Về học tập, cháu lúc nào cũng được cô giáo khen và luôn đứng đầu lớp. Nhưng tôi không hiểu vì sao khi vui chơi và hoạt động cùng các bạn, cháu luôn bị thiệt thòi.
Gần đây tôi thấy cháu còn có tật đãng trí, chẳng hạn: Khi con đang chơi điện thoại, tôi bảo cháu đưa cho bố thì con lại để xuống và làm việc khác. Tôi hỏi cháu có nghe bố nói gì không thì cháu lại nhắc lại câu không đúng với câu tôi nói. Tôi hoang mang quá, không biết làm thế nào. Tôi sợ đang tuổi này mà không có phương pháp đúng thì sẽ làm hỏng cháu. Mong được chuyên gia và mọi người góp ý. (Đức)
Ảnh minh họa: Sheknows. |
Trả lời
Chào bạn,
Như bạn chia sẻ, con gái của bạn đang bước vào giai đoạn tuổi dậy thì. Trong độ tuổi này, cháu có những thay đổi nhất định về hình thể và tâm lý. Trong lớp học, cháu lúc nào cũng được cô giáo khen và luôn đứng đầu lớp, đây là một điều rất tốt với cháu. Nhưng trong quá trình cháu vui chơi và hoạt động cùng các bạn thì cháu luôn thiệt thòi. Về vấn đề này bạn không chia sẻ rõ ràng nên chúng tôi chưa biết được là cháu thiệt thòi như thế nào. Theo phỏng đoán của chúng tôi, có thể cháu hay nhường nhịn và bị các bạn lấn lướt?
Nếu là điều này thì bạn không nên quá lo lắng bởi vì điều đó giúp cho con biết nhường nhịn và vươn lên trong cuộc sống. Việc một số bố mẹ muốn cầu toàn với con cái, sao cho trong mọi hoạt động con mình phải luôn đứng đầu, phải thông minh hơn bạn khác không hẳn là điều tốt. Việc cháu có thể nhường bạn hay để các bạn lấn lướt chút không vấn đề gì. Quan trọng là trong hoạt động và vui chơi cháu cảm nhận được sự thoải mái và vui vẻ.
Vấn đề cháu đãng trí như chia sẻ của bạn là điều chúng ta dễ thấy ở các bạn trong độ tuổi này. Việc phát triển sinh lý cũng như tâm lý làm cho các cháu bị phân tán, tập trung vào những sức hút riêng đối với bản thân. Vì vậy, để hạn chế việc con mất tập trung, bạn có thể nhắc lại câu hỏi, hoặc trước khi đặt câu hỏi, bạn hãy thu hút sự chú ý của con vào nội dung câu chuyện, chia sẻ quan điểm học tập, lối sống... để rèn luyện khả năng giao tiếp với con.
Trong độ tuổi này, bạn nên cố gắng gần gũi, làm bạn với con, trong mọi việc đều cần hướng dẫn con dần dần để tạo sự hòa hợp trong giao tiếp với con, hướng con phát triển một cách toàn diện. Chúc bạn thành công trong việc chăm sóc con cái.
Chào thân ái!
Thạc sĩ tâm lý học Tạ Thị Thu Huế
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet