Video: Một ngày của bé Nemo
Julia Hoang - bà mẹ gốc Việt, hiện đang sinh sống và làm việc tại Tây Ban Nha. Mặc dù đang định cư ở nước ngoài nhưng chị vẫn giữ được nếp sống của người Việt và áp dụng cho việc rèn luyện, dạy dỗ con trai Nemo (2 tuổi).
Mỗi tháng chị Julia Hoang bỏ ra 3 - 5 triệu để sắm thời trang cho con. Chiều con là vậy, nhưng chị có một nguyên tắc dự định khá khắt khe, chỉ nuôi Nemo đến năm 18 tuổi, sau đó con phải "tự bơi" ra xã hội. Nghĩa là sau 18 tuổi con phải tự kiếm tiền, vừa học đại học vừa nuôi bản thân.
Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của chị Julia Hoang để hiểu nhiều hơn về cách chăm con của người mẹ này.
Tổ ấm của chị Julia Hoang. (Ảnh: NVCC)
Đi đẻ như đi nghỉ dưỡng ở khách sạn 5 sao
Là người chu toàn trong cuộc sống, sau khi sang Tây Ban Nha định cư, chị Julia Hoang đã lên kế hoạch cho công việc và sinh đẻ. Với mong muốn có được dịch vụ chăm sóc tốt nhất, chị đã mua gói bảo hiểm tư với giá 49eur/tháng (hơn 1 triệu VNĐ/tháng).
Ngay từ khi mang bầu, chị được phép chọn một bác sĩ cho riêng mình. Bác sĩ khám và tư vấn từ những ngày đầu thai kì, cho đến khi vào phòng đỡ đẻ cho hai mẹ con. Ngày chị lên bàn đẻ, xung quanh bị có tất cả 6 nhân viên y tế.
“Ngay sau khi con sinh ra, việc đầu tiên khi lọt lòng là các phụ tá lấy vân tay của con, sau đó mẹ được ôm con khoảng 3 phút thì bác sĩ đưa Nemo đi tắm rửa. Nemo nhà mình sinh ra nặng chỉ 3,45kg nhưng được ghi nhận là to nhất bệnh viện trong những ngày đó. Vì các em bé bên này sinh ra chỉ nặng khoảng 2,7-3kg. Nhìn chung, đi đẻ bên này sướng không khác gì đi nghỉ dưỡng khách sạn 5 sao” – chị Julia Hoang vui vẻ kể lại.
Bé Nemo được ba mẹ nuôi đến năm 18 tuổi, sau đó ba mẹ sẽ để con phải tự "bơi" ra xã hội (Ảnh NVCC)
Chồng đảm nhiệm tất cả những công việc của người nội trợ
Tâm sự thêm về môi trường sinh hoạt tại xứ sở bò tót, chị Julia Hoang cho biết, nhiều người nghĩ mẹ Việt ở Tây thì sướng. Nhưng, sinh con không có ông bà người thân bạn bè bên cạnh, chỉ duy nhất chồng thì không thể bằng những bà mẹ sinh con ở Việt Nam. Chị có được lối sống vui vẻ như hiện tại là nhờ hưởng theo tư tưởng lạc quan phương Tây, coi mọi chuyện khó khăn là bình thường, chuyện nhỏ bình thường là niềm vui.
Không giống với những mẹ bỉm sữa ở cữ tại Việt Nam, sau sinh có giúp việc hoặc ông bà đỡ đần, với chị Julia Hoang không những không có người thân bên cạnh, sau khi sinh con 1 ngày là chị phải quay trở lại với công việc. Hai vợ chồng anh chị, mỗi người làm hai nghề một lúc nên đã phải cố gắng nỗ lực đến 200% mới có thể chăm được đủ đầy cho con. “Mình nhớ suốt một năm đầu đời của con, mình chỉ ngủ đúng 2 đến 3 tiếng một ngày. Mỗi giấc ngủ không quá 15 phút. Nhưng may mắn là mình không hề bị stress sau sinh” – Chị Julia Hoang nhớ lại.
Là cặp vợ chồng người Việt sống ở nước ngoài nên muôn phần bận rộn. Anh chị đã phải phân công công việc rõ ràng. Nếu như công việc chợ búa bếp núc, giặt giũ ở Việt Nam mặc định là các bà nội trợ thì bên đất nước Tây Ban Nha, chồng của chị phải đảm nhiệm tất cả những công việc đó.
“Nói chung đàn ông Việt khi ra nước ngoài thì sẽ phải làm hết các công việc mà nếu ở Việt Nam thì việc đó nghiễm nhiên của phụ nữ. Ví dụ giặt đồ cho con, cho con uống sữa, đưa con đi khám một mình, ru con và trông con cả đêm, hai ba con đi công viên và đi chơi với nhau cả ngày cuối tuần để mẹ được có thời gian đi chơi riêng với bạn...”.
Vì quá bận nên bé Nemo đã được rèn nhiều điều, ngay từ ngày thứ 2 sau sinh, bé con được học cách bú bình (Ảnh: NVCC)
Không dỗ dành, cưng nựng con, bé học ti bình khi được 2 ngày tuổi
Vì mẹ quá bận nên bé Nemo đã được rèn nhiều điều, ngay từ ngày thứ 2 sau sinh, bé con được học cách uống bình để sau bé không sợ ti bình. Một tháng tuổi bé đã được tách ra ngủ riêng với chiếc gối ôm. Tuy còn rất nhỏ nhưng bé không hề làm nũng hay mè nheo như bao đứa trẻ khác.
“Mình tuyệt đối không dỗ dành cưng nựng khi con khóc quấy, để con tự nín. Chỉ ôm và yêu thương khi con tỏ ra ngoan ngoãn hay lúc con khóc bị ngã đau và lúc con đói. Vì thế dù giai đoạn con còn bé, chưa biết nói, chỉ cần con khóc là mình biết ngay bé cần gì. Do đó mình đáp ứng được nhu cầu của bé ngay lập tức, bé lại vui vẻ chơi một mình để mẹ làm việc” – mẹ Nemo tâm sự.
Về dinh dưỡng của bé Nemo, theo mẹ Julia Hoang thì không theo chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt nào, chỉ cần bác sĩ nói giai đoạn này con không nên ăn gì thì chị tránh đồ ăn đó, còn lại chị cho con ăn tất cả mọi thứ. Trong 6 tháng đầu ngoài sữa mẹ, chị không cho bé uống thêm bất cứ một loại đồ uống nào khác. Chị quan niệm, dưới 1 tuổi con không được ăn đồ ngọt.
Hiện giờ Nemo 2 tuổi, con được nếm cả vị cay, đắng, chua... trong các loại thức ăn. Nemo ăn ở nhà là đồ Á, khi đi học con ăn đồ Âu. Những ngày đầu đến lớp con ăn không quen, toàn bỏ bữa nhưng chị không có động thái gì mà để bé tự thích nghi với đồ ăn ở lớp, sau một tuần thì con đã ăn ngon với các bạn.
Sinh ra và lớn lên ở Tây Ban Nha nhưng bé Nemo vẫn thi thoảng được ba mẹ cho bé mặc những trang phục đậm chất Việt Nam mỗi dịp lễ tết (Ảnh chụp cùng bà do NVCC)
Trẻ em mặc đồ vừa vặn, 1-2 tháng là thay đồ mới
Ở Tây Ban Nha, các em bé đi học trường công không mất tiền, cũng giống như các nước phương Tây khác. Tuy nhiên chị đã chọn cho Nemo nhà mình học trường tư để con được học 3 ngoại ngữ.
Chị chia sẻ: “Mình chọn trường tư cho con học một phần vì con được học 3 ngoại ngữ. Phần nữa vì trường có hệ thống từ 2 - 18 tuổi, do vậy mình sẽ không phải lo chọn trường cho bé nữa. Và lý do quan trọng nhất là những em bé được bố mẹ đầu tư cho học trường tư, đều được sinh ra trong gia đình rất nề nếp.
Những em bé này được dạy bảo rất kĩ càng, từ cách ăn uống, hành xử, nhờ đó Nemo cũng sẽ học được những điều hay lẽ phải từ bạn. Và vợ chồng mình sẽ không phải lo lắng về những mối quan hệ bạn bè của con khi con vào giai đoạn vị thành niên. Vì xung quanh con đều là các bạn được giáo dục nghiêm khắc”.
Nemo với những bức ảnh hài hước được ba mẹ chụp lại (Ảnh: NVCC)
Theo chị, nuôi con ở nước ngoài, tốn kém nhất có lẽ là khoản trang phục. Khác hoàn toàn với suy nghĩ của người Việt mình là trẻ con cứ mặc đồ rộng cho thoải mái, mua năm nay sang năm còn mặc được. Ở Tây Ban Nha, trẻ em được mua đồ vừa vặn size, chỉ 1- 2 tháng là thay bộ đồ mới.
Bọn trẻ được ăn mặc chỉn chu như những người sành thời trang nhất. Tức là quần màu gì thì đi với giầy màu đó, áo phong cách gì thì balo hay phụ kiện đi kèm cũng phải đúng kiểu. Đồ của người lớn có thể không là, nhưng đồ trẻ em, gia đình nào cũng sẽ là lượt phẳng phiu quần áo cho con trước khi cho vào tủ và trước mỗi lần mặc đồ. Vì thế nên mua quần áo, giầy dép cho con là khoản tốn nhất ở bên này.
Khi được hỏi về kinh phí cho việc mua sắm thời trang cho con, chị không ngần ngại nói: “Một tháng tiền chi phí sắm giầy dép và quần áo cho bé Nemo hết khoảng 150 - 200 eur (tức là khoảng 3 -5 triệu VNĐ)”.
Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, chị Julia Hoang rất rõ ràng. Chị cho rằng, vợ chồng anh chị sẽ chỉ nuôi bé Nemo đến năm 18 tuổi, sau đó con phải tự "bơi". Nghĩa là sau 18 tuổi con phải tự kiếm tiền vừa học đại học vừa nuôi bản thân.
Chị cũng nhấn mạnh, vì muốn con trưởng thành sớm nên khi con còn đang tuổi đi học, hai vợ chồng anh chị sẽ dồn hết kinh phí cho con học nơi tốt nhất, tất cả các mùa hè sẽ cho con dự các khoá học hè ở các châu lục. Ngoài ra sẽ cố gắng cho Nemo đi du lịch càng nhiều càng tốt với mong muốn con tăng vốn sống.
Cuối buổi trò chuyện, mẹ bỉm sữa gốc Việt cho biết thêm, chị sẽ không để lại nhà cửa hay tài sản cho con, mà con sẽ phải tự kiếm ra. Nếu đến 18 tuổi con vào đại học mà không có học bổng, thì con phải tự đi làm thêm để kiếm sống. Sở dĩ người mẹ này muốn làm vậy, là bởi để con nhận ra giá trị của đồng tiền, từ đó mới có thể tự lập sớm được.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet