Tuy nhiên các chuyên gia tai mũi họng cảnh báo đây là thói quen cực kỳ nguy hiểm.
(Ảnh minh hoạ)
Mỗi lần thấy mũi mình ngạt, khó chịu là chị Dương Hải Hà trú tại Hoàng Mai, Hà Nội lại dùng thuộc xịt mũi. Cảm giác xịt đến đâu thông mũi đến đó nên chị rất thích. Dần dần sau gần 10 năm gắn bó với đủ các kiểu xịt mũi, chị Hà thừa nhận mình chỉ ngửi được khi xịt vào mũi, còn không mũi lại tắc tịt.
Chị Hà kể ngày trước mỗi lần trở trời là chị lại bị ngạt mũi không thở được, đêm phải thở bằng miệng. Cảm giác ngạt mũi dị ứng mãn tính khiến chị vô cùng khó chịu và nhiều lần đi khám chẳng ăn thua nên chị tự mua thuốc xịt mũi về xịt và thành ra "nghiện", không có nó là khó chịu.
Hay như trường hợp của bé Nguyễn Quỳnh H. 5 tuổi, trú tại Mễ Trì, Hà Nội phải vào khoa tai mũi họng bệnh viện Bạch Mai khám vì lạm dụng otrivin. Theo như mẹ của H., ngày trước mỗi lần con bị sụt sịt là chị mua ngay thuốc này về nhỏ cho con. Nhưng lần này, từ cuối tháng 9, cháu đã bị chảy mũi xanh, chị nhỏ otrivin đến 4 lọ vẫn không có tác dụng.
Gần đây, cháu còn thường xuyên kêu đau đầu, mũi xanh đặc có mùi hôi nên chị cho con đi khám. Qua nội soi tai mũi họng, bác sĩ cho biết cháu bị viêm xoang mặt.
Chị Vũ Thảo Nguyệt (Hoài Đức, Hà Nội) đang chờ vào khám cho biết gần đây chị bị ốm, thường xuyên nhức đầu và nghẹt mũi. Chị Nguyệt lên mạng tìm kiếm thông tin được rất nhiều người chia sẻ bài thuốc, những kinh nghiệm khi bị nghẹt mũi, sổ mũi nên chị đã làm theo. Khi nào khó thở quá, chị dùng khí dung.
Chị thấy rất dễ chịu khi xịt mũi hoặc thở khí dung. Thuốc kháng sinh chị mua ở một phòng khám răng hàm mặt về tự dùng.
Vậy mà tình trạng bệnh không đỡ. Chị Nguyệt đi khám để tìm ra bệnh chính xác. Lúc này chị mới thấy nhiều người cũng là nạn nhân của thuốc nhỏ mũi, xịt mũi.
Lợi ít hại nhiều
Tại khoa khám bệnh tai mũi họng của Bệnh viện Bạch Mai, không ít trường hợp là nạn nhân của lạm dụng các loại thuốc xịt mũi, nhỏ mũi khiến bị teo niêm mạc mũi, bị lệ thuộc vào các loại thuốc nhỏ, thuốc xịt mũi.
Theo PGS Lê Công Định – trưởng Khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Bạch Mai, những thuốc này thường có tác dụng làm co mạch máu ở niêm mạc mũi, giảm xung huyết, làm cho mũi thông thoáng, dễ thở. Ban đầu sử dụng hiệu quả được khoảng 6 đến 10 giờ, sau đó, tác dụng của thuốc giảm dần, bệnh nhân thường dùng tăng liều hoặc thay bằng thuốc mạnh hơn.
PGS.TS. Định nhấn mạnh, đây là loại thuốc thuộc nhóm chữa triệu chứng chứ không phải thuộc nhóm chữa nguyên nhân gây bệnh. Trong chuyên khoa tai mũi họng, các bác sĩ dùng thuốc này để điều trị triệu chứng trong các bệnh như viêm mũi, viêm xoang, viêm mũi họng, ngạt mũi...
PGS Định cho biết không ít bệnh nhân khi đi khám mũi họng hầu như đi khám ai cũng mang theo một vài lọ thuốc họ đã nhỏ, trong đó có nhiều loại thuốc có chứa thành phần corticoid gây nguy hiểm cho mũi. Loại này dùng phải được bác sĩ chỉ định và tuyệt đối không dùng lâu dài.
Theo các bác sĩ, những thuốc nhỏ mũi có chứa corticoid chỉ được dùng dưới 7 ngày và nhất định phải theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc coricoid nếu dùng không đúng sẽ gây một số biến chứng, nhất là ở trẻ em như ức chế vỏ thượng thận tiết hormone làm tăng giữ muối, nước, ứ đọng mỡ ở một số bộ phận như mặt, tăng đường huyết…
Đặc biệt, khi có các tổn thương khu trú ở mũi mà dùng thuốc nhỏ mũi có chứa corticoid sẽ ức chế sự lành vết thương. Nếu lạm dụng thuốc co mạch có hoạt chất là Xylometazoline 0.05% – 0.1% (biệt dược Otilin, Otdin, Coldi-B…) với trẻ nhỏ có thể bị ngộ độc thuốc.
Tốt nhất khi trẻ sổ mũi và đau họng kéo dài, sốt cao… cần đưa đi khám để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời thay vì tự ý sử dụng thuốc xịt mũi, nhỏ mũi.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet