bọn trẻ con hàng xóm mà buồn. Tôi và chồng cũng đã nhiều lần nói chuyện với con dâu. Nói trực tiếp có, nhờ con trai tác động với vợ có. Vậy nhưng con dâu tôi dứt khoát không chịu quấy bột cho con ăn. Con bé chê “ăn bột là lạc hậu, sai lầm. Ăn thô với độ thô tăng dần như người Nhật, trẻ sẽ nhanh chóng biết ăn cơm cùng với gia đình. Sau cũng sẽ ngồi ngoan, biết tự xúc.” Thấy con dâu “nhiều chữ” quá, chúng tôi cũng đành phải thôi.
Hàng xóm nhà tôi bắt đầu xầm xì về cô con dâu “quái lạ và sính ngoại” của tôi. Họ nói con bé nuôi con theo kiểu Tây kiểu Tầu gì, mới 9 tháng đã cho ăn cơm nguyên hạt, thỉnh thoảng lại thấy cầm nguyên miếng súp lơ nhai nhai rồi vứt. Num nhà tôi thì ngày càng còi dí. Nhưng con dâu lại có vẻ vô cùng tự hào. Con bé sẵn sàng đanh đá mỉa mai nếu ai đó chê con bé nuôi con còi không bằng con người khác: "Ôi con cháu bây giờ 9 tháng đã ăn cơm, đã tập đi rồi. Vậy là cháu nuôi con vụng quá cơ bác nhỉ".
Dâu nhà tôi cho rằng người Việt nói chung mà cụ thể là mấy bà hàng xóm quanh khu tôi toàn là những người “GATO” (ghen ăn tức ở) và lạc hậu. Tôi thấy cháu mình cứng cáp, lại biết ăn cơm thì cũng vui đấy, nhưng cũng không kém phần lo. Thằng bé gầy nhẳng, bỉm thay ra có khi còn nguyên miếng cơm, miếng rau xanh lè. Sợ cháu không phải là nhai được cơm mà nuốt chửng, dạ dày làm việc quá sức, tôi cố khuyên bảo con dâu hoãn độ thô nhưng con bé vẫn không cho rằng tôi đúng.
Khi Num 9 tháng mới được 6,6 kg, tôi bàn con đưa đi bác sĩ khám xem thế nào. “Mình nó không nghe nhưng bác sĩ chắc nó phải nghe” tôi nghĩ bụng. Ấy thế mà khi đi khám, bác sĩ kê đơn cho con dâu tôi về cho Num ăn ngày 2-3 bữa, bỏ cơm nguyên hạt đi, xay nhuyễn cháo với thịt rau ra cho con. Về đến nhà, con dâu tôi “phán” ngay: “Bác sĩ Việt Nam thật quá chán và quá lạc hậu. Không thể tin được. Toàn đi ngược với bác sĩ bên Nhật”. Hỏi con đi khám bác sĩ Nhật nào rồi, con bé trả lời tỉnh bơ “bạn con ở Nhật đi khám bảo thế”. Tôi thở dài: Vậy là, đến bác sĩ mà trái ý con bé, thì bác sĩ cũng là sai.
Hôm vừa rồi, tôi có đọc được bài viết về chuẩn cân nặng mới của trẻ theo WHO. Nghĩ WHO là tổ chức có uy tín, con dâu mình ắt phải tin. Tôi in ra để đưa con dâu đọc. Cố thuyết phục dâu là Num đang ở mức suy dinh dưỡng rồi. Vậy nhưng sau một hồi nhíu mày đọc, con dâu phán: “Bảng số liệu cũng có nhiều loại lắm. WHO lấy thông tin nhưng không đầy đủ. Trẻ bú sữa mẹ khác, trẻ sữa công thức khác. Trẻ châu Âu khác mà châu Á khác. Trẻ ăn dặm kiểu Nhật cũng phải có bảng chuẩn riêng”. Lần này thì tôi "ngã ngửa". Đến WHO mà con bé cũng chê được thì tôi đúng là “bó tay” mất rồi.
Tôi không hiểu các nàng dâu hiện đại ngày nay ai cũng vậy, hay chỉ mình nhà tôi có cô con dâu “lắm chữ” khi nuôi con thế này. Thích nuôi dạy con theo khoa học, vậy nhưng nếu “khoa học” không đúng ý mình, con bé sẵn sàng bảo bác sĩ, bảo cả những tổ chức uy tín trên thế giới là sai. Tôi quả thật mệt mỏi và rất lo cho sự phát triển cũng như sức khỏe của cháu trai mình.
Theo tâm sự của Bác Vũ Thị Tuyết (Nguyễn Thái Học, Hà Nội)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet