Như các mẹ đã biết, trẻ sơ sinh cần được bú sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời. Từ tháng thứ 7 trở đi, mẹ có thể cho bé dùng thêm sữa công thức hoặc chuẩn bị các thức ăn rắn (xay nhuyễn) ăn dặm nhưng vẫn tiếp tục bú sữa mẹ.
Tuy nhiên thực tế hiện nay, do một số lý do hoặc mẹ cảm thấy con đã đủ lớn nên quyết định cho con ăn dặm khi mới được 4, 5 tháng. Một số bé có thể không thích ứng nhưng một số bé thích ứng và nhận thức ăn khá tốt. Điều đó khiến mẹ lầm tưởng rằng con đã thực sự đủ khả năng để bắt đầu ăn dặm và tiếp tục giới thiệu các thực phẩm khác đa dạng hơn nữa. Tuy nhiên, mẹ có biết, cai sữa và cho con ăn dặm khi chưa đủ ít nhất 6 tháng tuổi chính là đang làm hại sức khỏe của bé và tước đi một số bản năng của trẻ. (Tham khảo mẹo cai sữa cho con)
Không nên cai sữa cho con khi chưa đủ 6 tháng tuổi. Ảnh minh họa
Theo Daily Mail, mới đây các chuyên gia y tế Anh đã đưa ra lời cảnh báo hết sức nghiêm trọng về tình trạng trẻ sơ sinh béo phì quá mức. Và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đó là các bà mẹ đã cai sữa cho con quá sớm và chuyển bé sang chế độ ăm dặm bằng thức ăn xay nhuyễn và sữa công thức.
Con số thống kê năm 2015 tại nước này cho thấy có hơn 1.400 trẻ sơ sinh mắc bệnh béo phì kể từ năm 2011. Trong khi trọng lượng trung bình của một bé trai sơ sinh là 3,4kg, bé gái là 3,2 kg thì một số bé có cân nặng khá lớn, khoảng 5,4kg.
Nói về những con số này, giáo sư David Haslam, một chuyên gia về béo phì thuộc Hội béo phì quốc gia Anh cho biết: “Tình trạng các mẹ cai sữa sớm và giới thiệu cho các bé sơ sinh thực phẩm ăn dặm ngày càng nhiều. Đây chính là nguyên nhân khiến trẻ không ngừng tăng cân”.
Tam Fray, phát ngôn viên tại Hội béo phì quốc gia cũng thuộc nhóm các chuyên gia y tế quan tâm đến vấn đề điều trị béo phì cho trẻ sơ sinh đồng ý với ý kiến của giáo sư David Haslam. Tam Fray phân tích: “Khi hệ tiêu hóa của một đứa trẻ chưa phát triển ổn định, chúng ta đã buộc chúng phải ăn cơm, thực phẩm rắn. Và đương nhiên, đứng trước một nguồn thực phẩm mới lạ, trẻ sẽ rất thích ăn và dẫn đến tình trạng béo phì khi chưa được 1 tuổi”.
Trước đó, một nghiên cứu được thực hiện tại Trung tâm kiểm soát và phòng chống bệnh ở Mỹ với 1.334 bà mẹ sau sinh cho thấy, khoảng 40% các bà mẹ trong số đó đã cho con ăn dặm sớm hơn 6 tháng.
Không chỉ tại Anh, Mỹ mà nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam cũng đang diễn ra tình trạng này.
Một số nguyên nhân được đưa ra rằng sữa công thức tốt cho trẻ và bé sẽ ngủ ngon hơn nếu được cho ăn các chất rắn.
Tuy nhiên, theo lời khuyên cấp bách của các chuyên gia sức khỏe nhi, không nên cai sữa cho trẻ sơ sinh quá sớm. Ít nhất khi con được 6 tháng tuổi mới bắt đầu cai sữa. Nếu cai sữa và cho con ăn dặm quá sớm có thể khiến bé gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm hơn nữa.
Cho con ăn dặm quá sớm khiến bé gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Ảnh minh họa/ Daisy Hoang
Một số nguy hiểm nếu cai sữa và cho con ăn dặm khi chưa đủ 6 tháng tuổi:
Khả năng miễn dịch của bé kém
Sữa mẹ là một nguồn dinh dưỡng vô cùng tốt và đủ cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Sữa mẹ không chỉ cung cấp dưỡng chất mà còn giúp bé có hệ miễn dịch cực tốt. Theo Kelly Mom, sữa mẹ chứa đến 50 yếu tố miễn dịch và tạo điều kiện cho sự phát triển các vi khuẩn có lợi bảo vệ đường ruột cho trẻ.
Vì thế, nếu trẻ không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, hệ miễn dịch sẽ yếu kém hơn những trẻ được bú đầy đủ.
Gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng
Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng giúp trẻ giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, viêm tai, viêm ruột hoại tử, tránh hội chứng tử vong ở trẻ sơ sinh, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường ruột. Và ngược lại, những trẻ được cai sữa quá sớm, vấn đề sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng trong suốt quá trình trưởng thành.
Hệ tiêu hóa của trẻ sẽ gặp ảnh hưởng lớn nếu ăn dặm quá sớm. Ảnh minh họa
Hệ tiêu hóa yếu kém
Thông thường, khi được 6 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh mới phát triển tương đối ổn định để bắt đầu tiếp nhận thực phẩm rắn. Vì thế, nếu thức ăn rắn được giới thiệu quá sớm sẽ gây nên tình trạng rối loạn hệ tiêu hóa.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những trẻ cai sữa sớm có khả năng bị rối loạn dạ dày, tiêu chảy, ói mửa.
Thiếu sắt
Việc bổ sung sắt trong 6 tháng đầu đời cực kì quan trọng đối với trẻ nhỏ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ sơ sinh được mẹ cho bú đầy đủ trong 7 tháng đầu đời sẽ không gặp tình trang thiếu máu như những đứa trẻ được cai sữa quá sớm.
Bé mất khả năng đẩy lưỡi
Các phản xạ đẩy lưỡi để chống nghẹn được hình thành ở trẻ khi được 4-6 tháng tuổi. Vì thế, nếu mẹ cho con ăn thức ăn dặm quá sớm có thể khiến bé bị nghẹn vì lúc này phản xạ của lưỡi chưa được hình thành.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet