Mùa dịch cúm corona, học sinh nhiều bậc học ở khắp mọi nơi đều được nghỉ học 2 tuần từ Tết Nguyên đán 2020 đến nay. Để đảm bảo cho học sinh ở nhà không bị sao nhãng việc học và bị trống kiến thức trong thời gian nghỉ dài này, nhiều nhà trường đã lên kế hoạch dạy học online cho các em.
Có thể nói, 2 tuần nay dù học sinh được nghỉ nhưng giáo viên cả 3 khối tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông hay các trung tâm giáo dục khác đều vô cùng tất bật để lo việc dạy học trực tuyến cho học sinh.
Dạy học online luôn để điện thoại 24h, bận rộn hơn cả ngày thường
Để phòng tránh dịch bệnh, Sở Giáo dục đã cho học sinh nghỉ học ở nhà 2 tuần, tuy nhiên, giáo viên ở các trường học vẫn phải đến trường như bình thường.
Chị Nguyễn Thị Hồng – giáo viên môn Ngữ văn khối 6 và khối 8 trường THCS Ban Mai vẫn phải đến trường để vệ sinh, khử trùng chỗ làm việc và lên kế hoạch học tập cho học sinh. Dẫu học sinh được nghỉ học nhưng một ngày của chị Hồng diễn ra không khác so với khi học sinh đi học, có chăng còn bận rộn hơn một chút.
Chị Hồng trong buổi dạy ở trên lớp.
Chị Hồng cho biết, vừa là một phụ huynh vừa là một giáo viên, chị gặp khá nhiều khó khăn trong thời gian học sinh nghỉ học vì dịch bệnh. May mắn 2 con gái được nghỉ có ông bà hỗ trợ chăm sóc nên chị vẫn đảm bảo được công việc ở trường của mình.
Theo chị Hồng, để đảm bảo học sinh không bị sao nhãng học hành, quên kiến thức trong kỳ nghỉ dài ngày, Trường THSC - THPT Ban Mai – nơi chị công tác đã nhanh chóng và kịp thời lên kế hoạch, kịp thời ứng dụng công nghệ 4.0, thực hiện việc dạy cũng như học trực tuyến cho học sinh.
“Nhà trường đã lên kế hoạch và thời gian biểu cụ thể cho từng môn học với từng khối lớp. Cứ đến giờ học của môn nào thì giáo viên bộ môn phụ trách sẽ đưa bài giảng kèm tài liệu và phiếu bài tập lên phần mềm trực tuyến và online để giải đáp những thắc mắc của học sinh. Học sinh ở nhà có thể vào học bằng máy tính hoặc điện thoại thông minh đúng thời gian biểu.
Khi vào lớp các con đều phải điểm danh họ tên, lớp học đầy đủ, ghi chép bài và thực hiện các nhiệm vụ học tập mà giáo viên yêu cầu, sau đó chụp ảnh gửi minh chứng cho giáo viên. Như vậy, cũng gần giống như một giờ học bình thường trên lớp, học sinh còn rất hứng thú với cách học này.
Ngoài ra, học sinh có thể nghe giảng lại video bài giảng nếu chưa hiểu hoặc tương tác với giáo viên để được hỗ trợ kịp thời. Có thể nói đây là một cách học rất hiệu quả trong tình hình khẩn cấp như vậy”, chị Hồng chia sẻ.
Tuy nhiên, việc dạy online khiến khối lượng công việc của giáo viên lớn hơn rất nhiều. Chị Hồng phải lên kế hoạch rồi soạn bài giảng, quay video, thu âm, làm phiếu học tập,… rồi việc quản lý và hỗ trợ học sinh học bài đầy đủ, nghiêm túc và trả bài đầy đủ.
Trong đó, việc soạn bài, làm PowerPoint rồi lại quay video, thu âm,… cập nhật lên phần mềm cũng tốn khá nhiều thời gian của cô giáo Hồng. Trung bình mỗi bài giảng chị phải làm mất 2 ngày. Nếu làm nhanh cũng phải mất một ngày rưỡi mới xong một bài.
Đó chưa kể, điện thoại và máy tính của chị lúc nào cũng để trong chế độ online để có thể giải đáp thắc mắc của phụ huynh và học sinh kịp thời. Đồng thời, chị cũng phải nhận bài học sinh gửi và chấm chữa qua online.
“Việc chấm bài trên phiếu giấy như bình thường đã là vất vả cho giáo viên rồi nhưng việc chấm chữa trên ảnh các em chụp lại vở của mình sẽ khó khăn hơn cho giáo viên. Đó chưa kể, mặc dù có deadline cụ thể nhưng vẫn có nhiều học sinh nộp bài bất cứ lúc nào, cả ngày hay đêm nên điện thoại có chuông thông báo liên tục. Ngày nào cũng phải hơn 12h tối mình mới đi ngủ”, chị Hồng cho biết.
Các bài tập được học sinh gửi và chấm online.
Dẫu vất vả hơn chút nhưng nhờ học trực tuyến và việc kết nối tất cả các lớp qua zalo, messenger hoặc qua email, điện thoại, tin nhắn đã giúp phụ huynh và giáo viên, giáo viên với học sinh theo dõi sát sao tình hình học tập của các em dù nghỉ ở nhà thời gian dài.
Vất vả chấm bài thi vì lượng bài học sinh gửi về quá lớn
Giống như chị Hồng, mặc dù làm giáo viên ở Trung tâm Phát triển Văn hóa Đọc “Sách ơi mở ra” nhưng chị Ngô Trang Nhung vẫn phải đến làm việc bình thường. Thay vì công việc trước đây là lên thư viện trao đổi chuyên môn, soạn chương trình, chuẩn bị bài giảng cho giờ dạy khi học sinh đi học thì giờ đây chị phụ trách biên soạn tạp chí và tổ chức cuộc thi viết về chủ đề mùa dịch để các em được tham gia thử sức, cùng học tập lẫn nhau.
Chị Nhung trong một buổi dạy học.
Được biết, từ Tết đến nay, học sinh được nghỉ vì dịch nhưng chị và các cô giáo ở trung tâm vẫn thường xuyên tương tác với phụ huynh để hỗ trợ thêm các bé. Các lớp cũng vẫn tổ chức trò chơi như “Vua đọc sách”, “Tác giả nhí” để các con ở nhà vẫn có động lực đọc sách và viết văn.
Bên cạnh đó, mỗi tháng, trung tâm chị đều có tạp chí dành cho phụ huynh học sinh. Trong đợt này, trung tâm chị ra tạp chí số đặc biệt như một cẩm nang giúp cho phụ huynh, học sinh nắm được những bí quyết để giúp con đọc sách, viết văn, hỗ trợ cho các phụ huynh tạo không gian chơi và học hợp lý cho con ở nhà.
Ngoài ra, mỗi khi phụ huynh có bất cứ thắc mắc hoặc vấn đề cần hỗ trợ, trung tâm chị luôn có đội ngũ giáo viên sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn qua điện thoại, Facebook, Email.
“Mình có bạn Sóc 3 tuổi, nhờ bà ngoại hỗ trợ. Công việc thì bận rộn hơn vì chấm bài học sinh gửi về với số lượng lớn nhưng vẫn đảm bảo được tốt công việc. Với đam mê và sự yêu thích, mình cũng như các thầy cô trung tâm đều cảm thấy rất hạnh phúc khi được đọc những câu chuyện của các con.
Trước khi chấm, các cô đã có tiêu chí và cùng nhau làm việc tập trung nên việc chuẩn bị và chấm bài cho học sinh không quá khó khăn”, chị Nhung chia sẻ.
Chị phải chấm bài trong cuộc thi viết về chủ đề mùa dịch để các em được tham gia thử sức, cùng học tập lẫn nhau.
Hiện nay, nhiều phụ huynh mua sách, truyện về nhà để con đọc đỡ nhàm chán khoảng thời gian nghỉ dài, tư vấn mọi người về cách tạo niềm yêu thích cho các con đọc sách ở nhà, chị Nhung cho hay, việc đọc cần có môi trường và động lực thúc đẩy.
Để các con yêu sách, chị và các thầy cô thường tạo môi trường thân thiện, tràn ngập tình yêu với sách. Các con được học đọc thông qua các trò chơi và hoạt động thú vị. Việc đọc không chỉ dừng lại ở việc con đọc và gấp lại cuốn sách mà con sẽ phát triển bằng các hoạt động sáng tạo như sử dụng sơ đồ tư duy để tóm tắt cuốn sách, thiết kế bộ câu hỏi “Vì sao?” hay viết đoạn văn theo những đề văn lý thú, kích thích tư duy.
Chia sẻ thêm về công tác phòng chống dịch khi học sinh đi học trở lại thời gian tới, chị Hồng và chị Nhung nói, hiện nhà trường và trung tâm đã có những kế hoạch theo dõi sát sao và nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch. Trong đó, trước khi vào trường, tất cả học sinh đều phải đo thân nhiệt và sát khuẩn tay, đeo khẩu trang…
Nhà trường cũng đã trang bị khẩu trang để phát cho học sinh nào chưa có. Các thầy cô cũng sẽ tích cực truyền thông, hướng dẫn học sinh cách phòng dịch, nâng cao sức đề kháng của bản thân, mở cửa phòng học thoáng khí…Sau mỗi giờ học đều vệ sinh lớp học và nơi làm việc sạch sẽ, khử khuẩn,…để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho các em.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet