Sáng sớm ngày 30/5/2014, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử hồ ngọc nhờ về tội Giết người. Khi viện dẫn từ xe bít bùng xuống, nước mắt lăn dài trên đôi má. Đặc biệt, thấy người mẹ nghèo khổ đang khóc, Nhờ bỗng nức nở. Miệng Nhờ mấp máy nhưng không thành tiếng.
Phiên tòa bắt đầu, hàng chục phóng viên chụp hình khiến Nhờ sợ hãi. Nhờ lấy tay che mặt với mong muốn tránh xa những ống kính. Mặt Nhờ tái nhợt khi được chủ tọa gọi tên. Sau khi viện kiểm sát công bố cáo trạng, chủ tọa xét hỏi nhân thân, HĐXX bắt đầu bước vào phần xét hỏi.
Chủ tọa: Bị cáo nhận thấy cáo trạng truy tố mình tội giết người có đúng không?
Bị cáo Nhờ: Dạ đúng.
Chủ tọa: Nội dung cáo trạng có đúng với hành vi bị cáo gây ra không?
Bị cáo Nhờ: Dạ đúng.
Chủ tọa: Bị cáo trình bày lại tội trạng của mình?
Bị cáo Nhờ: Tôi thuê phòng trọ tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM để ở và nhận giữ trẻ cho các công nhân. Sáng ngày 16/11/2013, chị Võ Thị Huyền (26 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) đưa con trai là cháu Đỗ Nhất Long (18 tháng tuổi) đến phòng trọ của tôi. Tôi cho cháu Long ăn nhưng cháu khóc. Muốn dọa cháu Long, tôi cầm tay chân cháu nhấc lên nhưng không ngờ bị tuột khỏi tay làm cháu rơi xuống nền nhà. Thấy cháu Long khóc to hơn, tôi tiếp tục đạp cháu rồi bỏ ra ngoài. Khoảng 20 phút sau, tôi quay lại, thấy cháu Long nằm bất động trên sàn nên đưa cháu đi cấp cứu nhưng cháu đã tử vong do đa chấn thương.
Nhờ luôn khóc trong suốt phiên tòa
Chủ tọa: Lời khai của bị cáo không được trọn vẹn như tại cơ quan điều tra. Vậy, lời khai tại cơ quan điều tra có đúng không?
Bị cáo Nhờ: Dạ đúng.
Chủ tọa: Khi cháu Long khóc, bị cáo làm gì?
Bị cáo Nhờ: Ban đầu, bị cáo dỗ nhưng cháu Long không khóc nên bị cáo dọa.
Chủ tọa: Bị cáo dọa cháu Long bằng cách nào?
Bị cáo Nhờ: Tôi tức giận nên dùng tay phải cầm chân phải, tay trái cầm tay phải của cháu Long rồi đưa lên cao khoảng 90 cm. Lúc này, bị cáo nói: “Tao ném luôn bây giờ, nói không nghe lời gì hết”. Câu nói vừa dứt, tôi bị tuột tay, cháu Long rơi xuống đất, nằm ngửa trên sàn nhà và khóc tó hơn. Tôi gằng giọng: “Khóc hoài. Nín không”. Lúc này, cháu Long vẫn khóc.
Chủ tọa: Sau đó, bị cáo làm gì nữa?
Bị cáo Nhờ: Tôi dùng chân đạp mạnh vào bụng và ngực cháu Long. Sau đó, bị cáo đóng cửa đi vê sinh.
Chủ tọa: Bị cáo bỏ đi vệ sinh chừng bao lâu?
Bị cáo Nhờ: Tôi bỏ đi chừng 20 phút.
Chủ tọa: Khi bỏ đi, bị cáo có nhờ ai trông giúp cháu Long không?
Bị cáo Nhờ: Dạ không.
Chủ tọa: Lúc cháu Long bị ngã xuống đất, bị cáo có xem xét cháu bị gì không?
Bị cáo Nhờ: Dạ không.
Chủ tọa: Khi đã tuột tay, làm cháu Long bị té, đáng nhẽ bị cáo phải hối hận. Tại sao lại dùng chân đạp tiếp vào người nạn nhân hai cái nữa?
Bị cáo Nhờ: Cúi gầm mặt.
Chủ tọa: Bị cáo có biết tại sao cháu Long khóc không?
Bị cáo Nhờ: Tôi không biết. Đang ngồi, bỗng dưng cháu Long khóc.
Chủ tọa: Bị cáo có không xem xét tại sao cháu Long khóc sao?
Bị cáo Nhờ: Dạ không.
Chủ tọa: Tại sao bị cáo không nghĩ, khi mình cho ăn, cháu Long bị đau bụng hay bị gì đó?
Bị cáo Nhờ: Im lặng.
Chủ tọa: Bị cáo có đăng ký giữ trẻ tại cơ quan chính quyền không?
Bị cáo Nhờ: Bị cáo không biết.
Chủ tọa: Bị cáo có đi học lớp nâng cấp trình độ giữ trẻ không?
Bị cáo Nhờ: Dạ không.
Chủ tọa: Bị cáo cũng có con gần bằng tuổi cháu Long. Có khi nào bị cáo đánh con mình không?
Bị cáo Nhờ: Dạ không.
Chủ tọa: Bị cáo không đánh con mình. Tại sao bị cáo lại đánh con người khác một cách tàn độc như thế?
Bị cáo Nhờ: Cúi đầu im lặng.
Theo hồ sơ vụ án, Nhờ chưa đủ 18 tuổi nên mời mẹ đến làm giám hộ hợp pháp. Mẹ của Nhờ không nhớ con mình sinh vào năm nào. Bà chỉ nhớ, vài năm sau khi sinh thì mới đi làm khai sinh cho con. Khi chủ tọa hỏi, sau khi vụ án xảy ra có đến thăm hỏi gì gia đình chị Huyền không, bà bảo: “Tôi nghèo quá, ở quê nên không biết”. Chủ tọa tức giận: “Năm nay bà đã 63 tuổi mà bà không biết điều. Vụ việc xảy ra, ít ra, bà cũng phải đến thăm hỏi nhà người ta chứ?”.
Được mời lên thẩm vấn, chị Huyền đôi mắt đỏ au cho biết, tiền lo viện phí cho cháu Long hết 12 triệu đồng. “Mọi chuyện đã xảy ra rồi, chúng tôi không muốn làm mọi chuyện rối thêm. Chúng tôi chỉ muốn yêu cầu bồi thường 100 triệu đồng thiệt hại về tinh thần”.
Nhờ phải nhận mức án 18 năm tù giam về tội ác đã gây ra
Bào chữa cho Nhờ, vị luật sư cho biết gia đình bị cáo rất muốn khắc phục thiệt hại, hậu quả nhưng do hoàn cảnh rất khó khăn nên chưa thể bồi thường được. Luật sư cho rằng, Nhờ vẫn có tình thương đối với trẻ, nên khi phát hiện Long bất tỉnh, bị cáo đã kêu nhờ mọi người đưa đến bệnh viện. Bên cạnh đó, bị cáo cũng đã đi theo đến bệnh viện. Bị cáo biết hành vi mình sai trái nên không bỏ trốn. Từ những điều này, luật sư mong HĐXX cho bị cáo được nhận sự khoan hồng của pháp luật.
Được nói lời sau cùng, Nhờ nức nở: “Bị cáo xin lỗi gia đình chị Huyền, mong gia đình chị Huyền tha thứ. Bị cáo mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật để sớm trở về làm lại cuộc đời, để nuôi con còn nhỏ”.
Sau giờ nghị án, HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Mặc dù bị cáo có một số tình tiết giảm nhẹ như lần đầu phạm tội, thành khẩn khai báo, chưa tiền án tiền sự nhưng vì hành động quá tàn ác nên cần có mức án nghiêm khắc. Tuy nhiên, theo giấy khai sinh, bị cáo sinh năm 1995, khi phạm tội đang ở độ tuổi vị thành niên nên Tòa quyết định tuyên 18 năm tù giam (mức án cao nhất đối vớ người ở tuổi vị thành niên) về tội Giết người. Khi vừa nghe tòa tuyên mức án, Nhờ ngã quị, nước mắt dàn dụa.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet