Nói chuyện với bạn bè, chị Hồng Ngân (Yên Ninh, Hà Nội) giật mình khi bé Gà (15 tháng) chưa biết ngồi bô, trong khi con cái nhà khác đã biết “ị bô”. Ai cũng bảo chị rằng: “Làm thế là Gà lười đấy”.
Về nhà chị cũng lên kế hoạch luyện bô cho con nhưng Gà chẳng chịu. Khi thấy con đánh rắm “bíp bíp”, chị lục đục vác bô vào y như rằng Gà chạy loạn nhà. Lo lắng con bị thiếu hụt kỹ năng, chị đến gặp chuyên gia về nhi, tại đây các chuyên gia khuyên “nên tập bô khi con 2 tuổi là tốt nhất”.
Chọn thời điểm thích hợp
Khi bắt đầu cho con luyện tập với bài tập này, bố mẹ cần để ý xem con đã hoàn thành đầy đủ những kỹ năng sau chưa?
- Bé đã biết gọi người lớn khi có nhu cầu muốn đi vệ sinh chưa?
- Bé đã biết tự cởi quần mà không cần nhờ tới sự giúp đỡ của bạn?
- Bé có thể tự ngồi xuống bô và đứng lên hay chưa?
Tất cả những việc này giúp bài tập ngồi bô của bé trở nên suôn sẻ hơn rất nhiều.
Mua sẵn bô đặt trong nhà tắm
Hình ảnh cái bô xinh xinh, khác biệt với “bô của bố mẹ” sẽ khiến bé thấy mình đặc biệt. Bạn nên để sẵn một cái bô trong buồng tắm một vài tháng trước khi bắt đầu cho con tập để con làm quen với chiếc bô. Nhiều chị em cho rằng, việc làm này khiến bé thấy thinh thích và ngẫu nhiên đòi sử dụng.
Chọn bô thích hợp
Bố mẹ nên lưu ý chọn bô thích hợp, dễ ngồi cho con. Với bé trai thuận tiện hơn cả nếu bạn mua bô có thiết kế có phần chặn ở trước để nước tiểu không bị bắn ra ngoài.
Mối liên hệ giữa nhà vệ sinh và “cái bô”
Phụ huynh nên giúp bé hiểu mục đích của nhà vệ sinh và tầm quan trọng của việc ngồi bô. Chị Liên Hoa (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Bé Xuân Mai nhà mình khá bướng, dù đã 2,5 tuổi nhưng bé chẳng chịu ngồi bô, toàn bắt mẹ phải bế lên ‘xi’. Trước thì mình chiều con nhưng khi cả mẹ và con nhận thức được rằng ‘3 tuổi đi nhà trẻ sẽ chẳng có cô giáo nào bế Mai đi bô’ thì mình buộc lòng phải lên chiến thuật ép con ngồi bô”.
Hàng ngày, chị thủ thỉ với con rằng “ngồi bô mới là người lớn, bạn bè mới không lêu lêu”. Dần dần những lời chị nói cũng xuôi lòng con.
Khen ngợi bé đúng lúc
Bạn cần nhắc con về thói quen đi bô đúng nơi, đúng lúc. Tuy nhiên bạn không nên bắt con phải tuân theo khi bé chưa đủ hào hứng với việc này. Bé phản đối đôi khi vì còn ham chơi.
Bạn nên tuân theo quy tắc: khen ngợi những sự hợp tác của bé và nếu bé “lỡ”, bạn chỉ nên phân tích nhẹ nhàng cho bé: “Con thấy không? Nếu ngồi bô con đã không bị bẩn người nhé”.
Trong quá trình làm quen, đôi khi sẽ xảy ra “sự cố”, bạn không nên la mắng, trách móc, đánh bé. Nếu bạn phản ứng một cách thái quá, bé sẽ sợ hãi và không chịu hợp tác chuẩn với bố mẹ. Nhiều bé bướng bỉnh còn cố nhịn tiểu, điều này càng khiến quá trình “luyện bô” của con kéo dài và không thành công như mong đợi.
Bài hát ngồi bô
Chị Hà My (Vũng Tàu) nhớ lại, khi bé Hà Minh nhà chị tròn 2 tuổi, chị bắt đầu tập bô cho con, “trộm vía” công việc này rất suôn sẻ, 1 tuần sau bé đã biết chủ động ngồi rất ngoan.
Chị bật mí: “Giống như khi con còn bé xíu, mình cứ ‘xì xì’ thì bé đi vệ sinh. Khi con lớn hơn, mình chọn bài ‘chú ếch xanh’. Thế là cứ khi nào con đòi ‘bô bô’, mình lại ca bài này thế là bé hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Ngoài ra, để việc này thành công ngoài mong đợi phải kể tới việc chị rất kịp thời khen ngợi mỗi lần bé ngồi bô đúng cách: “Mình đều đem chiến tích của con khoe với chồng, người thân. Bé hãnh diện lắm”.
Cuối cùng nên nhớ rằng, mỗi bé có một tốc độ phát triển khác nhau, cha mẹ cần hiểu con và tập luyện theo tốc độ của con, đó chính là chìa khóa để thành công.