Nốt ruồi nào không duyên?
Da chúng ta có màu sáng hay tối là do số lượng, mật độ và sự phân bố của hắc tố bào (melanocyte). Chúng sản sinh ra sắc tố đen gọi là melanine. Điều này bị chi phối bởi yếu tố di truyền, thay đổi theo từng chủng tộc. Một số tác động bên ngoài như tia cực tím, nội tiết, dinh dưỡng, các bệnh lý trên da, tia bức xạ hoặc hoá chất có thể ảnh hưởng lên màu sắc da. Khi hắc tố này tập trung nhiều vào một chỗ, sẽ tạo ra nốt ruồi. Như vậy, về mặt y học, nốt ruồi là những khối u hắc tố, do sự loạn sản lành tính và khu trú của sắc tố melanine.
Có ba nguyên nhân khiến người ta muốn phá bỏ nốt ruồi:
Nhu cầu thẩm mỹ: ở những vị trí phơi bày như mặt, cổ… các nốt ruồi xuất hiện như những hạt đậu đen xấu xí trên da làm người bệnh kém tự tin.
Vì sức khoẻ hay yêu cầu y khoa: trong một số trường hợp, nốt ruồi thành ung thư hắc tố, là một loại ung thư da. Người ta thấy 1/3 ung thư hắc tố có thể xảy ra trên các nốt ruồi có sẵn, nếu gặp các yếu tố kích thích kéo dài như cọ xát, phơi nắng...
Yếu tố di truyền cũng được ghi nhận. Mặc dù ung thư hắc tố chỉ chiếm 10% trong tổng số các ung thư da nhưng lại rất ác vì đem đến cái chết cho 75% các trường hợp mắc bệnh. Khi nốt ruồi có những biểu hiện đe doạ hoá ác hoặc trở thành ung thư, việc phá bỏ phải được cân nhắc thực hiện sớm, đúng cách.
Ngoài ra để phòng bệnh, một số nốt ruồi có nguy cơ hoá ung thư cũng sẽ được xử lý sớm, đó là những nốt ruồi ở các vị trí thường xuyên bị cọ xát (như ở lưng quần; vùng râu, tóc; lòng bàn chân, gót chân...) hoặc với những người có làn da nhạy nắng (người có màu da trắng, mắt xanh, tóc bạch kim hoặc vàng, người có mắt nâu, tóc hung đỏ…), người hay phơi nắng hoặc người lớn tuổi có nốt ruồi, người có tiền căn gia đình có người bị bệnh ung thư...
Niềm tin tâm linh: một số nốt ruồi được cho là gắn liền với vận hạn của chủ nhân, cái nào càng đen tuyền hoặc càng đỏ (nốt ruồi son) thì càng tốt; nếu mọc ở các vị trí như mí mắt dưới, khoé mắt, rãnh mũi thì bị coi là các nốt ruồi "lệ", mang lại buồn khổ, mọc trên vai thì bị quy tội gánh vác nhọc nhằn nên cũng bị khử đi...
Không như trước đây, hiện có khá nhiều cách để phá bỏ nốt ruồi. Với các nốt ruồi bình thường không dấu hiệu hoá ác, tuỳ kích thước, các bác sĩ có thể đốt (đốt điện hoặc laser carbonic) khi diện tích bề mặt dưới 1cm2 hoặc cắt trọn và khâu lại khi nốt ruồi to hơn diện tích đó.
Thường thì biện pháp cắt trọn và khâu thẩm mỹ sẽ cho vết sẹo nhỏ và đẹp hơn. Phương pháp này cũng giúp bác sĩ lấy trọn khối nốt ruồi và kết hợp thử thịt (sinh thiết, xét nghiệm tế bào học…) để phát hiện biểu hiện ung thư, nếu có. Với các nốt ruồi có nguy cơ ác tính hoặc đã thành ác, việc cắt bỏ càng sớm càng tốt và luôn phải kết hợp với sinh thiết.
Ngoài ra, bệnh nhân cần được khám tổng quát để phát hiện các thương tổn có thể có do di căn. Các thiết bị laser như Ruby, Q-Switched, Nd – YAG... chỉ dùng cho trường hợp các nốt ruồi bằng phẳng trên da, giống như những cái bớt. Ưu điểm của các phương tiện này là ít để lại sẹo nhưng phải làm nhiều lần và giá còn cao.
Lưu ý, không tự phá nốt ruồi bằng vôi ăn trầu, thuốc uốn tóc... Phá nốt ruồi không đúng cách sẽ kích thích khiến thương tổn phát triển dữ dội và trở thành độc.
Khi có nốt ruồi, bạn đừng để nỗi ám ảnh ung thư nốt ruồi đeo bám nhưng cũng đừng quá chủ quan. Cần tránh nắng, tránh kích thích cọ xát các nốt ruồi đang có. Để ý theo dõi các dấu hiệu bất thường và đi khám bệnh sớm nếu thấy nghi ngờ - điều này càng quan trọng cho những ai trong gia đình từng có người bị ung thư da.
Có sự lớn nhanh về thể tích, bề mặt nốt ruồi phát triển thêm hơn 6mm và trở nên cứng; hình thái nốt ruồi mất tính cân đối, bờ không đều, không bằng phẳng (nốt ruồi bình thường hình tròn hoặc bầu dục, nghĩa là đối xứng theo trục dọc hoặc ngang); có thay đổi màu sắc, vị trí thương tổn chỗ đen đậm, chỗ đen lợt, đặc biệt là nốt ruồi cũ bỗng dưng đen sậm hơn; thay đổi về cảm giác như đau, ngứa...; thay đổi trên bề mặt như loét, sùi, chảy máu, rỉ dịch...; có hạch vùng phụ cận. Lưu ý, hai nhóm dấu hiệu cuối là những dấu hiệu muộn.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet