Ở 37 tuổi, sở hữu 4 thiên thần đáng yêu đồng thời cùng chồng gánh vác việc kinh doanh gia đình với 55 công nhân, và một ngôi nhà khang trang, chị Kim Chi khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi sự đảm đang tháo vát và tài nuôi dạy con nhỏ.
Ngày Tết của tất cả các bà mẹ đều luôn bận rộn, ấy thế mà ngày Tết của một bà mẹ có tới tận 4 đứa con như chị Kim Chi, sự bận rộn có thể tăng gấp đôi, gấp ba nhưng niềm vui, niềm hạnh phúc cũng sẽ tăng gấp nhiều lần.
Mùng 1 đầu năm, cùng nghe bà mẹ 4 con chia sẻ về cách dạy con hiểu biết hơn về phong tục truyền thống ngày Tết xuân của dân tộc.
Chị Kim Chi và 4 nhóc tì đáng yêu của mình
Hai bé gái Bảo Quyên (10 tuổi), Đan Quỳnh (9 tuổi) và hai bé trai Thiện Nhân (7 tuổi), Sỹ Hoàng (3 tuổi).
Tết của một bà mẹ 4 con ắt hẳn sẽ nhiều vất vả, cũng nhiều niềm vui và khác biệt hơn so với các bà mẹ khác. Chị có thể chia sẻ về những khác biệt đó?
Điều khác biệt hơn các bà mẹ ít con khác có lẽ còn là ở chuyện mua sắm quần áo cho các con. Thường các bà mẹ bình thường mua một thì tôi phải mua gấp hai, gấp bốn lần. Mua nhiều như vậy nhưng tôi vẫn rất vui vì tôi được chọn cả trang phục bé trai lẫn bé gái. Thấy các con xinh đẹp trong những bộ quần áo mới diện xuân là tôi hạnh phúc lắm.
Ngay cả việc đi chợ chuẩn bị Tết cũng vậy, có lúc trong một ngày tôi phải đi 3 cái chợ vì muốn thay đổi khẩu vị cho gia đình, nấu các món đãi khách đến nhà. Mỗi chợ lại có mỗi món khác nhau mà chồng và các con tôi thích.
Năm nào cũng vậy, những ngày gần Tết, nhà tôi luôn ngập tràn tiếng cười. Chồng tôi mua hoa và cây cảnh để trang trí nhà, dọn dẹp sân vườn sạch sẽ. Bên cạnh anh ấy lúc nào cũng có 2 cậu con trai ríu rít hỏi chuyện và giúp ba tưới cây, rửa xe và chăm sóc thú nuôi trong nhà.
Trong bếp tôi cùng 2 cô con gái cắm hoa, rửa tách trà, sắp xếp bánh mứt để chuẩn bị cho những ngày Tết tiếp khách đến chúc Tết. Tôi vừa nấu ăn vừa dạy 2 con gái cách nêm nếm và nấu các món ăn truyền thống.
Là một bà mẹ 4 con, gia đình lại kinh doanh tự túc, thật sự Tết đến với tôi cực kỳ bận rộn. Gia đình tôi phân phối gas (khí đốt) cho nên tất cả nhân viên, đều làm việc đến 30 Tết để có thể cung cấp đủ gas cho các cửa hàng để phân phối về từng hộ gia đình có gas nấu ăn trong những ngày Tết nữa. Mặc dù bận nhiều việc, những tiếng nói cười chạy nhảy của các con cũng làm vợ chồng tôi quên mệt mỏi và hạnh phúc khi bước qua thềm năm mới.
Gia đình hạnh phúc của chị Kim Chi
Ngày Tết có ý nghĩa như thế nào với chị và gia đình?
Không chỉ đối với tôi và gia đình tôi ngày Tết có ý nghĩa, mà hầu như với tất cả mọi người ngày Tết truyền thống của dân tộc luôn mang thật nhiều ý nghĩa. Đây là khi gia đình tôi được quây quần sum vầy bên người thân, cùng nhau nấu những món ăn ngon phục vụ cho hai bên nội ngoại và cả những nhân viên đã làm việc cùng gia đình tôi suốt một năm qua. Chúng tôi có cơ hội được ngồi bên nhau bên bữa tiệc tất niên cuối năm để gắn kết tình thân, kể cho nhau những câu chuyện vui, những tiếng cười.
Đối với các con của tôi, đây sẽ là dịp là các bé sẽ được hướng về cội nguồn qua việc đi lễ vào chiều mùng 2 Tết, và xin ông bà phù hộ cho gia đình luôn khỏe mạnh, làm ăn ổn định và sống hạnh phúc trong tình yêu thương của gia đình.
Một khoảnh khắc ý nghĩa nữa trong ngày xuân mà tôi cùng chồng và các con luôn háo hức đón chờ, đó là lúc thức đợi đến giao thừa, cảm giác tiễn năm cũ đón thời khắc của năm mới quả thực vô cùng thú vị.
Ngày nay, xu hướng "trốn Tết", đóng cửa đi du lịch trong những ngày Tết đang rất phổ biến ở những gia đình trẻ. Với chị thì sao, một bà mẹ 4 con như chị có bao giờ nghĩ đến việc "trốn Tết"?
Tết năm nào cũng vậy, thông thường ngày mùng 1 và mùng 2 Tết tôi sẽ đưa các con đi chúc Tết và ăn cơm cùng gia đình nội ngoại, đi lễ cầu nguyện cho ông bà tổ tiên. Mùng 3 tôi ở nhà nấu ăn đãi khách của chồng. Những ngày Tết còn lại, vợ chồng tôi và các bé thích ở nhà thư giãn, xem các chương trình hài trên ti vi và nghỉ ngơi.
Gia đình tôi không thích đi du lịch vào những ngày lễ vì muốn tránh cảnh đông người, các dịch vụ thiếu thốn và giá tăng cao. Mặt khác, tôi muốn các con dành trọn những ngày tết cho gia đình và người thân.
Để dạy con hiểu về truyền thống Tết âm lịch của dân tộc, chị thường làm thế nào?
Tết cổ truyền là một phong tục tập quán cần được học tập, lưu giữ và coi trọng. Chính vì lẽ đó tôi luôn hướng đến và dạy các con về phong tục ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Trước Tết, vợ chồng tôi thường đưa các con đi chợ hoa vào 28 Tết để các con cảm nhận không khí Tết và tận mắt được nhìn rất nhiều loài hoa đặc trưng của ngày xuân. Các bé thường hay chọn một phần hoa để đem về nhà và bé nào cũng rất hào hứng với hoạt động này.
Ngoài ra, tôi hay chuẩn bị và hướng dẫn cho con những món ăn đặc trưng cho gia đình như: bánh chưng, bánh tét, mứt, dưa món, thịt đông, tai heo ngâm dấm, củ kiệu, củ hành ngâm, thịt kho tàu và canh khổ qua …Dạy các con biết trang hoàng nhà cửa cho thật sạch và đẹp, bàn thờ được lau chùi sạch sẽ và luôn có hoa tươi, nhờ các con trang trí lên chậu hoa mai. Kể cho các con nghe về sự tích ông Công ông Táo, vì sao có bánh chưng và bánh dầy và chuẩn bị những bao lì xì đỏ để mừng tuổi ông bà và các em nhỏ.
Trong ngày đầu năm mới, đưa các con về chúc tết ông bà nội ngoại, sum họp với tất cả người thân trong gia đình 2 bên là không thể thiếu. Chúng tôi dạy con nói câu chúc tết ông bà, mong ông bà luôn khỏe mạnh sống vui bên con cháu, đưa các con đi viếng mộ ông bà tổ tiên đã khuất để các con nhớ về nguồn cội, đi thăm viếng họ hàng, làng xóm.
Vợ chồng tôi luôn nhắc nhở và dặn con các ngôn từ lễ phép, những lời chúc tốt đẹp may mắn đến khách tới nhà, luôn tươi cười vào những ngày Tết. Nếu có lễ hội xuân thì vợ chồng tôi cũng tranh thủ đưa các con đi để bé được tận mắt nhìn, vui chơi giải trí và hiểu được hết nét đẹp văn hóa ngày Tết.
Vấn đề ứng xử với tiền lì xì thường nhiều phụ huynh hay bỏ qua mà không dạy con cái, khiến có nhiều trường hợp , trẻ đẩy khách vào tình thế khó xử khi đòi tiền lì xì, chê tiền lì xì ít… Chị quan điểm thế nào và dặn dò con ra sao?
Đối với tôi, chuyện phong bì lì xì vẫn là vấn đề tế nhị cần phải dạy con trước khi tết đến. Tôi luôn dặn con chiếc phong bì đỏ lì xì chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, các con không nên quan trọng số tiền bên trong mà phải biết vui vẻ, trân trọng giá trị tinh thần. Việc người lớn “mừng tuổi” cho các con là mang ý nghĩa chúc con mau lớn, ngoan ngoãn, học giỏi, và may mắn đến với các con. Số tiền lì xì chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Dù bên trong tiền ít hay nhiều thì các con nên nhận với niềm vui như nhận được may mắn trong năm mới. Để dạy con về điều đó, vợ chồng tôi cũng tuyệt đối tránh bàn luận về phong bì lì xì có bao nhiêu tiền, nhiều hay ít trước mặt các con.
Vợ chồng tôi sống tình cảm và tránh trường hợp lấy tiền làm thước đo tình cảm trước mặt các con. Thật ra các con của tôi cũng đầy đủ, những gì bọn trẻ thích thì chúng tôi cũng đã cho chúng trong điều kiện cho phép vì thế các con của tôi không thiếu thốn gì cả.
Vợ chồng tôi vẫn dạy các con không quan trọng về đồng tiền, luôn hướng các con về tình người, nên các con của tôi hầu hết bọn trẻ cũng không quan tâm đến tiền lì xì mà chỉ là thích nhận những phong bì đỏ từ người lớn như một lời chúc may mắn.
Mỗi dịp Tết thì tôi thường hay mua cho mỗi bé một con heo đất, các con tự đút tiền lì xì có được dù ít hay nhiều vào heo, nhằm mục đích phục vụ cho việc học trong tương lai của các con, và dạy các con không nên phung phí mua những gì không cần thiết và cần biết tiết kiệm đồng tiền nhận được.
Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị. Chúc chị và gia đình một năm mới ngập tràn niềm vui và hạnh phúc!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet