Mỗi năm Việt Nam có khoảng 3 triệu ca ngộ độc thực phẩm, đồng thời các vấn đề liên quan đến thực phẩm bẩn cũng là tác nhân khiến người mắc mới ung thư ở Việt Nam ngày càng gia tăng.
Cần xử lý hình sự vì liên quan đến giống nòi, dân tộc
Thông tin trên được các nhà chuyên môn đưa ra tại buổi Hội thảo: “Đóng góp chính sách pháp luật về An toàn Thực phẩm”. Theo đó, mỗi năm ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 3 triệu ca ngộ độc thực phẩm. Tuy Luật ATTP đã ra đời từ năm 2010 nhưng hệ thống các quy định về quản lý chất lượng vệ sinh ATTP còn lỏng lẻo, chồng chéo giữa các bộ, ngành.
Đặc biệt, những chế tài xử phạt vệ sinh ATTP chưa đủ mạnh để răn đe nên vi phạm vẫn tiếp diễn trắng trợn. Theo các chuyên gia, trong thời gian tới cần phải xử lý hình sự vì an toàn thực phẩm là vấn đề lớn liên quan đền nòi giống, trí tuệ, dân tộc…
Ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên Thường vụ Hội nghề cá Việt Nam, Trưởng ban Phát triển Thủy sản Bền vững cho biết, hiện nay Luật ATTP còn nhiều bất cập.
Hội thảo thu hút được đông đảo sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý.
Theo đó, Thông tư liên tịch chỉ được phép hướng dẫn thi hành luật chứ không được phép quy định thêm và còn nhiều mâu thuẫn với luật. Người biên soạn thông tư lại chính là người thực hiện nhiệm vụ đó. Điều này sẽ dẫn tới tham nhũng chính sách.
Bởi vậy, cần phải giao cho những người khách quan, trung lập ưu tú biên soạn. Các bộ, ngành đứng ở vai trò phản biện. Nếu Bộ luật này do đơn vị đấu thầu, giành thầu soạn thì Bộ luật này sẽ đứng vững được. Cấp bách nhất là sửa lại luật.
Người sản xuất thực phẩm bẩn sẽ bị nhiễm độc đầu tiên
Cũng tại Hội thảo này, khi bàn đến nguyên nhân mất ATTP, PGS.TS Hồ Thị An, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cho biết, đó là do nhiều yếu tố từ quản lý nhà nước tới người sản xuất và tiêu dùng và bản thân người sử dụng. Bởi vậy, trong thời gian tới đây cần có những chế tài mạnh hơn, những biện pháp ngăn chặn mất ATTP.
“Tại sao vẫn để hàng lậu vào Việt Nam, hàng giả, hàng rởm, tại sao vẫn để tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là do kiểm tra, đôn đốc kém.
Trước đây, một đĩa thịt có 6 bộ ngành phải chịu trách nhiệm nhưng hiện nay, đã phân rõ trách nhiệm cho từng ngành. Vấn đề là từng bộ phải làm tốt và người đứng đầu mỗi Bộ cần chịu trách nhiệm.
Những người đứng đầu các bộ, ngành đã được phân trách nhiệm phải trực tiếp đứng ra chịu trách nhiệm. ATTP mang lại hậu họa đến giống nòi nên cần phải hình sự hóa khi mắc vi phạm”, bà An phân tích.
Mất vệ sinh an toàn thực phẩm mang lại hậu họa đến giống nòi.
Theo bà An, để quản lý được vấn đề ATTP thì cần phải quản lý ngành dọc để theo dõi, giám sát và xử lý nặng khi vi phạm ATTP. Tất cả các thực phẩm trong siêu thị cần dán nhãn nguồn gốc ở đâu. Còn thực phẩm bán tại chợ, vấn đề này rất khó. Tất cả phụ thuộc vào ý thức của người bán và người sản xuất.
“Tôi kêu gọi những người sản xuất hãy vì mình, vì cộng đồng. Bởi, nếu người sản xuất dùng các chất cấm để tăng năng suất, thu lời thì chính họ là người đầu tiên bị nhiễm độc do trực tiếp tiếp xúc với các chất đó”, PGS An nói.
Cuối cùng, bà An kêu gọi, người dân cần nâng cao tinh thần tố giác thực phẩm bẩn. Nhiều người có tâm lý e ngại, sợ trả thù. Hơn nữa, người dân chưa biết nhiều đến địa chỉ hay đường dây nóng mà các đơn vị công bố. Vì vậy, phải tạo cho người dân một sự tin tưởng và được bảo vệ khi tố giác.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet