Thạc sĩ - chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy cho rằng, giai đoạn 0-6 tuổi có ý nghĩa quan trọng, quyết định đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Đây là khoảng thời gian phát triển nhanh nhất của não bộ, bé sẽ dần hòa nhập vào xã hội để học hỏi, khám phá thế giới xung quanh. Cách tốt nhất để dạy trẻ ở tuổi này là thông qua trò chơi. Các trò chơi giữa cha mẹ và con sẽ giúp trẻ phát triển cơ thể, ngôn ngữ, trí tuệ, cảm xúc, kỹ năng hoạt động, ứng xử, quan hệ xã hội và xây dựng tình yêu thương, tin cậy, gắn bó trong gia đình.
Các trò chơi giúp trẻ phát triển cơ thể, ngôn ngữ, trí tuệ, cảm xúc, kỹ năng... Ảnh: Thi Trân. |
Trong giai đoạn trẻ từ 0 đến 6 tuổi, trò chơi không đơn thuần chỉ nhằm mục đích giải trí hoặc để lấp đầy thời gian. Tùy vào điều kiện về mặt không gian, thời gian mà cha mẹ có thể thiết kế các loại trò chơi khác nhau cho con tham gia như trò chơi vận động, sáng tạo, mô phỏng, khám phá…
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại đồ chơi trẻ em với đủ thể loại, màu sắc, hình dáng, chất liệu, giá cả… Giữa “mê cung đồ chơi” đó, cha mẹ cần lựa chọn món đồ phù hợp với con của mình và đảm bảo các tiêu chí sau:
- Nguyên liệu dùng làm đồ chơi không gây độc hại, hình dạng không góc cạnh và không nên có những bộ phận tách rời khiến bé dễ nuốt vào và bị hóc sặc.
- Đảm bảo vệ sinh, cấu tạo chắc chắn, an toàn, dễ rửa sạch.
- Đồ chơi phải thật sự giúp trẻ phát triển tối ưu các giác quan như thị giác, thính giác, xúc giác… thông qua màu sắc, âm thanh, hình dạng để tạo sự hấp dẫn đối với các em.
- Màu sắc căn bản thích hợp là đỏ, xanh lơ, vàng, xanh lá cây. Đây là những màu sắc dễ lôi cuốn trẻ. Âm thanh phát ra từ các món đồ chơi cũng khiến bé cảm thấy thích thú, tuy nhiên âm thanh quá lớn sẽ ảnh hưởng đến thính lực của trẻ.
- Đồ chơi treo trước mặt trẻ (đối với bé dưới 3 tháng tuổi) phải thường xuyên thay đổi vị trí, tránh để bé nhìn quá lâu vào một điểm hoặc một hướng.
- Đồ chơi phải có tính thẩm mỹ, hình dạng sinh động, có thể tạo hứng thú say mê và phát triển trí tưởng tượng cho trẻ. Đồ chơi càng hấp dẫn thì càng kích thích các giác quan của trẻ phát triển.
Một số lưu ý khi chọn mua đồ chơi:
- Phù hợp độ tuổi, giới, cân bằng cá tính.
- Lớn hơn miệng trẻ.
- Không quá to, nặng.
- Các bộ phận được lắp chặt với nhau.
- Không có dây và nam châm.
- Làm từ chất liệu nhựa và sơn an toàn.
- Không có cạnh sắc.
- Pin khó tháo rời.
- Có tem đảm bảo chất lượng.
Tốt nhất cha mẹ nên cùng con tự làm đồ chơi. Việc vừa làm vừa chơi sẽ giúp trẻ kích thích tính sáng tạo và sự kiên nhẫn. Các món đồ chơi tự làm sẽ là vật lưu giữ kỷ niệm đẹp của con, vừa giúp tiết kiệm chi phí.
Phụ huynh có thể lên các website hoặc đọc sách để tìm hiểu về cách chế tạo đồ chơi làm từ vỏ đồ hộp, hộp kem đánh răng, hộp bán. Đồ chơi cũng có thể làm bằng vật liệu trong thiên nhiên như làm chong chóng lá dừa, xếp lá dừa thành con châu chấu, đồng hồ, mắt kính, vòng đeo tay, quấn lá chuối thành kèn; nặn con trâu bằng đất sét…
Thi Trân
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet