Dù ý thức được điều này nhưng nhiều bậc bố mẹ vẫn lo lắng khi đưa con đi tiêm chủng vì lo sợ những tác dụng phụ của thuốc và sự an toàn cho trẻ khi tiêm chủng. sau khi sinh, trẻ sẽ được tiêm ngừa lao và viêm gan siêu vi B. Từ 2 tháng tuổi, trẻ sẽ bắt đầu được chích ngừa các bệnh nguy hiểm như: bại liệt, bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm hô hấp, viêm màng não do Hemophilus Influenzae type B (HIb), sởi, quai bị, Rubella, thủy đậu (trái rạ),…
Trước tiên, bố mẹ cần biết rõ tình trạng sức khỏe của trẻ trước khi đi tiêm. Nếu trẻ đang có bệnh thì cần khai với bác sĩ để bác sĩ quyết định xem bé có cần hoãn tiêm không. Những trẻ có bệnh mãn tính thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ đang điều trị cho trẻ về việc khi nào có thể tiêm chủng và cơ sở y tế tiêm chủng thích hợp cho trẻ vì những trẻ này có khả năng bị phản ứng phụ nặng hơn trẻ khỏe mạnh, cần tiêm chủng ở nơi có đủ điều kiện cấp cứu. Việc trả lời cẩn thận các câu hỏi sàng lọc trước khi tiêm cũng rất quan trọng vì một số tình trạng dị ứng thuốc, thức ăn, dị tật bẩm sinh, các thuốc đang sử dụng hoặc việc truyền máu, globulin miễn dịch là chống chỉ định (không được tiêm) đối với một số vắc-xin. Nếu trẻ đã từng nằm bệnh viện, bố mẹ cần trình giấy xuất viện cho bác sĩ xem khi khám sàng lọc cho trẻ.
Bố mẹ cũng nên xem các bảng áp-phích về tiêm chủng an toàn và lịch tiêm ngừa treo ở các điểm tiêm chủng để biết quy trình tiêm chủng an toàn phải như thế nào và con mình có được chỉ định thuốc tiêm ngừa đúng lịch hay không. Nếu thấy có bất cứ điều gì không phù hợp, bố mẹ trẻ nên hỏi lại bác sĩ và nhân viên y tế để tránh việc nhầm lẫn. Bố mẹ trẻ cũng có quyền từ chối tiêm cho trẻ nếu thấy nhân viên y tế không tuân theo quy trình tiêm chủng an toàn do Bộ Y tế ban hành.
Sau khi tiêm, bố mẹ cần lưu ý theo dõi trẻ, sớm phát hiện những điểm bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời. Bố mẹ nên cho trẻ ở lại nơi tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi xem trẻ có những biểu hiện dị ứng với thuốc không. Về nhà, tiếp tục theo dõi trẻ trong vòng 24 đến 48 giờ sau tiêm. Nếu trẻ sốt trên 39 độ C, co giật, tím tái, khò khè, khó thở, khóc thét, khóc dai dẳng không dứt, bỏ bú, chỗ tiêm sưng to, tấy đỏ… thì bố mẹ cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc và điều trị.
Hiện nay, đã có loại vắc-xin kết hợp với vắc-xin ho gà vô bào có ưu điểm tiêm một mũi phòng ngừa được nhiều bệnh, ít sốt và ít các tác dụng phụ sau tiêm. Các bà mẹ có thể tham khảo tư vấn tại các điểm tiêm chủng để lựa chọn tiêm cho con mũi này.
Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng khoa Sơ sinh bệnh viện từ dũ
Vắc-xin ho gà vô bào chỉ còn 1-5 kháng nguyên ho gà (thay vì 3.000 kháng nguyên như trước đây). Tại VN, vắc-xin phối hợp có chứa thành phần ho gà vô bào đã có mặt từ nhiều năm nay và được chứng minh là có hiệu quả phòng bệnh. Thông tin giáo dục được phối hợp thực hiện bởi Hội Y học dự phòng Việt Nam và văn phòng đại diện GlaxoSmithKline Việt Nam. |
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet