Ngày 17/3 vừa qua, khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một trường hợp bé gái 10 tháng tuổi (Hoàng Mai, Hà Nội) được đưa vào cấp cứu trong trạng thái toàn thân tím ngắt, ngừng thở, ngừng tim. Các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu, ép tim, đặt nội khí quản liên tục trong 1 giờ đồng hồ nhưng không thể cứu được cháu bé.
Theo người nhà bệnh nhi, bé gái này mấy hôm nay đang bị rối loạn tiêu hóa, có nôn trớ. Sáng 17/3, bé được mẹ cho nằm bú bình. Bé vừa ngủ, vừa bú hết một bình sữa. Thấy con ngủ yên, người mẹ ra khỏi phòng làm việc, chuẩn bị cháo cho con. Sau một hồi lâu không thấy trẻ trở mình, o oe người mẹ mới vào để đánh thức con dậy. Vào đến nơi, trẻ đã toàn thân cứng đờ, người tím tái, người mẹ mới vội bế con lao ra gọi taxi đưa trẻ đến bệnh viện.
Câu chuyện đau lòng về bé 10 tháng tuổi ở Hà Nội tử vong khi đang bú bình một lần nữa cảnh báo cha mẹ về thói quen nguy hiểm này. Trẻ bú nằm sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xấu đe doạ sức khoẻ và thậm chí là cả tính mạng
Nguy cơ trào ngược dạ dày
Trẻ bú nằm có thể gây trò ngược thực quản (ảnh minh hoạ Sg.theasianparent.com)
Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh xảy ra khi thức ăn của trẻ đi ngược từ dạ dày lên thực quản, thay vì đi theo chiều tự nhiên từ thực quản xuống dạ dày. Nguyên nhân có thể do dạ dày của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, hệ tiêu hóa chưa ổn định và do tư thế cho trẻ bú chưa đúng. Trong đó, việc trẻ nằm bú là một trong những nguy cơ có thể gây tình trạng này.
Với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, một vài tháng đầu đời, hội chứng trào ngược (hay còn gọi là nôn trớ) khá phổ biến, nhất là khi trẻ ăn hay bú quá no. Đây được gọi là nôn trớ sinh lý, không đáng ngại. Nhưng nếu trẻ bị nôn trớ khi nằm mà cha mẹ không phát hiện, thức ăn có thể trào ngược vào đường thở gây sặc.
Ở một số bé, hiện tượng sặc khi trẻ bú nằm chỉ đơn giản là bị ho và khó chịu đôi chút nhưng đôi khi, sặc sữa có thể gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí mất mạng.
Ngứa da
Để con ngủ suốt đêm trên giường với bình sữa có thể gây kích ứng da. Sữa có thể rỉ ra và thường chảy xuống má trẻ. Điều này có nghĩa là bé sẽ nằm ngủ suốt đêm với làn da bị ẩm ướt, kích ứng và ngứa.
Nguy cơ sâu răng
Nhiều cha mẹ thường có thói quen cho con vừa ngủ vừa bú bình vào ban đêm để bé no và ngủ ngon hơn. Tuy nhiên thói quen này rất có hại cho răng của trẻ.
Vào ban đêm, trẻ thường ngủ kéo dài khoảng 8 – 10 giờ, thời gian này chỉ có một lượng nhỏ nước bọt được tiết ra, do đó dưới tác động của các chất đường từ trong sữa hay các chất ngọt lắng đọng lại trên răng sẽ làm phá hủy men răng một cách nhanh chóng.
Hậu quả là các răng phía trước hàm trên của bé thường có những lỗ sâu lớn màu đen sẫm hoặc có thể bị phá hủy dần rồi gãy ngang.
Có khả năng bị viêm tai giữa
Trẻ bú nằm có thể làm tăng nguy cơ về các bệnh nhiễm trùng tai, viêm tai giữa. Nguyên nhân là do ở tư thế nằm ngang, sữa có thể chảy ra ống tai và đọng lại tại đó. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ không thể tự lật lãy hay nằm ăn sữa một mình không có người lớn quan sát.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet