Bố mẹ nào có con mới chào đời, đặc biệt là con đầu lòng, luôn có trăm ngàn nỗi lo lắng, với bé lúc nào cũng “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. 9 lưu ý sau đây sẽ giúp các bậc phụ huynh nhẹ bớt đi một số nỗi lo không đáng có:
Khu vực “mềm mềm” trên đầu bé
Khu vực mềm mại trên đầu bé được gọi là “thóp” – còn gọi là “cửa đình đầu”, là nơi xương đỉnh đầu của trẻ chưa khép hết. Bố mẹ lỡ tay sờ vào khu vực này thường lo sợ sẽ làm tổn thương não bé nhưng thực ra, đây là lớp màng rất dày và linh hoạt bảo vệ não. Trong quá trình người mẹ sinh nở, lớp màng này giúp thai nhi di chuyển qua khe sinh chật hẹp và chui ra ngoài.
Khu vực mềm mại trên đầu bé được gọi là “thóp” – còn gọi là “cửa đình đầu”, là nơi xương đỉnh đầu của trẻ chưa khép hết. (Ảnh minh họa)
Vệt hồng trong tã của bé gái
Trong thời gian mẹ mang thai, một lượng cực kì lớn hooc môn estrogen của người mẹ được sản sinh ra khiến cho hầu hết các bé gái sơ sinh đều tiết ra chất nhầy âm đạo (khí hư) và cũng có thể tiết ra một chút máu kéo dài trong một vài ngày. Đây là hiện tượng bình thường.
Vết lõm trên ngực bé
Mẹ không cần phải lo lắng. Đây không phải là vấn đề về tim mạch. Theo các chuyên gia sức khỏe, xương ngực được cấu tạo bởi 3 phần. Vết lõm trên ngực bé mà mẹ nhìn thấy là phần dưới cùng bị kéo ra đằng sau. Khi bé lớn lên, cơ ngực và cơ bụng của bé sẽ tự duỗi thẳng vết lõm đó ra. Đối với một số bé mũm mĩm, các lớp mỡ có thể đã che lấp mất, không nhìn thấy vết lõm đó trước cả khi vết lõm được duỗi thẳng.
Bé đi “ị” ngay sau mỗi lần ăn. Phân mềm và ướt.
Các em bé được bú sữa mẹ có thể đi tiêu ngay sau mỗi lần ăn vì sữa mẹ rất dễ tiêu hóa. Phân của bé ướt và mềm là bình thường bởi chế độ ăn của bé hiện giờ hoàn toàn là chất lỏng.
Nấc liên tục
Các chuyên gia sức khỏe vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác vì sao trẻ sơ sinh lại nấc rất nhiều. Một số người cho rằng đó là vì việc truyền thông tin liên lạc giữa não và cơ hoành – cơ bụng giúp cho việc hô hấp – chưa ổn định. Dù sao thì nấc cụt cũng là hiện tượng vô hại mà bất cứ trẻ nào sinh ra cũng gặp phải.
Khóc
Trẻ mới sinh có hệ thần kinh chưa phát triển và rất hay giật mình, đó là lí do vì sao trẻ lại hay khóc. Khóc cũng là cách duy nhất để bé kết nối với mọi người, để diễn đạt nhu cầu của bé. Tóm lại, cơ thể bé sinh ra đã được lập trình để khóc thật nhiều, nên có thể mặc dù trông bé rất khổ sở nhưng thực ra không có vấn đề gì đáng ngại cả.
Rôm sảy
Do hooc môn từ người mẹ vẫn còn lại trong cơ thể bé nên nhiều em bé mới ra đời đã có mụn nhọt, thường xuất hiện vào khoảng 2 tuần đến 2 tháng tuổi. Hiện tượng này vô hại và chỉ cần lau rửa sạch sẽ là bé sẽ tự khỏi.
Ngực to bất thường
Lại là hooc môn của người mẹ khi mang thai đã gây ra tình trạng sưng ngực tạm thời ở cả bé nam và bé nữ, mẹ hoàn toàn không cần phải lo lắng về vấn đề này.
Hắt xì hơi liên tục
Mũi của các bé sơ sinh rất nhỏ, chỉ cần một chút chất nhầy bên trong cũng khiến bé hắt xì. Và vì em bé đang quen với môi trường toàn nước trong tử cung của mẹ, bé sẽ có xu hướng cảm thấy ngạt mũi khi ra thế giới bên ngoài. Nếu bé không hắt hơi kèm theo nước mũi đặc, màu vàng – dấu hiệu của cảm cúm – thì việc bé hắt xì hơi nhiều là dấu hiệu an toàn.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet