Rời bỏ làng quê lên Hà Nội làm ăn, chị Thêm vốn ước mong có thể thoát khỏi cái đói cái nghèo nhưng cuộc đời thật trớ trêu khi chồng chị bị qua đời trong một vụ tai nạn lao động, còn đứa con út lại bị tim bẩm sinh. Khó khăn chồng chất những khó khăn nhưng chị vẫn cố gắng vượt qua nuôi con khôn lớn.
Khó khăn nối tiếp những khó khăn
Chúng tôi tìm đến khu chợ Hà Đông khi chị Trần Thị Thêm (quê ở Giao Thủy, Nam Định) đang khuân trên vai những bao tải cát, bao xi măng lên tận tầng 4, tầng 5 của một công trình xây dựng gần đó. Là thân gái chân yếu tay mềm nhưng chị chẳng quản khó khăn, ai mướn gì chị cũng làm, từ việc kéo xe, đào móng xây nhà, phụ hồ cho tới những việc khuân vác nặng nhọc vốn chỉ dành cho đàn ông, miễn sao có tiền thì chị sẽ làm.
Nhìn cái dáng người gầy gò, ốm yếu, làn da đen sạm và nhăn nheo ấy, không ai nghĩ rằng chị chỉ mới chỉ 42 tuổi. Có lẽ dấu vết của thời gian, của sự vất vả đã in hằn lên thân hình của người phụ nữ ấy.
Cách đây chừng 5 năm, do quá đói nghèo, hai vợ chồng chị quyết tâm bỏ lại làng quê, gửi con cái nhờ ông bà chăm nom, lên Hà Nội làm ăn để mong thoát khỏi cái đói, cái nghèo đang đeo bám gia đình chị. Ngày ấy, đứa con lớn của chị mới chỉ 12tuổi, còn đứa bé cũng mới chỉ lên 8 tuổi.
Chị Thêm chia sẻ “Để con ở nhà như vậy, nhiều khi cũng chẳng yên tâm, cũng sợ chúng hư hỏng. Ông bà thì cũng chỉ thỉnh thoảng ngó qua xem các cháu ra sao thôi chứ 3 anh em nó cũng phải tự chăm nhau là chính. Nhưng 2 vợ chồng, cùng 3 đứa con nhỏ cứ chui ra chui vào trong ngôi nhà rộng chỉ hơn 10m2, cơm nhiều lúc chẳng đủ ăn nên đành phải đi thôi”.
Nhưng cuộc đời không ai học được chữ "ngờ", cách đây 3 năm chồng chị lại qua đời trong một lần đi đập nhà thuê, bị cả khối bê tông đè vào người. Thân gái một mình trên đất Hà Nội, chị gần như suy sụp hoàn toàn, chị không biết phải xoay sở ra sao. May mắn có những người họ hàng, bạn bè cùng làm ăn trên đất Hà Nội cho vay tiền, chị đưa anh về quê mai táng. Ngày đi lên đất Hà Nội chị nước mắt ngắn nước mắt dài vì thương con nhưng vẫn tràn ngập hy vọng về một cuộc sống thoát nghèo thì ngày trở về chị như ngã khụy trong một nỗi đau quá lớn, nỗi đau mất chồng.
Chồng không may qua đời, một mình chị phải lam lũ lo cho các con
Hơn một năm sau ngày anh mất, khi nỗi đau vẫn chưa nguôi ngoai thì chị lại nhận được hung tin, đứa con thứ 3 của chị bị tim bẩm sinh và cần được mổ gấp. “Hồi ấy cháu đang học lớp 5, nhưng trông cháu gầy gò, ốm yếu hơn các bạn cùng chăng lứa nên tôi đưa cháu lên Hà Nội khám. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ rằng cháu bị suy sụp vì nhớ đến bố nên mới như vậy nhưng thấy cháu càng ngày càng bị khó thở nên tôi đưa cháu đi khám thig biết rằng cháu bị tim bẩm sinh”.
Con bệnh tật, chồng không còn, một thân một mình chị lại lo chạy vạy khắp nơi lấy tiền để mổ cho con. Chị chạy khắp ngân hàng này đến ngân hàng kia để vay tiền cho con mổ nhưng khổ nỗi tài sản của gia đình chị chẳng đủ thế chấp để vay một khoản tiền lớn như vậy. May mắn có một người anh họ đứng ra thế chấp tài sản để vay tiền cho chị.
Ngày con nằm viện, chị cứ làm việc như một cỗ máy, không biết ngơi nghỉ. Ban ngày chị lại ra những khu chợ người, có ai mướn gì thì làm nấy. Những lúc trưa tối lại vào viện chăm con. Tiền ăn không đủ, chị thường xuyên phải nhờ đến những suất cơm từ thiện trong bệnh viện. Đứa con của chị còn bé nhưng cũng đã biết thương mẹ, “cháu chẳng bao giờ kêu ca với mẹ là con đói, con đau hay như thế nào cả. Trong bệnh viện ai cũng bảo cháu là chiến sĩ dũng cảm. Nghĩ cũng tội cho con lắm nhưng cũng chẳng biết làm gì cả, tiền viện đã đủ tốn rồi lấy đâu ra tiền mà ăn ngon”.
Có những đêm chị chợt giật mình tỉnh giấc vì nhớ đến anh, nhớ cả đến những đứa con đang ở quê, rồi nước mắt chị cứ thế rơi đầm đìa cả gối. Kể từ ngày anh mất rồi lúc cháu thứ 2 đi viện, do suy nghĩ quá nhiều nên chị cũng có những vấn đề về thần kinh, chị rất dễ quên, chẳng nhớ nổi việc gì.
Vượt qua khó khăn, đứng dậy trên đôi chân của chính mình
Ngày ấy vì quá khó khăn, quá áp lực rồi cả những giây phút tủi thân vì nhớ chồng, có lúc chị đã muốn buông xuôi tất cả, đi theo chồng, tìm đến với cái chết. Nhưng rồi nghĩ đến các con, chị lại không cam lòng, chị lại đứng dậy trên đôi chân của chính mình. "Cái ngày anh mất chị đã muốn rời bỏ mảnh đất Hà Nội, nhưng đến khi con phải mổ tim chị lại đành quay trở lại nơi đây, bắt đầu lại từ đầu".
Từ ngày chị lên Hà Nội, 4 mẹ con mỗi người một nơi, đứa con trai lớn đã 18 nhưng bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển nên chỉ biết ở nhà bác, trông nhà cho hai bác, đứa thứ 2 thì phải theo chị lên Hà Nội để làm, còn đứa út thì phải sống với ông bà ngoại.
Ở quê chị trồng 2 vụ lúa để kiếm thêm đồng ra đồng vào, những lúc việc nông nhàn rỗi chị lại lên Hà Nội đi làm thuê, cứ ai mướn việc gì chị làm việc nấy. Có nhiều người hỏi vì sao không chọn việc nào nhàn hạ, nhẹ nhàng hơn mà làm chứ làm nặng nhọc như thế này ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng chị lại bảo: “Làm nghề này có hơi vất vả tí nhưng mà được công cao hơn, có nhiều khi cũng được 200.000 -300.000VNĐ/ngày. Hơn nữa chị cũng đã thử qua nghề bán rau hay thu mua đồng nát nhưng do không biết cách, không quen làm nên lại bỏ. Hơn nữa lúc chồng còn sống, đi làm với anh quen rồi nên giờ tôi vẫn cứ đi thôi”.
Có nhiều người hỏi vì sao không chọn việc nào nhàn hạ, nhẹ nhàng hơn, nhưng chị không muốn vì làm nghề này con kiếm được
Tháng trước, do đau lưng quá, cảm thấy xương khớp có vấn đề nên chị cũng đi khám và được biết mình bị thoái hóa đốt cột sống và xương vai. Bác sĩ khuyên chị nên nghỉ để điều trị nhưng giờ mà nghỉ thì sẽ lấy ai kiếm tiền mà nuôi con, nên chị vẫn cố đi làm. Có những lúc đang làm, lên cơn đau quặn, chị lại ngồi xuống xoa bóp lưng một lúc rồi lại cố làm tiếp.
Chú em họ làm cùng chị, thấy vậy luôn miệng khuyên “chị đi về đi, đừng cố làm nữa, vừa chữa vừa làm thế này thì chữa làm gì, đi về đi”. Rồi cả tình hình bệnh tình của mình chị cũng không dám kể với bố mẹ, “ông bà mà biết vừa chữa vừa đi làm thế này, ông bà chửi chết. Thôi cứ cố, được đồng nào hay đồng đấy chứ giờ nghỉ lấy tiền đâu ra”.
“Làm những công việc nặng nhọc như vậy, việc xây xát tay chân là chuyện thường tình, có khi còn bị cả đống gạch nó đổ vào người ấy chứ. Nhưng cũng may là chưa lần nào bị ốm nặng cả. Nhưng làm thế này cũng chẳng được ổn định, có người thuê thì làm không thì lại phải ở nhà. Nói chung cũng vất vả lắm” chị Thêm chia sẻ về những khó khăn trong công việc.
Đứa con thứ 2 của chị, mới sinh năm 1999 nhưng cũng đã phải bỏ học theo mẹ lên Hà Nội làm. “Do cháu còn quá nhỏ nên đi xin việc chẳng ai dám nhận, cũng may có 1 bác ở cùng quê lên đây mở hàng ăn nên thuê cháu rửa bát”. Có nhiều khi đi làm vất vả, cháu lại về xin mẹ “mẹ ơi, cho con về đi học, con không muốn đi làm đâu”. Chị cũng chỉ biết nói với con “Nhà mình làm gì có tiền mà cho con đi học, con học hết lớp 9 cũng biết chữ rồi nên đi làm phụ mẹ, lấy tiền cho em ăn học rồi còn trả nợ nữa…”
Sau gần 2 năm kể từ ngày vay mượn chữa chạy cho con, số tiền dành dụm được từ việc đi làm thuê cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chị đã trả được gần hết số nợ. Trong cuộc sống có biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn nhưng bà mẹ ấy không bao giờ chịu khuất phục trước hoàn cảnh, vẫn quyết tâm đứng dậy trên đôi chân của chính mình, chị thà nghèo chứ nhất định không chịu hèn!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet