Hai vợ chồng chị Bùi Vũ Huyền Trân (sinh năm 1987, hiện đang sống tại TPHCM) trước đây đều không có thói quen đọc sách. Vậy nhưng từ khi có bé Minh Nguyễn, mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi. Vì con, hai vợ chồng chị chịu khó đọc sách, đọc cho mình, thay phiên nhau đọc cả cho con, đọc nhiều lại thành thói quen.
Với chị Trân: “Nuôi con thực sự là một cuộc chuyển hóa của hai mẹ con, hai mẹ con cùng học và cùng lớn lên. Đọc sách cùng con giúp con thông minh hơn, đồng thời kích thích sự sáng tạo và trí tưởng tượng của con và đây cũng chính là cánh cửa dẫn con đến với các tri thức khác…"
Khi còn nhỏ, bé Nguyễn đã được mẹ tập làm quen với sách. (Ảnh: NVCC)
Tuy mới 4 tuổi nhưng bé Minh Nguyễn đã tự mình sở hữu tới 700 cuốn sách chứa đầy 4 kệ - có thể nói là một trong những em bé nhiều sách nhất nhì Việt Nam. Tất cả là nhờ sự khuyến khích của bố mẹ.
Từ việc bản thân không thích đọc sách, nhưng lại muốn tạo thói quen đọc sách cho con, chị có thấy khó thực hiện?
Ngay từ khi mang thai bé, hai vợ chồng mình đã cùng nghiên cứu để thống nhất về cách nuôi dạy con. Chúng mình nhận ra sách đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tri thức, nhân cách. Chính vì vậy, dù công việc cả hai có bận rộn đến mấy thì những việc liên quan đến con, chuyện học hành, đọc sách cùng con sẽ được ưu tiên hàng đầu.
Nhưng chị có chắc là con mình thích đọc sách, hay chỉ là sở thích bắt ép của bố mẹ?
Không riêng gì đọc sách mà đối với các vấn đề khác, những ông bố bà mẹ thường có xu hướng ra lệnh hay bắt ép con phải thực hiện một việc nào đó theo mặc dù con không muốn, thậm chí thực hiện trong nước mắt. Mình nghĩ đây không phải là xu hướng, mà là “truyền thống”, phần nhiều các ba mẹ đều đang nuôi dạy con như vậy.
Nguyên nhân cũng có thể vì ba mẹ đã từng được nuôi dạy như thế, hoặc tâm lý muốn con phải có cuộc sống tốt hơn mình, hoặc muốn con thay mình thực hiện những tham vọng, mong muốn chưa thực hiện được… Vì những điều này cha mẹ đã vô tình biến con thành phương tiện của chính mình.
Con sẽ thấy vui hơn khi được làm điều mình thích nhưng không vượt quá tầm kiểm soát của mẹ. (Ảnh: NVCC)
Dĩ nhiên bố mẹ nào cũng đều yêu con và mong muốn mang lại điều tốt nhất cho con. Song hãy lắng nghe con nhiều hơn. Trước tiên, bố mẹ phải từ bỏ quyền làm “vua” của mình, hãy đối xử với con như là một “con người” tự lập, chứ không phải vật sở hữu. Bố mẹ hãy cố gắng học, hãy kiên nhẫn, hãy làm bạn cùng con để lắng nghe và để hiểu con.
Và thực sự mình cảm thấy khá may mắn nhờ trong quá trình nuôi con, mình được đọc được nhiều sách hay về nuôi dạy con nên không đi vào vết xe đổ này.
Vậy tức là bé Minh Nguyễn rất hợp tác với bố mẹ trong quá trình đọc sách?
Nguyễn là một em bé thông minh, sống tình cảm và khá khéo giao tiếp mặc dù con còn nhỏ. Với sách thì con rất yêu sách, từ bé đến giờ vẫn vậy. Có thể nói đó là kết quả của thói quen đọc sách mỗi ngày, cùng với việc con có một môi trường đọc tốt.
Cả bố và mẹ Nguyễn đều thay phiên nhau đọc sách cho con nghe hoặc cùng con đọc sách.
Một em bé 4 tuổi có thói quen đọc sách quả thực là rất đặc biệt. Nhiều người vẫn nghĩ, trẻ mới 4 tuổi thì biết chữ đâu mà đọc sách, chị lý giải sao về điều này?
Hầu hết sách cho trẻ là để xem hình. Từ 1 tuổi sẽ rất ít chữ, sau đó mới tăng dần lên. Có thể dựa vào hình ảnh đó, bố mẹ sẽ kể cho con nghe, sau này thì bé có thể tự ngồi đọc theo trí tượng tượng của mình. Điều này sẽ giúp phát huy trí tưởng tượng phong phú và sự sáng tạo, phát huy ngôn ngữ, óc tư duy.
Vì thế mà bé thông minh, giai đoạn khủng hoảng cũng sẽ rất ít bởi bé giỏi ngôn ngữ nên có thể dễ dàng diễn đạt những thứ con muốn hoặc không thích. Ngược lại, khi bé còn nhỏ chưa biết nói lại không biết cách diễn đạt nhu cầu thì sẽ bị ức chế, khó chịu. Lâu ngày sẽ dẫn đết cáu gắt, lầm lỳ.
Không phải bé biết chữ mới đọc được sách. Đợi các con biết chữ ba mẹ mới rèn thói quen yêu sách thì trễ quá, lúc ấy trẻ không còn thích nhiều. Thế nên có nhiều người nói "trẻ biết gì mà đọc” là sai lầm lớn của các ba mẹ.
Theo chị, ngoài sự ảnh hưởng từ bố mẹ thì môi trường xung quanh giúp con tích cực như thế nào trong việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ?
Ngoài việc bố mẹ phải cố gắng học để chuyển hóa bản thân và học để dạy con thì theo mình, tạo cho con một môi trường đọc ngăn nắp và nhiều màu sắc là rất quan trọng. Bởi môi trường có ảnh hưởng rất lớn. Chính nó sẽ kích thích bé thích đọc và đọc sách nhiều hơn.
Hiện nay, thói quen đọc sách của bé được chị duy trì như thế nào?
Hiện tại bé thường tự đọc sách, hoặc yêu cầu ba mẹ đọc cho bé mỗi sáng và mỗi tối, hôm nào bố mẹ bận quá thì bé sẽ tự đọc một mình. Nếu bé phát hiện ra sách mới thì nhất định phải thỏa thuận với ba mẹ để xin cho bằng được, hoặc chí ít là cho bé mượn đọc.
Nguyễn là một cậu bé thông minh và rất yêu sách.
Những năm đầu đời có vai trò như thế nào đối với trẻ sau này, theo chị?
Theo mình, 6 năm đầu đời là “thời kì vàng” để các bố mẹ giúp con khám phá thế giới xung quanh và khơi dậy tối đa những khả năng tiềm ẩn của con. Điều này không phải mình nói suông mà đã được khoa học chứng minh. Nên có thể nói những năm này là khoảng thời gian cực khổ nhất của việc nuôi con. Giúp con hình thành thói quen, tính cách cũng như các kỹ năng.
Và một điều nữa, mình nghĩ giúp trẻ tránh xa điện thoại và các thiết bị công nghệ trước 2 tuổi là một sự thành công của bố mẹ hiện nay. Bởi đó cũng là hiện tượng chung của nhiều gia đình, con khóc vì đòi xem phim, đòi cầm điện thoại. Làm sao để bé sau hai tuổi mỗi khi cho dùng đều phải thỏa thuận hoặc hỏi ý kiến bố mẹ. Thậm chí bạn ý cũng sẽ từ chối khi được cho xem nữa.
Chị có thể gợi ý một số đầu sách cho thiếu nhi mà Nguyễn cũng như các bạn nhỏ nên đọc?
Mình nghĩ các em bé nên được có bộ truyện tranh Ehon: Yoga cùng muôn thú, Sự kỳ diệu của cơ thể, Cùng tớ đi dã ngoại nhé, Những gia vị của yêu thương,…Các câu chuyện nuôi dưỡng tâm hồn của Shichida: Mèo con, thỏ con, gấu con, cún con, hươu cao cổ…trong tủ sách hàng ngày.
Chị Trân cũng muốn con trai lớn lên sẽ tự lập, tự tin và hạnh phúc.
Ngoài tập thói quen tốt là đọc sách thì chị còn chú trọng dạy con điều gì nữa?
Bên cạnh thói quen đọc sách, thì mục tiêu của mình là làm sao Nguyễn trở thành một em bé hạnh phúc, sống tự lập và tự tin trong mọi hoàn cảnh, nên mình không chú trọng Nguyễn phát triển trong một lĩnh vực nào đó cả.
Nguyễn giờ đã có thể tự chăm sóc bản thân mình, tự lập hầu hết những việc liên quan đến bạn ấy, và còn có thể giúp đỡ ba mẹ những việc trong khả năng của mình. Điểm nổi bật nhất của Nguyễn là khả năng giao tiếp, khả năng tư duy và trí tưởng tượng rất phong phú.
“Những bố mẹ khác không cần làm vậy mà con vẫn lớn khôn được thì sao mình lại phải cực khổ áp dụng nhiều biện pháp với con như thế”, có khi nào chị suy nghĩ như vậy chưa?
Có thể mỗi bố mẹ sẽ có một cách dạy con riêng và một phương pháp phù hợp. Mình không thể nói mình cực khổ còn những bố mẹ khác thì không được. Riêng mình, mình muốn con “lớn” và có tri thức thì mình cần phải nỗ lực nhiều; muốn con thông mình, tự lập, tự tin và sau này, trở thành một con người tử tế thì bố mẹ phải học thôi, không có con đường nào khác.
Muốn con được lớn khôn thì đó là một quá trình nỗ lực của bố mẹ.
Một điều mình muốn chia sẻ với các bố mẹ trẻ là: bố mẹ nào cũng yêu con, muốn những điều tốt đẹp nhất cho con. Nhưng ngoài việc nỗ lực làm việc để lo cho con được đầy đủ về mặt vật chất và trí tuệ, thì việc nuôi dưỡng tâm hồn và sự tự lập cho con rất quan trọng. Để làm được điều đó, cần sự kiên nhẫn, tình yêu, và rất nhiều thời gian của ba mẹ.
Sinh con thì dễ, làm “bố mẹ” người ta mới khó. Con bao nhiêu tuổi là bố mẹ học bấy nhiêu lâu đó.
Rất cảm ơn chị Huyền Trân về những chia vừa rồi!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet