Năm 39 tuổi vợ chồng chị Long (Vĩnh Phúc) mới sinh được cháu trai. Cũng vì thế mà anh chị chăm con từng ly từng tý, rất cẩn thận mỗi khi con có dấu hiệu bất thường. Thế nhưng chị có ngờ đâu chính sự thiếu hiểu biết của mình lại hại con.
"Lúc sinh cháu được hơn 3kg, hoàn toàn khỏe mạnh. Thế nhưng đến khi hết phân su, tôi thấy con đi ngoài ra bọt liên tục dù vẫn bú, ăn ngủ bình thường. Nghĩ con bị rối loạn tiêu hóa, tôi mua men tiêu hóa cho uống nhưng vẫn không đỡ. Thậm chí sau đó, tôi còn đi cả mua thuốc cam để cho con uống", chị Long kể lại.
Được mẹ tự mua thuốc cam chữa tiêu chảy, cháu bé này bị ngộ độc chì nặng. Ảnh: Nam Phương. |
Điều chị không ngờ rằng trong thuốc cam có chứa chì và dù chỉ uống trong 3 ngày, mỗi ngày 20g nhưng sau hơn nửa tháng hàm lượng chì trong máu bé vẫn còn rất cao. Thậm chí, trẻ có biểu hiện co giật cho thấy não đã bị ảnh hưởng.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, có một thực tế là nhiều người không hiểu trẻ mới đẻ thì đi ngoài thế nào là bình thường, thế nào là bệnh lý. Như trong trường hợp của con chị Long, rõ ràng trẻ vẫn bú mẹ, ăn chơi bình thường nhưng chỉ vì số lần đi ngoài nhiều mà mẹ cho uống thuốc linh tinh, dẫn đến con bị ngộ độc chì.
"Nguy hiểm ở chỗ, trẻ càng nhỏ thì tác động nguy hại của chì càng về sau càng nguy hiểm. Quá trình thải độc chì cũng mất vài tháng. Tội ở đây là tại bố mẹ", phó giáo sư Dũng chia sẻ.
Theo ông, cha mẹ luôn nhớ một điều là trẻ nhỏ không phải là người lớn thu nhỏ, không thể từ những biểu hiện bệnh của người lớn mà suy ra cho trẻ. Người trưởng thành, trẻ lớn bình thường ngày đi ngoài một lần và định nghĩa nếu bị tiêu chảy là đi từ 3 lần trở lên trong một ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ thì định nghĩa này không đúng, đặc biệt ở trẻ sơ sinh , đang bú mẹ thì lại càng không đúng.
Với trẻ đang bú mẹ, không ăn thêm thức ăn nào khác mà một ngày đi 5-7 lần, phân đôi khi có nước, hoa cà, hoa cả..., nếu trẻ không sốt, bú bình thường, phân không thối thì không sao cả, vẫn bình thường. Trong trường hợp này, cha mẹ không cần đưa con đi khám, xét nghiệm hay uống men tiêu hóa. Khi trẻ lớn, đường tiêu hóa sẽ tự điều chỉnh.
"Nhưng nhiều người lại không hiểu, cứ nghĩ rằng trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, không chỉ cha mẹ và ngay cả một số bác sĩ. Hiện nay, các bác sĩ nhi không được đào tạo từ đầu chí cuối như trước đây mà đa phần từ đa khoa chuyển sang. Nếu cứ mang kiến thức của đa khoa, khám cho người lớn mà sang khám cho trẻ thì rất nguy hiểm", phó giáo sư Dũng khuyến cáo.
Trong một số trường hợp khi đưa con đi xét nghiệm phân, bác sĩ xét nghiệm thấy có nấm lại tưởng trẻ bị tiêu chảy do nấm. Trong khi bình thường, trong phân cũng có nấm. Vấn đề ở đây là phải xác định, nấm đó có gây bệnh không, nếu không mà cứ cho thuốc chống nấm thì cũng nguy hiểm vì đây là sinh lý bình thường của trẻ bú mẹ.
Theo bác sĩ, uống nhiều loại thuốc chỉ tổ hại người mà còn làm loạn khuẩn đường ruột. Thậm chí uống thuốc kháng sinh còn có thể gây độc. Có trường hợp uống Tây y không được chuyển sang Đông y, sử dụng thuốc cam mà không biết nó có chứa chì hay không thì nhiều khi tiền mất tật lại mang như con chị Long, phó giáo sư Dũng cho biết.
"Nếu cứ nghĩ chỉ nhìn là biết trẻ bị tiêu chảy là sai lầm. Ngoài khám triệu chứng, cần xem tình trạng có nặng hay không, trẻ ăn uống gì... để từ đó quyết định trẻ có bị bệnh hay không", ông cho biết thêm.
Vì thế, bác sĩ khuyến cáo với trẻ còn đang bú mẹ mà đi ngoài nhiều hơn bình thường, nhưng vẫn chơi, bú, ngủ bình thường thì không có gì đáng lo. Cha mẹ có thể đưa con đi khám để được chẩn đoán chính xác, không nên tự chữa tránh tiền mất, tật mang.
Nam Phương
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet