Sinh sống và làm việc tại Grenoble (Pháp) nhiều năm nay, chị Nguyễn Châu Phương Quỳnh (29 tuổi) luôn cố gắng tìm hiểu tất cả những phương pháp cũng như kiến thức chuyên sâu, mới mẻ nhất từ các bác sĩ, chuyên gia nơi đây để chăm và nuôi dạy con gái Gia An (21 tháng tuổi) và sắp tới là một em bé nữa được tốt nhất.
Chi Phương Quỳnh và con gái Gia An.
Cũng giống như nhiều mẹ bỉm sữa khác, chị Phương Quỳnh đặc biệt quan tâm đến vấn đề cho con ăn dặm những năm tháng đầu đời. Theo chị, trong ăn dặm kiểu Pháp có khá nhiều khác biệt so với những quan niệm mà hiện tại một số mẹ Việt vẫn đang áp dụng.
Thưa chị, ở Pháp việc ăn dặm của trẻ thường bắt đầu khi nào?
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, nếu trẻ sơ sinh bú mẹ trực tiếp hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên thì bé chỉ nên bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng, vì bản thân sữa mẹ đã hoàn toàn đủ dinh dưỡng cho bé rồi.
Tuy nhiên, ở Pháp, do mẹ phải đi làm từ sớm (2 tháng rưỡi sau sinh), mẹ phải vắt sữa ra cho bé bú. Thậm chí có mẹ phải cho bé bú thêm sữa ngoài thì nguồn dinh dưỡng của bé không được đảm bảo. Vì thế, bác sĩ Nhi khoa ở Pháp của bé sẽ theo dõi thường xuyên và khuyên cho bé ăn dặm từ lúc nào.
Về cơ bản, nếu bé bú sữa công thức thì sẽ có thể ăn dặm khi hơn 4 tháng. Nếu bé bú mẹ trực tiếp và kết hợp bú sữa mẹ vắt ra để ti bình thì có thể ăn dặm từ 5 tháng. Nếu bú mẹ hoàn toàn trực tiếp thì ăn dặm từ 6 tháng.
Vì tất cả được giám sát và tư vấn sát sao từ các bác sĩ Nhi khoa nên các mẹ ở Pháp sẽ không phải lo vấn đề ăn dặm sớm quá sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa non nớt của trẻ.
Việc ăn dặm của bé sớm hay muộn cần sự theo dõi sát sao từ các bác sĩ dinh dưỡng.
Vậy ngoài dựa vào tháng tuổi, dấu hiệu nào cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm thưa chị?
Điều quan trọng nhất vẫn là mẹ cần phải "lắng nghe" bé. Thông thường khi bé đã sẵn sàng ăn dặm sẽ có các dấu hiệu sau để nhận biết:
- Trẻ hơn 4 tháng tăng gấp đôi cân nặng khi sinh. Nếu chưa đủ, mẹ nên đợi khi con được 5 tháng.
- Bé bú xong hết sạch sữa rồi mà vẫn khóc đói, nghĩa là chỉ mỗi sữa thôi không đủ cho bé.
- Bé bắt đầu đụng vào thức ăn hoặc thích nhìn mẹ gắp thức ăn cho vào miệng nghĩa là bé đã muốn nếm thử đồ ăn của bố me.
- Nếu bé từ chối bú dù vẫn đói và không phải do bị ốm, nghĩa là bé muốn thử thứ gì khác ngoài sữa.
Mẹ có thể thử bằng cách cho bé nếm tí xíu rau, nếu bé thích thú muốn ăn thì là bé đã sẵn sàng để tập ăn dặm rồi.
Trước đó với Gia An chị cũng thực hiện cho bé ăn dặm sớm như thế, phản ứng của bé như thế nào?
Vì mình cho Gia An bú mẹ và bú sữa vắt 6 tháng đầu (không dùng sữa công thức) nên con ăn dặm từ 5 tháng.
Thực phẩm ở Pháp an toàn, sạch sẽ và ngon nữa nên bé tiếp thu dễ lắm, 10 bé thì hết 9 bé ăn được rồi. Lúc đầu mình cũng nấu cho bé ăn là chủ yếu. Về sau đến hè đi chơi nhiều thì mua thức ăn đóng sẵn, bé vẵn ăn bình thường.
Bé Gia An được mẹ cho ăn dặm từ tháng thứ 5.
Do mình thực hiện đúng như bác sĩ khuyên nên bé rất dễ ăn, 8 tháng thì bé đi nhà trẻ. Ở trường con còn được ăn ngon hơn ở nhà, bé lại càng thích. Ngày nào cô cũng bảo là bé ăn hết phần ăn của mình ở trường.
Ngoài ra, cứ đúng lịch khám bác sĩ thì mình cho bé đi khám tổng quát, bé vẫn tăng cân đều và chắc khỏe, không bị béo phì. Gia An 14 tháng tuổi thì đi bộ được cả cây số luôn rồi.
Về thực đơn ăn dặm cũng như cách thức ăn dặm với các bé bắt đầu từ hơn 4-5 tháng có khác so với bé 6 tháng không thưa chị?
Ở tuổi này, bé có 4-6 bữa ăn hàng ngày:
Ăn sáng: bú mẹ hoặc 1 bình sữa
Cữ này, bé từ 5 tháng mẹ có thể cho bé thêm 1 muỗng cafe ngũ cốc pha thẳng vào bình sữa để bé làm quen với gluten, bé dưới 5 tháng hoặc trong gia đình từng có thành viên dị ứng gluten thì uống ngũ cốc không gluten (nếu gia đình có tiền sử dị ứng gluten thì 7 tháng mới cho bé dùng).
Ăn trưa: ăn dặm từ từ với rau để bé phân biệt được vị riêng của từng loại rau.
- Mỗi bữa ăn bé chỉ được ăn 1 muỗng cafe rau xanh hấp chín và xay nhuyễn. Mẹ nên sử dụng loại muỗng mềm chuyên dùng cho ăn dặm, không dùng muỗng kim loại không tốt cho nướu bé.
- Cứ mỗi 2-3 ngày, mẹ có thể thêm 1 muỗng cafe nữa, cho đến khi bé ăn được 130g rau/cữ.
- Mẹ chỉ được cho ăn 1 loại rau duy nhất để xem phản ứng của bé nhé. Mỗi 48h, mẹ chỉ được cho bé ăn thêm 1 loại thực phẩm mới mà thôi. Ví dụ: Cữ trưa mẹ đã cho con ăn 1 loại rau mới, vậy cữ chiều không được ăn trái cây mới nữa mà phải chờ thêm 48 tiếng mới được thử.
- Sau khi ăn rau, bé có thể bú mẹ hoặc bú bình. Lúc này liều lượng bú của bé sẽ giảm đi 1 ít.
- Các loại rau xanh có thể dùng trong thời điểm này: cà rốt, đậu que, petit pois, rau chân vịt, bí ngòi (courgette), atisô, cà tím, tỏi tây (phần trắng).
- Tránh cà chua, cần tây, bắp cải, hành lá (cébette), bông cải và bông cải xanh đến 9 tháng (vì có khá nhiều ca dị ứng ở Pháp).
- Nếu bé bị táo bón thì hạn chế cà rốt.
- Không trộn thực phẩm với khoai tây trước 6 tháng.
- Lúc này bé ăn rất ít nên nấu sẽ rất cực. Mẹ có thể nấu trước 1 lần rồi chia nhỏ để vào khay đá cho dễ dùng.
Ăn xế (lúc 16h):
- Bú mẹ hoặc bú bình
- 15 ngày sau khi bắt đầu tập ăn dặm với rau, mẹ có thể cho bé ăn trái cây. Bắt đầu từ 60g trái cây và tăng dần từ từ đến khi đạt 130g (cách 2-3 ngày lại tăng thêm 1 muỗng cafe).
- Tất cả các loại trái cây đều phải chín già, gọt vỏ, hấp hoặc nấu chín và xay nhuyễn. Tuyệt đối không thêm đường.
- Các loại trái cây áp dụng được trong giai đoạn này: táo, lê, mơ, đào, chuối, mận. Tránh các loại trái cây màu đỏ và trái cây nhiệt đới (kiwi, xoài, thơm…).
- Lưu ý quan trọng: Khi con bắt đầu ăn dặm, các mẹ hay nhầm cho ăn trái cây trước khi ăn rau vì trái cây dễ nuốt hơn. Theo cách ăn dặm của Pháp thì điều này không tốt vì khiến cho bé không ăn rau nữa vì trái cây ngọt hơn, và bé sẽ biếng ăn hơn về sau. Vì thế, mẹ nên cho bé làm quen với rau trước rồi hẵng dùng trái cây.
Ăn tối:
Bú mẹ hoặc bú bình với 1 muỗng cafe ngũ cốc như buổi sáng.
Theo chị, khi cho bé ăn dặm kiểu Pháp thì các mẹ nên lưu ý điều gì?
Những nguyên tắc cần nhớ:
- Ăn dặm với rau trước. Sau 15 ngày ăn dặm mới bắt đầu ăn trái cây.
- Nên chọn rau quả theo mùa để tránh thuốc tăng trưởng.
- Thực phẩm hấp chín là tốt nhất.
- Có thể sử dụng thực phẩm đông lạnh chưa nấu chín để chế biến.
- Không dùng muối trước khi bé 1 tuổi và đường đến 3 tuổi.
- Sau khi nấu nướng xong, mẹ có thể chia nhỏ thức ăn để đông lạnh cho bé dùng dần. Nên dùng khay bằng inox, thủy tinh và sứ, đặc biệt là khay silicone có nắp đậy. Mẹ lấy từng viên ra rồi cho vào túi trữ đông. Nhớ sử dụng túi không chứa BPA.
- Nếu bé có bất cứ dấu hiệu dị ứng nào như khó thở, sưng vù mặt mũi, tay chân thì phải lập tức đi bác sĩ.
- Với phương pháp ăn dặm mới nhất năm 2016, nếu bé ăn xong mà chỉ bị nổi mẩn ngứa nhẹ, mẹ vẫn tiếp tục cho bé ăn thực phẩm đó với liều lượng ít đi tí thôi. Ăn miết đến năm 6 tuổi thì bé sẽ không còn dị ứng với thực phẩm nữa.
- Mục đích của giai đoạn ăn dặm này là giúp bé làm quen với việc ăn bằng muỗng. Tuy nhiên, mẹ phải luôn tôn trọng nhu cầu mút mát của bé và chấp nhận nếu bé vẫn thích bú bình hơn.
- Tránh việc ăn đi ăn lại 1 loại thực phẩm quá nhiều lần. Sự thay đổi trong vị và màu sắc của từng thực phẩm sẽ giúp bé ăn tốt hơn.
- Nếu như bé từ chối bất cứ loại thực phẩm nào, mẹ cần dừng cho ăn loại đó và tập cho bé ăn vào các lần sau.
- Luôn luôn ghi nhớ là trong giai đoạn này, sữa vẫn là nguồn thực phẩm chính của bé. Ăn dặm lúc này chỉ là hương hoa phụ thêm vào công đoạn ăn dặm thực tế về sau thôi.
Xin cảm ơn chị về những chia sẻ!
>> XEM TIẾP: Học mẹ Pháp để có những đứa trẻ "dễ nuôi"
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet