Các phóng viên tác nghiệp bằng camera số chuyên nghiệp. |
Theo cuộc khảo sát và thăm dò trong tháng qua của Số Hóa, mặc dù chưa phải là máy ảnh thuộc dòng tiên tiến nhất, độ phân giải không phải hàng "siêu cấp", nhưng Canon 1D Mark II và Mark II-N vẫn là hai model được phóng viên nhiếp ảnh Việt Nam ưa chuộng nhất.
"Xịn" hơn nữa thì có Canon 1Ds và 1Ds Mark II với độ phân giải 16,6 và 16,7 triệu điểm ảnh, nhưng những máy độ phân giải cao cũng chưa phải là những model "anh em" phóng viên ảnh chuộng dùng. Phần vì giá còn cao, phần vì một số chức năng không phù hợp với tính chất của báo chí, như tốc độ chụp chậm hơn.
Theo lời một phóng viên chuyên chụp ảnh thể thao, để "chộp" được những khoảnh khắc đẹp cần một chiếc máy ảnh số chuyên nghiệp, tốc độ tối thiểu là 8 hình/giây. Các sự kiện khác thì chỉ cần tới camera có tốc độ 4 - 5 hình/giây là được. Trong khi đó, các phó nháy chụp ảnh dịch vụ thì họ lại quan tâm tới độ phân giải là chính.
Ngoài ra, các model giá phải chăng như EOS 20D, 30D của Canon, D1x, D100, D200 của Nikon cũng được các phóng viên ảnh sử dụng nhiều. Hồ Quang của báo điện tử VTC News và Trường Sơn, báo Thanh Niên sử dụng Canon 20D, còn 30D có Giang Huy, báo Lao Động.
Một số mẫu máy Canon
Phóng viên ảnh Quang Minh là một trong nhiều "thợ săn" sử dụng Canon 1D mark II. |
Theo quan sát của Số Hóa, Canon hiện là hãng máy ảnh được nhiều nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên trong nước sử dụng nhiều nhất. Các phóng viên nước ngoài của các hãng thông tấn AFP, AP, Reuters tại Việt Nam cũng sử dụng nhãn hiệu này.
Phóng viên Hồng Vĩnh, báo Tiền Phong, đã đầu tư trên 100 triệu đồng để chuyển sang Canon 1D Mark II N. Còn Việt Dũng, báo Tuổi Trẻ là một trong số ít người sử dụng Canon EOS 5D. Chiếc máy này có lớp vỏ hợp kim Magie và màn hình 2,5 inch; 12,7 triệu điểm ảnh, CMOS siêu phân giải, chụp full-frame tốc độ 3 hình/giây, chất lượng ảnh đẹp, nhưng lại không được giới chụp hình "mê mẩn".
Canon EOS 1D Mark II N (8,2 Megapixel) vốn được nâng cấp từ EOS 1D Mark II được dân trong nghề đánh giá là phù hợp với công việc của phóng viên ảnh bởi tốc độ cực nhanh. Máy cho phép chụp liên tiếp 8,5 hình/giây, màn hình 2,5 inch dễ xem lại chi tiết trên tấm hình. Khi Mark III chưa ra đời, Mark II N đã được nhà sản xuất mệnh danh là máy ảnh D-SLR nhanh nhất thế giới.
Canon Mark III xuất hiện và được nhiều người quan tâm đúng như dự đoán. Máy được trang bị bộ cảm biến 10,1 Megapixel, tốc độ chụp liên tiếp lên tới 10 bức/giây, hệ thống lấy nét tự động 45 điểm và lựa chọn theo 19 vị trí cấu hình khác khau, đảm bảo cho những hình ảnh thời sự nóng hổi mà phóng viên cần ghi lại không mất một chi tiết nào. Tuy nhiên, do còn mới mẻ nên vẫn chưa nhiều "thợ săn" tính đến loại máy này.
Nikon cao giá
Tốc độ chụp của máy là một yếu tố quyết định bức ảnh đẹp. |
Cũng là dòng chuyên nghiệp, Nikon D2x có chất lượng ảnh với độ nét rất cao, màu sắc tươi và rực rỡ không kém dòng 1D của Canon. Độ phân giải cao (12,2 Megapixel) , tốc độ 5 hình/giây. Với loại camera có giá hơn 3.000 USD này, số lượng phóng viên ảnh sử dụng không nhiều.
Với dòng máy mức giá trung bình của Nikon, D200 được đánh giá là hợp lý nhất. Máy được trang bị cảm biến ảnh CCD 10,2 Megapixel và cho ra những tấm hình với màu sắc và khả năng phơi sáng đều chính xác đến ấn tượng. Khá nhiều cựu phóng viên ảnh sử dụng D200 cho việc sáng tác phong cảnh nghệ thuật. Nhiếp ảnh gia Minh Đạo, cựu phóng viên Thông tấn xã Việt Nam mới đây "tậu" chiếc máy có giá 1.280 USD này để tiếp tục sự nghiệp.
So sánh camera của hai "đối thủ" Canon và Nikon, phóng viên ảnh Hữu Nghị, báo Hà Nội Mới tin chiều, người từng nhiều năm sử dụng Nikon D2x nhận xét, "điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất ở Nikon là hình dễ bị "lốp sáng" và "bệt", nhất là những phần trắng. Với Canon thì rất dễ chỉnh màu, có thể tăng contrast lên mà các chi tiết trên ảnh không bị mất đi".
Hoàng Hà
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet