Thời gian gần đây, rất nhiều những bức ảnh chụp hình ảnh đề thi, bài tập được cho là bài kiểm tra dành cho học sinh bậc tiểu học được đăng tải và lan truyền trên mạng xã hội thu hút sự quan tâm, tranh luận của cộng đồng mạng. Nhiều người lớn cho rằng những bài toán tiểu học này thì đến người lớn cũng phải “bó tay” với độ oái ăm của đề bài.
Những sai sót xảy ra có thể do lỗi in ấn, người biên tập, viết sách hay do nhà xuất bản…tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát, đây vẫn là những lỗi khiến nhiều người cười ra nước mắt với những lỗ hổng trong hệ thống giáo dục nước nhà.
Đề toán đánh đố học sinh lớp 1
Mạng xã hội đăng tải ảnh chụp nội dung bài tập toán lớp 1 khiến nhiều người lắc đầu ngán ngẩm.
Cụ thể, câu hỏi số 3 yêu cầu học sinh điền dấu cộng trừ vào phép tính (2 ... 1 … 1 = 1) để cho kết quả bằng 1. Nhưng trên thực tế không thể đặt dấu cộng và trừ vào phép toán này để cho ra được kết quả như vậy.
Ngay khi đăng tải, bài toán nhận nhận nhiều sự chỉ trích của cộng đồng mạng khi cho rằng đang làm khó học sinh.
Bài toán tìm tổng bé nhất khó hiểu
Tháng 2/2014, ảnh chụp đề Toán lớp 2 gồm Trắc nghiệm và Tự luận khiến nhiều người lớn phải "vò đầu bứt tai".
Cụ thể trong phần trắc nghiệm, câu 1 hỏi: "Tìm tổng bé nhất của hai số khác nhau có hai chữ số khác nhau có hai chữ số" với các đáp án lần lượt là 20, 21, 90, 19. Ngoài cách diễn đạt rắc rối, khó hiểu thì đáp án cũng gây tranh cãi khi nhiều người cho rằng 22 mới đúng (đó phải là 10 và 12, tổng 22).
Câu 2 yêu cầu: "Có bao nhiêu số có hai chữ số có tổng của hai chữ số là số nhỏ nhất có hai chữ số" với các đáp án 10 số, 11 số, 8 số, 9 số cũng khó hiểu không kém.
Tuy độ xác thực chưa được xác nhận nhưng bài Toán trở thành đề tài để nhiều người tranh luận.
Bài Toán hình học gây tranh cãi
Tháng 10/2013, mạng xã hội chia sẻ ảnh chụp đề Toán lớp 2 xoay quanh hình vẽ là một hình tam giác, bên trong có thêm một đường song song với cạnh đáy và một đường kẻ vuông góc với cạnh đáy.
Học sinh trả lời "có 3 hình tam giác và 3 hình tứ giác". Giáo viên chấm sai và đưa ra đáp án phải là 3 hình tam giác, 1 hình tứ giác.
Bài Toán gây tranh cãi với nhiều lập luận, "mổ xẻ" theo nhiều hướng khác nhau. Một số khẳng định có 3 hình tứ giác rõ ràng và phản pháo đáp án cô giáo là sai.
Bài tập đánh vần "hại não"
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu chia sẻ hình ảnh bài tập tiếng việt lớp 3 vô cùng hại não của cháu mình. Cụ thể, trong câu 2 "Viết những chữ và tên chữ còn thiếu trong bảng sau". Học sinh phải viết chữ và tên chữ bằng cách viết theo cách đánh vần.
Chữ "n" sẽ được viết phiên âm là "en-nờ", chữ "ng" thông thường được đọc là "ngờ" sẽ viết tên chữ là "en-nờ giê"...
Tác giả bức ảnh cho biết: Thú thật là thằng cháu mình nó siêu đẳng hơn mình nữa. Hắn mang tập lên hỏi chữ "q" tên là gì, mình đớ người không biết nên trả lời là "quy", "quờ" hay "cuy" nữa!
Bài toán lớp 3 khiến người lớn "chào thua"
Nhiệm vụ của học sinh là phải tìm số thích hợp để điền vào ô trống. Tuy nhiên giữa các số 0,1,3,14,28 và 45 đề bài đã cho sẵn không có bất kì điểm chung hoặc nguyên tắc nào để học sinh tìm ra số thứ tự tiếp theo. Kết quả, người làm bài đã để trống câu trả lời trên.
Bài toán đố hóc búa dành cho học sinh lớp 3 này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người tự nhận mình "không thông minh bằng học sinh lớp 3" vì không có cách gì tìm ra được đáp án cho bài toán này.
61 hay 70?
Tháng 4/2013, một bài kiểm tra Toán lớp 1 giữa học kỳ II năm học 2012-2013 của học sinh tên V.B.N đã nhanh chóng nhận được sự chú ý của cộng đồng mạng.
Cuộc tranh cãi xoay quanh câu 1D với đề bài yêu cầu tìm số lớn hơn 60 và nhỏ hơn 80. Theo các phương án trong bài đưa thì cả A (61) và B (70) đều đúng . Nhưng khi học sinh này chọn đáp án A (61) thì bị giáo viên chấm sai và sửa lại là B.
Việc ra đề kiểu đánh đố, không chặt chẽ trong câu 1C là “số 49 gồm” (4 và 9, 40 và 9) cũng gây nhiều tranh cãi. Nhiều thành viên cho rằng theo cách hỏi này của giáo viên, nếu học sinh chọn đáp án 4 và 9 vẫn có cơ sở.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet