Nhiều năm qua, các nhà khoa học đã tìm đến rất nhiều ngọn núi lửa, ghi lại những hình ảnh về quá trình hoạt động phun trào dung nham cùng khói bụi của chúng. Đối với núi lửa đang ngủ, có lẽ thrihnukagigur ở iceland là ngọn núi duy nhất mà bạn có thể chiêm ngưỡng từ bên trong.
Ngọn núi lửa nằm trên một bình nguyên khá rộng lớn. Ảnh: Pétur Reynisson. |
Iceland được biết đến là vùng đất của những ngọn núi lửa. Vào tháng 4/2010, một vụ phun trào của núi lửa Eyjafjallajökull đã thu hút sự chú ý của thế giới khi những đám mây bụi theo gió bay đến tận phía bắc và tây châu Âu.
Tổng cộng có khoảng 30 hệ thống núi lửa vẫn còn hoạt động ở Iceland. Với những ai yêu thích nghiên cứu về hiện tượng kỳ thú của tự nhiên này, Iceland là vùng đất lý tưởng để lên đường.
Du khách phải bắt đầu hành trình từ khu vực dãy núi màu xanh – blue mountains không xa thủ đô Reykjavik. Từ đây đi bộ 45 phút đến Thrihnukagigur. Trên miệng núi lửa, có một câu cầu bắc ngang và nối xuống dưới bằng hệ thống dây ròng rọc.
Trong tiếng bản địa, Thrihnukagigur có nghĩa là “3 miệng núi lửa”. Đây không chỉ đơn thuần là nơi thu hút các du khách yêu thiên nhiên mà còn là điểm nghiên cứu thực tế của các nhà khoa học bởi họ có thể hiểu thêm về nền tảng hoạt động của các núi lửa xung quanh như Eyjafjallajokull, Katla.
Các du khách đứng trong lòng miệng núi lửa. Ảnh: Ólafur Ólafsson. |
Thrihnukagigur đã ngủ yên từ khoảng 4.000 năm, trước cả khi có bước chân con người ở Iceland. Núi lửa được khám phá năm 1974 và các công tác đo đạc, nghiên cứu chi tiết hoàn thành năm 1991. Ngày nay du khách vào lòng núi lửa qua khoảng rộng 4x4 m và chạm nền ở độ sâu 120 m tính từ miệng. Lòng không gian bên trong rộng khoảng 150.000 m3.
Người đầu tiên đã chui xuống lòng miệng núi lửa là nhà khám phá hang động Arni Stefásson. Thật ngạc nhiên là ông đã tỏ ra thất vọng khi phát biểu “Tôi xuống đây để xem cái đẹp thì lại tìm thấy toàn những cảnh xấu”. 17 năm sau, Stefásson quyết định trở lại và đã có trải nghiệm hoàn toàn khác khi mang theo nhiều đèn, dành nhiều thời gian hơn trong lòng hang.
Không ai biết lý do tại sao magma ở Thirhnukagigur lại được “dọn” sạch sẽ để tạo thành một hang động kín trong lòng núi. Nhiều giả thuyết cho rằng sau khi phun trào nó lại lặn ngược xuống bên dưới. Nhà núi lửa học Haraldur Sigurdsson ví von: “Nó giống như ai đó đã đến và mở nút để hút hết những magma ra”.
Magma bắt nguồn từ những hốc magma gần bề mặt trái đất và chịu áp suất cao. Khi vỏ trái đất bị nứt gãy, magma phun trào ra ở dạng dung nham. Trong thành phần của magma là silica, các chất kiềm và kiềm thổ góp phần tạo thành nhiều mảng màu sắc trong lòng miệng núi lửa.
Mặc dù đã ngủ yên hàng ngàn năm, việc đi bộ trong lòng miệng núi lửa khá gian nan bởi các tảng đá nằm ngổn ngang. Chưa kể, một thời gian dài không hoạt động nhưng không có nghĩa là nó sẽ ngừng phun trào mãi mãi.
Trên những bức tường đá, lớp màu sắc kỳ ảo do thành phần của magma tuôn trào để lại. Màu đỏ cho thấy có nhiều chất sắt, còn silica dày đặc sẽ tạo ra màu sáng hơn và basalt với thành phần là silica nhưng pha sắt và magiê mang sắc đen.
Tất cả hang động dung nham ở Iceland nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ. Tuy vậy, du khách được ủng hộ đến tìm hiểu và học tập. Rất nhiều nguồn tài chính được đầu tư để bảo vệ ngọn núi lửa đặc biệt Thrihnukagigur đồng thời tạo nên cung đường dễ dàng hơn cho du khách.
Việc đi lại trong lòng miệng núi lửa cũng tiểm ẩn nhiều hiểm nguy. Ảnh: Ólafur Ólafsson. |
Nhà khám phá Stefánsson đã khuyến khích du khách: “Hãy đến đây để có cơ hội cảm thấy mình thật nhỏ bé và đối mặt với nỗi sợ”. Có vẻ mong muốn ấy của ông đang trở thành hiện thực khi ngày càng có nhiều hơn những tour khám phá lòng núi lửa Thrihnukagigur.
>> Xem thêm: Ảnh trong lòng miệng núi lửa Thrihnukagigur
Hoài Nam
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet