Nếu như nhiều bà mẹ Việt luôn cảm thấy khó khăn với việc cho con ăn vì những nỗi khổ khi con biếng ăn, lười nhai, vừa ăn vừa đi dạo, xem ti vi, ngậm chặt miệng… thì đối với chị Võ Thị Thanh Huyền việc cho bé Duri ăn dặm lại trở nên nhàn tênh và hết sức thú vị.
Thông qua những dĩa thức ăn được trang trí thành hình những con vật, cây cối… bé Duri không những cảm thấy hào hứng với bữa ăn mà bé còn được khám phá thế giới xung quanh.
Theo chị Huyền, lúc vừa tròn 6 tháng, chị cho bé Duri tập ăn dặm theo phương pháp BLW (Baby Led Weaning) – “ăn dặm bé tự chỉ huy”. Thời gian đầu, chị đặt từng món trực tiếp lên bàn ăn của bé để bé tập bốc và chủ động khám phá các loại thức ăn.
Đối với chị Huyền mỗi bữa cho con ăn lại là những khoảng thời gian nhàn tênh và vô cùng thú vị.
Khi bé được gần 10 tháng tuổi thì “phong độ” ăn uống trở nên ổn định hơn, bé có thể nghiêm túc ăn được nhiều món cùng lúc trên đĩa như người lớn. Lúc này chị Huyền bắt đầu tìm hiểu thêm về “Food Art” ở các trang web nước ngoài và học hỏi, áp dụng làm theo để bé khám phá được nhiều hơn trong các bữa ăn.
Gia đình bé Duri hạnh phúc bên nhau.
Cũng với những thành phần món ăn như vậy nhưng sau khi chế biến xong chị Huyền lại tỉ mỉ sắp xếp bố cục, tạo nhiều hình dạng và sử dụng các loại rau củ quả sặc sỡ để tạo thành những hình ảnh đẹp mắt, giúp bé vừa ăn vừa quan sát, cảm nhận, học hỏi.
“Bé nhà mình rất thích “ngắm tranh” trước khi ăn, và mình cũng tranh thủ giới thiệu sơ cho bé hiểu về các khái niệm, ví dụ như “con xem, đây là cái cây, đây là con gà...”. Vừa ăn mình lại vừa dạy bé nhận biết thế giới xung quanh”.
Chỉ với những món như bông cải xanh, trứng chiên, cơm, chả cá...mẹ đã có một đĩa thức ăn đáng yêu cho Duri.
Có những món để riêng lẻ ở ngoài bé không thích ăn, nhưng khi được mẹ cắt gọt sắp xếp vào “tranh” thì bé Duri lại hào hứng ăn nhiều hơn.
Theo chị Huyền, việc làm này tốn rất nhiều thời gian do nấu nướng xong mẹ còn phải bày biện cắt gọt trang trí. Nhưng nhìn thấy con hào hứng với bữa ăn, bé ăn rất nhanh nên chị vẫn luôn cố gắng sắp xếp thời gian để làm cho bé.
“Để tạo hình cơm thì sau khi nấu cơm chín dẻo, mình dùng bao tay nilon thấm một chút dầu ăn rồi nắn cơm thành hình theo ý muốn, kích thước, hình dạng mỗi bữa có thể thay đổi linh hoạt tùy ý. Rau, củ, quả mình cắt gọt, chế biến rồi sắp xếp lại để tạo hình. Một số chi tiết trang trí như mắt, mũi, miệng mình thường dùng rong biển. Ngoài ra còn có mè đen, mè trắng, các loại lá thơm châu Âu (Basil, Oregano, Rosemary, Thyme…) rắc lên trang trí và tăng độ thơm ngon cho món ăn” chị Huyền chia sẻ về cách trang trí đĩa thức ăn cho bé.
Cùng ngắm một số đĩa thức ăn chị Huyền tỉ mỉ làm cho bé Duri:
Đĩa thức ăn với cơm nắm, thịt bò cuộn rau củ, rau xà lách, cà chua và táo...được mẹ trang trí thành hình những chú gấu đáng yêu.
Bữa ăn với chú gà đáng yêu khiến Duri trở nên hào hứng hơn.
Nui gạo màu trắng, cơm trắng, nấm linh chi, bắp cải, Củ cải trắng, đậu Hà Lan, cà rốt, tôm, bò, phô mai, mè rang được mẹ Duri trang trí thành hình cô công chúa Elsa.
Cơm nóng, lòng đỏ trứng cút trộn hạt Chia rồi chiên không dầu trên chảo chống dính; bông cải xanh, đậu Hà Lan, ớt chuông đỏ, ớt chuông vàng, nấm đông cô, thịt nạc heo, mè rang, rong biển phiên bản bò sữa.
Cơm chiên tỏi với dầu gấc, chút nước màu dừa, lòng đỏ trứng cút; ớt chuông đỏ, cà chua bi, nấm linh chi trắng, thơm, bắp cải tím phiên bản gà đáng yêu.
Sandwich lạt, lòng đỏ trứng áp chảo với bơ lạt; thăn gà, ớt chuông, hành tây xào, rắc hạt Chia cho thêm phần bổ dưỡng; cà rốt, dưa leo, táo, cherry dùng để trang trí thành phiên bản sư tử.
Duri được tự do khám phá bữa ăn của mình.
Sandwich cá hồi xông khói, phiên bản hươu cao cổ.
Mì Spaghetti; thịt bò bằm ướp tiêu tỏi, sốt cà, rắc mè rang vàng và rau thơm băm nhỏ; khoai tây, rong biển, cà chua, dưa leo, đậu bắp được trang trí thành phiên bản ong vàng.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet