Có một số câu không nên nói với con đã ‘rõ như lòng bàn tay’ như: “Mẹ ước chưa từng sinh ra con” hoặc “Con thật ngốc nghếch”… Nhưng chắc chắn bạn sẽ giật mình khi phát hiện ra rằng, một số câu nói tưởng chừng vô hại lại có thể khiến con tổn thương sâu sắc tạo những 'vết hằn' trong tim con mà thời gian không thể xóa nhòa.
Dưới đây là 8 cụm từ bạn nên ‘uốn lưỡi 7 lần’ trước khi nói với con.
1. Cố lên, cố lên… Cố nữa lên
“Mẹ biết con có thể cố gắng hơn” là phản ứng của nhiều phụ huynh khi biết điểm số con đạt được cho bài kiểm tra trên lớp. Câu nói này, dễ khiến trẻ hiểu lầm rằng, mẹ đang thất vọng về thành tích của mình. Thành ra, ý của mẹ là muốn khích lệ con cố gắng trong những lần sau nhưng lại bị hiểu lệch lạc đi.
2. Con có chắc mình muốn ăn thêm bánh ngọt?
Câu nói này rất có thể sẽ được trẻ suy diễn thành: “Này con, con mập quá rồi đấy! Đừng có ăn bánh ngọt nữa” và vô tình sẽ khiến trẻ mất dần sự tự tin về ngoại hình của mình.
3. Để mẹ làm cho
Nếu cứ lặp đi lặp lại những câu như: để mẹ làm cho; để mẹ giúp; để mẹ mua cho… bạn đã biến con thành đứa trẻ vô trách nhiệm, sống ỷ lại và thờ ơ với mọi thứ. Hãy tập cho con tính độc lập thay vì lúc nào cũng là ‘áo giáp’ của con.
4. Con luôn luôn… hoặc Con không bao giờ….
Thật nguy hiểm khi 2 cấu trúc câu này luôn gắn trên môi nhiều bà mẹ. “Thôi đi, con không bao giờ chịu nghe lời cả” hoặc “Con luôn luôn quậy phá”… Những câu nói như thế này như ngầm khẳng định con hư lắm… điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy mình là đứa trẻ xấu xa, vô tích sự.
Một số câu nói tưởng chừng vô hại lại có thể khiến con tổn thương sâu sắc. (Ảnh minh họa.
5. Bởi vì mẹ đã nói như thế!
Cụm từ này mang tính áp đặt, cấm đoán rất dễ gây ức chế cho trẻ. “Mẹ, con muốn ăn kẹo!” – “Không” – “Nhưng tại sao?” – “Bởi vì mẹ đã nói như thế!”.
Mẹ biết đấy, với trẻ em, càng bị ngăn cản làm điều gì thì chúng càng muốn làm cho bằng được. Vì thế, cách thông minh hơn giúp mẹ xử lý ‘cơn’ mè nheo của trẻ trong trường hợp này là đưa cho trẻ chọn lựa: “Con có thể ăn kẹo sau giờ cơm tối” hoặc “Nếu con muốn răng sâu nặng hơn thì được thôi”…
6. Con là người giỏi nhất
Khen ngợi giúp con tự tin hơn nhưng hãy khen sao cho đúng và đủ. Đừng 'con hát mẹ khen hay' và tâng bốc con quá đà. Khi nhận thức sai về khả năng thực của mình, trẻ sẽ thiếu nỗ lực, cố gắng, nhìn cuộc sống một cách chủ quan.
7. Mẹ không thích con chơi với bạn A, mẹ không thích bạn đó
Vâng, rất nhiều bậc cha mẹ không thích cô bé hay cậu bé nào đó kết bạn với con vì những lý do chỉ riêng mình mới biết. Sự cấm đoán này rất có thể sẽ khiến trẻ phản ứng mạnh hoặc giả như chúng có nghe theo thì trong lòng cũng không phục.
Bởi thế, nếu không thích một bạn nào đó của con hãy hỏi con một số câu hỏi mở như: “Tại sao con thích chơi với bạn A?” hoặc “Bạn A hẳn có nhiều sở thích giống con?”… rồi sau đó lựa lời để dạy con.
8. Dừng lại ngày lập tức, nếu không cha mẹ sẽ…
Đe dọa trẻ không bao giờ là một ý tưởng tốt. Trên tất cả, bạn đang dạy con một kỹ năng bạn không muốn con có: khả năng dùng quyền lực ép buộc để có được những gì mình muốn, ngay cả khi người khác không sẵn sàng hợp tác.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet