Video: Bé Pooh dịch tiếng Anh
Từ lâu, tiếng Anh là ngoại ngữ thứ hai được nhiều cha mẹ Việt chú trọng dạy cho con từ sớm để bé tiếp thu nhanh và tốt nhất. Nhờ đó trẻ dễ dàng trong việc tiếp cận với các kỹ năng khác trong cuộc sống.
Cậu bé Nguyễn Xuân Nhật, tên thường gọi ở nhà là Pooh - là con trai của chị Trần Thị Phương Thúy, 34 tuổi, Hà Nội. Pooh năm nay vừa tròn 6 tuổi, là một cậu bé vui vẻ, hay cười, thích đọc sách, ham học hỏi và cũng rất cá tính.
Bằng tuổi Pooh, khi nhiều bạn bè còn mải mê với một số món đồ chơi thì cậu bé tỏ ra khá chững chạc, có chính kiến riêng của mình, đặc biệt còn có khả năng dịch sách Anh - Việt. Bộ sách của Pooh đã được thông qua, in ấn và phát hành trong tháng 7 này.
Gia đình bé Pooh
Cùng trò chuyện với chị Phương Thúy để hiểu thêm về niềm đam mê dịch sách của cậu bé cũng như cách bà mẹ trẻ đã rèn cho con trai học tiếng Anh từ 9 tháng tuổi.
6 TUỔI LÀ DỊCH GIẢ CỦA 5 CUỐN SÁCH CHO BÉ 0-3 TUỔI
- Xin chào chị Phương Thúy, không biết cơ duyên nào đã giúp Pooh đến gần hơn với việc dịch sách Anh - Việt?
Bản thân Pooh từ nhỏ đã là một cậu bé thích đọc sách, con biết đọc tiếng Việt từ lúc hơn 3 tuổi và đến 5 tuổi con đọc được sách tiếng Anh. Khi đọc sách thì bé cũng tự dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt những câu đơn giản, từ nào không biết bé sẽ hỏi cha mẹ.
Do đó, Pooh bắt đầu đọc sách tiếng Anh gốc và thử dịch, gia đình thấy ổn nên đã cho bé dịch 5 quyển đó. Sau đó gia đình ký hợp đồng dịch giả với một nhà xuất bản tại Hà Nội.
Pooh đã dịch xong 5 cuốn sách và chuẩn bị phát hành.
Bé viết chưa thạo và chưa biết dùng máy tính nên bé đọc sách và dịch, mẹ ghi âm và gõ lại, rồi bé sẽ soát lại bản đánh máy cùng mẹ trước khi gửi đi.
Hiện Pooh đã dịch bộ 5 cuốn sách cho lứa từ 0-3 tuổi từ cuối năm 2017 rồi. Sách sẽ được phát hành trong tháng 7/2018.
- Dịch sách tiếng Anh là niềm yêu thích của bé hay là do chị định hướng từ nhỏ, thưa chị?
Pooh thích đọc sách từ nhỏ, có lẽ là vì bố mẹ thích đọc sách và nhà có nhiều sách, nên khi bé lớn lên thì đã thấy sách ở quanh mình. Bé cũng biết tiếng Anh từ lúc 3 tuổi, nên khi bé đọc được cả tiếng Anh và tiếng Việt thì mình nghĩ là con thích việc dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại.
- Vậy để củng cố niềm đam mê này của bé, anh chị đã hỗ trợ cho Pooh những gì?
Bình thường vào buổi tối trước khi đi ngủ bố hoặc mẹ sẽ kể truyện cổ tích cho bé nghe, gần đây bé có yêu cầu là bé sẽ cùng kể với bố mẹ cả tiếng Anh và tiếng Việt.
Hai truyện bé đang yêu thích và có thể kể lưu loát cả tiếng Anh và tiếng Việt là “Ba chú lợn con” và “Cô bé Lọ Lem”.
- Chị dự định dùng số tiền mà bé kiếm được từ việc bán sách vào việc gì?
Sách bé dịch chưa xuất bản, mặc dù giá có hơi cao vì là sách song ngữ và có lật tương tác (flip-and-flap), nhưng hy vọng sẽ bán chạy.
Dịch giả nhận được tiền nhuận bút một lần, bé đã có dự định sẽ đem biếu ông bà nội và ông bà ngoại.
GIÚP CON GIỎI TIẾNG ANH TỪ VIỆC HAM ĐỌC SÁCH
- Chị nhận thấy năng khiếu học tiếng Anh của Pooh là từ bao giờ và cách chị giúp Pooh phát triển ngoại ngữ thứ hai này ra sao?
Mình nhận thấy con có hứng thú và khả năng với tiếng Anh từ lúc bé khoảng 2 tuổi. Trước đó lúc bé khoảng 9 tháng, mình đã mua bảng chữ cái tiếng Anh và tiếng Việt có phát âm để cho con vừa chơi vừa học. Đến khoảng 1,5 tuổi bé đã nhớ được mặt các chữ cái. Ngoài ra, mình còn mua những quyển sách cho các bé từ 0-3 tuổi có hình vẽ và màu sắc rực rỡ với các chủ đề như trái cây, hình khối, con vật... và dạy bé. Bé thích các quyển sách này và nhớ tốt, ví dụ khi mình hỏi quả cam đâu, hình tam giác đâu bé có thể giở sách ra và chỉ được.
Ngoài ra, thỉnh thoảng gia đình cũng cho bé xem Youtube, bé rất thích các bài hát tiếng Anh của Super Simple Songs và Nursery Rhymes. Đến khoảng 3 tuổi thì bé đã nhớ được khá nhiều từ tiếng Anh, tuy nhiên chưa nói được cả câu trọn vẹn. Khi bé 3,5 tuổi, mình cho bé đi học thêm tiếng Anh ở trung tâm.
Khi đã có thể nói được cả câu bằng tiếng Anh, thì Pooh có nhu cầu giao tiếp bằng tiếng Anh nhiều hơn, nên cha mẹ cũng cố gắng tạo điều kiện cho bé, bằng cách khi bé hỏi bằng tiếng Anh thì trả lời bằng tiếng Anh, cho bé gặp gỡ người nước ngoài...
Ngoài ra, mình giúp con tự học đọc bằng cách nhớ kiểu hình ảnh chứ không học kiểu đánh vần, ban đầu con đọc sai dấu rất nhiều, sau đó khi bố mẹ nhắc con cách nói đúng thì một vài lần sau con đã đọc đúng. Khi đi ra ngoài, con rất hứng thú với việc đọc các biển báo, các loại nhãn hàng... thì cha mẹ cũng đọc cùng và hướng dẫn con cách đọc đúng.
Bên cạnh đó, theo quan điểm của mình thì để giỏi ngoại ngữ cần giỏi cả tiếng Việt nữa. Khi con còn bé, mình hay hát ru cho bé, bé cũng rất thích các bài hát ru, ví dụ như bài Gió mùa thu hay Hôm qua tát nước đầu đình. Với trẻ con thì giọng nói của bố mẹ là giọng nói thân thương và êm ái nhất khi vừa chào đời, nên cha mẹ cố gắng giao tiếp bằng giọng nói với con như nói chuyện hoặc hát ru.
Tóm lại, để con hứng thú với việc học ngoại ngữ cha mẹ nên tạo một môi trường giúp con thấy hứng thú, mua sách ngoại ngữ hoặc sách song ngữ cho con, cũng như cùng con thực hành ngoại ngữ thường xuyên. Các bậc cha mẹ đừng e ngại rằng mình phát âm chưa chuẩn, vì thực tế sau này khi con đi học hoặc đi làm thì sẽ tiếp xúc với nhiều ngữ điệu khác nhau ở khắp nơi trên thế giới.
Và để có thể đồng hành cùng con thì bản thân cha mẹ cũng cần phải trau dồi cập nhật kiến thức không ngừng để không bị tụt hậu. Ở nhà mình thì hai vợ chồng đều có thể dịch sách, chồng mình dịch từ tiếng Trung và tiếng Anh còn mình dịch tiếng Anh, và cũng đã có nhiều đầu sách dịch được xuất bản.
- Khi chọn trung tâm học tiếng Anh cho Pooh, chị đã lưu tâm đến điều gì?
Theo mình việc học Phonics (Phát âm tiếng Anh theo Ngữ âm) từ giai đoạn bắt đầu học là quan trọng vì nếu từ lúc học ban đầu mà các con được dạy đọc đúng thì sẽ hỗ trợ rất nhiều sau này. Trong đó, 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết trong việc học ngoại ngữ cần được rèn luyện đồng thời.
Vì vậy khi chọn trung tâm tiếng Anh cho các con thì cha mẹ nên cân nhắc lựa chọn trung tâm có chất lượng tốt và giáo trình tốt.
MUỐN DẠY CON TỐT CHA MẸ NÊN TỰ ĐIỀU CHỈNH MÌNH
- Anh chị có lập riêng cho bản thân một quan điểm nhất nhất nào đó khi dạy con?
Vợ chồng mình chủ yếu tạo điều kiện cho con tự phát triển, phát huy thế mạnh của con và khắc phục những nhược điểm của con, cha mẹ đóng vai trò như người hướng dẫn và người bạn chia sẻ chứ không phải người ra lệnh bắt con phải làm theo ý mình. Ngoài ra, các cụ ta có câu “Sinh con rồi mới sinh cha” mình nghĩ là khi có con, cha mẹ có vai trò mới là làm cha làm mẹ, nên cũng phải thường xuyên học và tự điều chỉnh bản thân để có thể làm cha mẹ tốt.
Ví dụ Xuân Nhật hiện tại đang ở giai đoạn nhạy cảm khi bước vào giai đoạn chuẩn bị vào lớp 1, kiểu giống như wonder week của các bé sơ sinh, nên tính cách bé có phần dễ xúc động, hay cáu giận khi không được như ý, gia đình đang cố gắng tập trung vào việc rèn giũa bé trong việc cư xử và kiềm chế cảm xúc.
Tuy nhiên, việc này cũng không dễ dàng, và hiện tại vợ chồng mình cũng đang vừa thực hiện vừa học hỏi và điều chỉnh, vì cũng có lúc con bướng bỉnh mà mình thì mệt mỏi nên không thể nhẹ nhàng và kiên nhẫn như mình mong muốn. Bản thân hai vợ chồng cũng có những nhược điểm của mình, nên mình cũng không thể hy vọng con phải là một em bé hoàn hảo, và mình cũng không đặt ra tiêu chuẩn để áp đặt cho con, gây áp lực cho con. Nhưng với những nhược điểm đã biết, thì cả cha mẹ và con cần cùng cố gắng để khắc phục, làm cho cuộc sống hạnh phúc và tốt đẹp hơn.
- Ngoài khả năng học và dịch tiếng Anh tốt, bé Pooh còn có niềm đam mê đặc biệt với môn học hay nghệ thuật gì không, thưa chị?
Ở thời điểm hiện tại Pooh chuẩn bị vào lớp 1, con đã có thể nghe nói tiếng Anh khá tốt, có thể trình bày ý kiến, mô tả sự vật hiện tượng, kể chuyện bằng tiếng Anh và tiếng Việt, đọc được sách tiếng Anh và tiếng Việt, dịch được những câu đơn giản không quá phức tạp từ tiếng Anh sang tiếng Việt hoặc ngược lại.
Ngoài ra, bé có thiên hướng thích các chủ đề khoa học và lịch sử, như khủng long, vũ trụ, robot. Pooh cũng giống các bạn nhỏ khác, bé cũng thích xem hoạt hình, chơi xếp hình, xem các chương trình giải trí trên Youtube, chơi game trên iPad, tuy nhiên gia đình cũng cố gắng hạn chế thời gian tiếp xúc với thiết bị điện tử của con.
- Trong thời gian sắp tới, chị dự định dạy thêm cho bé những lĩnh vực nào?
Hiện tại gia đình có cho bé đi học thêm toán, học vẽ, và học bơi. Nhưng theo mình thì bé sẽ học được nhiều khi có trải nghiệm thực tế, nên mình cũng cố gắng đưa bé đi du lịch các nơi, một năm vài lần đi dài ngày cùng gia đình, và những chuyến đi trong ngày đến các địa điểm trong Hà Nội và ngoại thành Hà Nội.
Xin cảm ơn chị về những chia sẻ!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet