Kỳ vọng sinh viên ra trường có đủ trình độ
Theo Sách Trắng về Công nghệ thông tin (CNTT) và Truyền thông Việt Nam 2014, nguồn nhân lực làm việc trong ngành cntt luôn tăng không ngừng qua các năm. Cụ thể, tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực CNTT qua các năm lần lượt là: 226.300 (năm 2009), 250.290 (năm 2010), 306.754 (năm 2011), 352.742 (năm 2012), 441.008 (năm 2013).
Còn theo Cục CNTT, năm 2015, Việt Nam sẽ có khoảng 30% số lượng sinh viên CNTT các ngành điện tử, viễn thông sau khi tốt nghiệp ở các trường đại học có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để có thể tham gia thị trường lao động quốc tế. Mục tiêu đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên 90%.
Nguồn nhân lực, doanh thu và mức lương trung bình trong lĩnh vực CNTT qua các năm, theo Sách Trắng CNTT & TT Việt Nam 2014.
Tuy nhiên, thực trạng chung mà các nhà tuyển dụng đang gặp phải lâu nay là sinh viên CNTT ra trường chưa đủ năng lực làm việc ngay, ngoại ngữ chưa tốt nên không thể làm việc trong môi trường quốc tế.
Theo thống kê của Viện Chiến lược CNTT (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện 72% sinh viên ngành CNTT không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, chỉ khoảng 15% sinh viên mới tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Giám đốc một công ty phần mềm chuyên phát triển ứng dụng di động tại TP.HCM chia sẻ: “Công ty thường khá gian nan để tuyển đủ lập trình viên cho các dự án lớn. Không phải không có người ứng tuyển, mà là ứng cử viên chưa thể đáp ứng được những yêu cầu của công ty. Đây là những yêu cầu mà hầu như công ty lập trình nào cũng cần ở nhân viên của mình, như hiểu biết về những kiến thức ngoài sách vở, khả năng ngoại ngữ, làm việc nhóm…”.
“Đặc biệt trong các dự án với đối tác nước ngoài, công ty phải ‘đỏ mắt’ tìm cho đủ nhân sự vừa giỏi nghề vừa giỏi ngoại ngữ”, vị giám đốc trên nói thêm.
Giấc mơ làm việc tại Mỹ, Nhật, Singapore…
Mặc dù vậy, trong năm 2015, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành CNTT cho các dự án quốc tế vẫn rất lớn. Như thông tin từ FPT Software, công ty này có nhu cầu tuyển dụng 4.000 nhân viên mới trong năm 2015 để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của khách hàng trên toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Châu Âu.
Trong đó, sẽ cần khoảng 500 đến 1.000 người phục vụ cho định hướng phát triển các dịch vụ mới trên nền công nghệ S.M.A.C. S.M.A.C (viết tắt của Social, Mobile, Analytics và Cloud) là khái niệm tạo ra một cơ sở hạ tầng CNTT hỗ trợ và tích hợp mạng xã hội, di động, phân tích dữ liệu và điện toán đám mây.
Ngành CNTT mang lại cơ hội làm việc và định cư tại Mỹ cho nhiều người, nhưng đòi hỏi trình độ chuyên môn lẫn ngoại ngữ tốt. (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, hiện khách hàng lớn trong lĩnh vực truyền hình vệ tinh của Mỹ là DTV đang yêu cầu FPT Software tăng quy mô nhân lực cho việc thực hiện dự án lên 600 người. Theo đó, một số vị trí tuyển có mức lương “khủng” tại Mỹ, như Developer là 2.000 - 3.000 USD/tháng, Team Leader là 2.300 - 3.300 USD/tháng, Solution Architect là 2.500 - 4.000 USD/tháng, Tester là 1.900 - 2.200 USD/tháng. Tuy nhiên, vị đại diện công ty này cho hay, cơ hội tốt nhưng không phải ai cũng có thể nắm bắt được.
Nói về cơ hội việc làm tại thị trường Mỹ, anh Hồ Xuân Tuấn Anh (vị trí Quản lý Dự án tại FPT Software, chia sẻ: “Tôi quyết định đầu quân cho FPT Software dù đang có một công việc tốt ở IBM Việt Nam, vì nhìn thấy cơ hội phát triển nghề nghiệp rộng mở trong xu hướng công nghệ đang ‘hot’ nhất hiện nay - Mobility. Hơn nữa tôi thấy mình còn có cơ hội định cư làm việc dài hạn tại Mỹ”.
Còn anh Phạm Ngọc Lưu (24 tuổi, lập trình viên tại một công ty phần mềm Nhật Bản) chia sẻ: “Tôi thấy tìm việc làm trong ngành này không có gì khó khăn, nhưng quan trọng là bạn có đủ trình độ để đáp ứng hay không mà thôi.
Tuy nhiên, để làm việc trong môi trường quốc tế thì đúng phải có những yêu cầu riêng. Chẳng hạn ở công ty của tôi, 3 buổi mỗi tuần, công ty sẽ tổ chức dạy tiếng Nhật miễn phí cho nhân viên. Ngoài ra tôi còn học tiếng Anh ở ngoài. Hy vọng khi đã hoàn thiện cả tiếng Anh, tiếng Nhật lẫn kinh nghiệm lập trình thì tôi sẽ có cơ hội làm việc ở nước ngoài”.
Đã có nhiều năm làm việc ở nước ngoài, anh Nguyễn Hải Duy (Senior Java Developer) đánh giá: “Qua nhiều dự án với khách hàng Mỹ, tôi đã học được nhiều từ công nghệ mới đến phong cách làm việc rõ ràng, chủ động của người Mỹ. Tôi thích du lịch và nước Mỹ mang đến cho tôi cơ hội được khám phá văn hóa, con người, phong cảnh, cho tôi trải nghiệm lên rừng, lội suối lẫn vượt sa mạc đầy thách thức”.
Qua đó có thể thấy, nhiều bạn trẻ đam mê theo đuổi sự nghiệp trong ngành CNTT đang rất mong mỏi làm việc tại Mỹ. Và cũng đã có những người đạt được ước mơ đó. Tất nhiên, yêu cầu không thể thiếu là trình độ chuyên môn lẫn khả năng năng ngoại ngữ.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet