Cascadeur – những diễn viên đóng thế trong film ảnh có thể hoàn thiện vai diễn cho nhân vật chính nhưng trong tình yêu, nếu bạn chỉ là một người đóng thế cho ai đó thì thực sự điều này không hề tốt đẹp chút nào. Có khả năng tình cảm của bạn dành cho ai đó dù là thực sự nhưng với người đó bạn chỉ là một diễn viên đóng thế mà thôi. Hãy cân nhắc và suy nghĩ thật kĩ nếu như bạn cảm thấy những dấu hiệu dưới đây.
1. Bạn là cái bóng của người khácMặc dù hai bạn đã chính thức hẹn hò và trở thành một cặp nhưng bạn cảm thấy có gì đó bất ổn từ phía đối phương. Ví dụ như nửa kia luôn gợi mở cho bạn rằng bạn rất giống A hay B nào đó đã từng đi qua đời họ, hoặc bạn trai/bạn gái của bạn liên tục muốn bạn phải có những sở thích, thói quen hay hành động giống như một ai đó. Đi chơi với bạn, họ không ngừng nhắc tới những kỉ niệm xưa cũ tại nơi hai người đã từng đi qua.
Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, hình như anh chàng/ cô nàng mà bạn đang nắm tay đang muốn biến bạn thành người cũ. Họ vì quá thương nhớ người xưa cũ mà “nặn” bạn trở thành y hệt. Dù bạn có tình cảm với họ đến mấy thì cũng cần phải cân nhắc và tránh xa anh ấy/ cô ấy ngay lập tức. Vì bạn là bạn và không phải ai khác, nếu người ta yêu bạn thì phải yêu chính con người thực sự của bạn chứ không phải là hình hài bạn dưới con mắt phản chiếu từ người khác.
2. Không phải lúc nào anh ấy/ cô ấy cũng cần đến bạnNhững tin nhắn/ cuộc gọi hay những cuộc gặp gỡ của bạn và anh ấy/ cô ấy chỉ được nhấn nút start khi anh ấy/ cô ấy có chuyện buồn cần tâm sự hay ra ngoài giải sầu. Bạn có thể tự biến mình thành chú mèo Hello Kitty để lắng nghe mọi tâm sự, trải lòng của nửa kia. Bạn cảm thấy mình khá là được anh chàng/ cô nàng tin tưởng, vì chuyện gì của anh ấy/ cô ấy bạn cũng biết nhiều hơn mọi người. Nhưng tới khi anh chàng/ cô nàng vui vẻ hay trở lại trạng thái bình thường thì lại “im thin thít, lặn mất tăm” với bạn. Chỉ đến khi nào trở nên ủ rũ, mệt mỏi thì bạn mới có cơ hội được ra tay trở thành người lắng nghe và thấu hiểu cho họ.
Bạn có tình cảm với anh ấy/ cô ấy, tất nhiên điều đó không hề sai. Nhưng bạn cần phải cho mình một suy nghĩ tỉnh táo rằng mặc dù anh ta/ cô ta tâm sự với bạn rất nhiều chuyện riêng tư, luôn cần tới bạn như một vị cứu tinh khi buồn tủi nhưng khi anh ấy/ cô ấy đang vui vẻ yêu đời thì người bị lãng quên đầu tiên lại là bạn. Điều này thực sự không ổn chút nào. Hãy nghĩ rằng trong tình yêu, hai người yêu nhau luôn muốn chia sẻ với nhau mọi chuyện từ niềm vui tới nỗi buồn. Nếu bạn chỉ là một người đóng vai trò bác sĩ tâm lí cho họ thì hãy kiên quyết chấm dứt chuyện tình này đi nhé.
3. Anh ấy/ cô ấy vẫn chưa thực sự quên người cũ dù đã yêu bạnBạn vẫn thường xuyên thấy anh ấy/ cô ấy giữ liên lạc với ex, họ vẫn trò chuyện cùng nhau, anh ấy/ cô ấy vẫn lưu giữ những kỉ vật, hình ảnh của người cũ và luôn luôn hoài niệm những chuyện cũ. Mặc dù bề ngoài tỏ ra rất cần bạn và yêu bạn nhưng bạn vẫn luôn cảm thấy anh ấy/ cô ấy chưa thực sự dứt khoát với người yêu cũ.
Cách duy nhất bạn cần làm là cho họ một khoảng thời gian để tự quyết định. Bởi có khi họ chỉ vì quá cô độc hay sợ cảm giác thiếu thốn mà gật đầu với lời đề nghị của bạn thì sao? Chưa thực sự dứt bỏ quá khứ thì rất khó có thể bắt đầu với một cái gì đó mới mẻ.
Nếu mọi chuyện chưa thực sự đi tới đâu, bạn có thể là người chủ động dừng lại. Nhưng nếu bạn cảm thấy mình có tình cảm sâu sắc với họ và không muốn rời xa họ, vậy thì hãy cho bạn và người đó thêm thời gian, để họ cảm nhận được tình cảm chân thành của bạn, cũng như bạn phải chờ đợi để được yêu bởi chính con người của mình. Bạn sẽ là nhân vật chính trong câu chuyện tình yêu do bạn quyết định, chứ không phải là một người đóng thế cho tình yêu.
LZin
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet