Người phụ nữ không may này là bà P.T.H. (45 tuổi, Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Bệnh nhân được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện E, Hà Nội trong tình trạng đau vùng thượng vị dữ dội.
Khi nội soi, các bác sĩ phát hiện có vật nhọn nằm ở hang vị dạ dày. Sau khi gắp dị vật ra, các bác sĩ xác định đó là chiếc tăm tre xỉa răng.
Theo Ths.BS Lê Thị Ngọc (Khoa Khám bệnh) rất may cây tăm còn nằm ở thành trên dạ dày, đoạn này khá dày nên cây tăm chỉ làm xung huyết hang vị và gây loét 1cm. Đồng thời, kết quả nội soi cho thấy từ thực quản xuống đến dạ dày của bệnh nhân này xuất hiện nhiều vết trầy xước... Nếu không lấy ra kịp thời sẽ gây hoại tử thành dạ dày và nguy cơ thủng dạ dày rất cao.
Bà H kể, 3 ngày trước khi vừa ăn cơm tối xong, bà vừa xỉa răng vừa uống nước, không may nuốt luôn phải cây tăm tre vào bụng. Ngay sáng hôm sau, bệnh nhân thấy đau bụng râm râm, cơn đau ngày càng nặng. Những ngày sau đó, cơn đau không hết mà càng tăng, chịu không nổi nên bà nhập viện cấp cứu.
Hình ảnh tăm đâm thẳng vào dạ dày được phát hiện qua nội soi.
Đến nay, sau khi các bác sĩ thực hiện ca nội soi gắp dị vật là tăm tre xỉa răng nằm trên thành dạ dày, sức khỏe của bệnh nhân H. đã bình phục hoàn toàn và được ra viện.
Trên thực tế, rất nhiều người Việt Nam có thói quen vừa xỉa tăm vừa uống nước nên không ít trường hợp gặp họa. Trước đó, hồi đầu tháng 11/2016 cháu Đặng Anh Vũ (14 tuổi), ngụ tại xóm Hồng Phúc, xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) cũng đã phải nhập viện cấp cứu do nuốt phải tăm tre. Trước khi nhập viện 4 ngày, cháu Vũ xuất hiện các biểu hiện: đau bụng quanh rốn, cơn đau ngày càng tăng lan dần xuống hố chậu phải, không nôn, đại tiện khó. Cháu luôn trong tình trạng môi khô, lưỡi bẩn và sốt khoảng 38-39 độ.
Khi nhập viện, các bác sỹ chẩn đoán viêm phúc mạc toàn thân. Sau khi mổ nội soi cấp, các bác sĩ phát hiện ra một que tăm nhọn có 1/3 phần nằm ổ bụng và 2/3 phần nằm trong lòng trực tràng và đã gắp thành công ra khỏi bụng cháu Vũ. Cháu Vũ kể lại rằng do vừa ngậm tăm tre ở miệng vừa uống nước nên vô tình nuốt tăm vào bụng. Tai nạn hy hữu này khiến đoạn ống tiêu hóa từ thực quản đến dạ dày của cháu bị trầy xước.
Bác sỹ Ngọc cho biết, tình trạng bệnh nhân nuốt, hóc dị vật như: xương gà, xương cá, vỏ bọc viên thuốc, răng giả, tăm... không phải hiếm gặp. Nhiều trường hợp khi bị hóc dị vật không đến bệnh viện mà tự chữa mẹo khiến dị vật càng đâm sâu hơn gây tổn thương thực quản, viêm trung thất, nguy cơ chảy máu cao hơn.
“Khi bị hóc dị vật cần đến các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời, tránh tổn thương nặng hơn. Khi ăn uống, nhất là người lớn tuổi, còn ít răng cần phải cẩn thận; bỏ thói quen ngậm tăm, vừa ăn vừa cười, nói...”, BS Ngọc khuyến cáo.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet