Cách đây gần tròn 9 năm, khi mẹ đã “bụng to vượt mặt”, mẹ hay thủ thỉ với con đang đạp nhiệt tình rằng: “Này con trai yêu quý ơi, tháng mười đẹp lắm, nhà mình nhiều người sinh nhật tháng mười. Con hãy nhanh chào đời con nhé!”
Thế rồi, đúng ngày cuối cùng của tháng mười, bố đưa mẹ vào bệnh viện chào đón một thiên thần.
Chẳng mấy mà con đã tròn 10 tuổi, nhìn con lớn từng ngày, cuộc sống xung quanh thay đổi từng ngày, mà mẹ thấy bao trăn trở
Ăn.
Ai cũng bảo bọn trẻ giờ sướng, ăn ngon mặc đẹp, thịt cá ê hề, đồ Tây đồ Tàu, đồ nguội đồ nhanh, bánh kẹo cháo phở bim bim xúc xích, sữa bột sữa nước sữa chua sữa ngọt... ngập. Các mẹ nhìn trước nhìn sau, sợ con mình thiệt thòi hơn chúng bạn nên khó khăn mấy cũng phải cố cho cái thực đơn của con dài lê thê. Và, chẳng cần biết con thích hay không, lập thời gian biểu cho cái bụng, rồi từ dụ dỗ đến dọa nạt, từ đi rong đến xem quảng cáo, nghe Xuân Mai, cả nhà tổng hô hào như cái chợ vỡ để tống hết đủ thứ gọi là dưỡng chất đó vào cái dạ dày bé tí của con.
Con trai mẹ không ngoại lệ. Từ khi biết ăn, mẹ đổi bữa thường xuyên bột dinh dưỡng với thịt, chim, cá, tôm, cua. Lúc hơn biếti ăn cháo xay thì canh, rau, cá, cơm... bỏ vào máy xoẹt xoẹt ra cái thứ sền sệt, ngầy ngậy; hôm nào thịt thì đỡ, chứ tôm cá thì tanh tanh, lợm lợm,mẹ cũng không dám ăn thử của con. Vậy nhưng con thì phải ăn hết, ép cho bằng hết, cả tô! Giông giống nhồi bánh đúc cho gà vịt ngoài chợ.
18 tháng con đã đi trẻ. Giờ tròn 9 tuổi nhưng có thâm niên 7,5 năm ăn cơm tập thể. Lặp lại điệp khúc phải ăn hết suất. Hàng ngàn học sinh, nấu sao cho đảm bảo vệ sinh, cho ngon, cho nóng? Nhiều lần con kể món cháo không ngon, hay mì tôm nhạt lắm mẹ ạ, nhưng vẫn phải ăn. Cứ là phải ăn cho hết!
Phải ăn, phải ăn, phải ăn. Bữa chính hay bữa phụ, cơm hay cháo, sữa hay trái cây, ở nhà hay ở trường, ngon hay dở, đã bày ra trước mặt thì nhiệm vụ của con là ĂN. Bữa cơm nào mẹ cũng điệp khúc “ăn đi con” “ăn nhanh còn học bài”, rồi “tập trung vào”, thậm chí quát “có ăn đi không”. Dù mẹ không quân phiệt, dù đã kiềm chế, dù biết không nên làm vậy, nhưng…
Thế, làm sao thấy hứng thú, thích ăn và ngon miệng?
Mẹ, ngày bằng tuổi con, cơm không có mà ăn. Giấc mơ tuổi thơ đơn giản là mỗi ngày đi học, đi chăn bò về được ăn cơm không độn, tức là cơm nấu bằng gạo, chứ không phải mở nồi cơm chỉ thấy sắn, ngô hay “khoai khoai toàn khoai”. Nên đến giờ vẫn nhớ vị thơm bùi của miếng tóp mỡ, cái ngọt ngào của cục kẹo dồi và nhớ cảm giác mát lịm của que kem đổi đồ đồng nát ngày đó.
Mẹ chỉ muốn con được sống hạnh phúc và vui vẻ (hình minh họa)
Chơi.
Sinh ra ở phố, con hoàn toàn xa lạ với những trò chơi của mẹ ngày bé ở quê: đánh khăng, đánh đáo, chơi ô, hay thả diều, chơi trận giả, ra bãi đổ dế hay chọi cỏ gà; trèo cây bắt chim hay hái trộm ổi... Mẹ được mặc sức tự do với các trò chơi của mình mà ông bà ngoại không phải theo dõi, quản lý. Không có khái niệm ngủ trưa, thời gian đó dành cho lang thang ngoài vườn hay bì bõm tát mương hoặc chui vào các xó xỉnh chơi trốn tìm.
Giờ, con ra khỏi cửa là phải để mắt trông. Đi 1 bước phải dặn 1 câu: cẩn thận sang đường, coi chừng xe cộ, đề phòng kẻ xấu... đủ thứ nguy hiểm rình rập, lo nơm nớp. Cách chơi tốt nhất là đóng cửa nhốt trong nhà. Thi thoảng được bố mẹ cho dạo phố, siêu thị, thế gọi là đi chơi. May trước nhà mình có khoảng sân nhà văn hóa để tan học con được đá bóng với bạn một lúc. Nếu không thì chỉ “chơi” với phim hoạt hình và game cho mắt lồi ra thôi.
Học
Có phải cách nhau 27 năm nên kiến thức nhiều gấp 27 ngàn lần? Vì thế cái ba lô tri thức oằn xuống lưng đến độ nhiều bạn vẹo cột sống, gãy xương vai. Chưa nói sõi tiếng Việt đã học thêm tiếng Anh; chưa học lớp 1 đã luyện viết chữ đẹp; học thêm các môn phổ thông đến năng khiếu. Nhiều bạn cả ngày ở lớp, tan trường bố mẹ vội vã đưa đi học thêm 2 ca, tận 10h đêm mới về, mới ăn, rồi lại làm bài tập; đi ngủ muộn nên sáng dậy lờ đà lờ đờ, lại hối mau mau, ăn nhanh để kịp đi học...
Mẹ đã cố gắng để giữ tuổi thơ con những năm đầu đi học không bị ám ảnh bởi học và học. Nhưng giờ thì trào lưu, rồi thành tích, rồi thời thế, lôi xềnh xệch mẹ con mình theo. Ai dám bảo con tôi không cần học giỏi, lưu ban cũng được?
Thời tiểu học mỗi buổi mẹ chỉ 1, 2 quyển vở nhẹ hều bỏ chung với cặp của bạn, còn phân công đứa cầm lúc đi đứa xách lúc về; ngày học đúng 1 buổi còn hè thì “xõa” chẵn 3 tháng, không hề biết đến học thêm. Cả trường may lắm được 1-2 bạn học giỏi, cả lớp 1-2 bạn được giấy khen tiên tiến, trung bình là bình thường còn lưu ban là phần không thiếu. Giờ thì cả lớp học sinh giỏi, tiên tiến là thất bại và không hề lưu ban. Thành tích,thành tích, thành tích!
Mấy năm trước, sốt xình xịch cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh, người lớn háo hức đọc, mẹ cũng không ngoại lệ. Mặc dù hơi thất vọng vì tuổi thơ ở đó không “thơ” như mẹ tưởng, nhưng cũng có nhiều thứ đáng để xin quay về. Chạnh lòng nghĩ sau hơn 30 năm nữa, con có muốn trở về tuổi thơ hiện tại của mình? Để bị ép ăn, chơi luẩn quẩn trong nhà và ngốt vì học?
Con trai. Mẹ không nói con đang sướng hay khổ. Lớn lên con sẽ thấy sướng hay khổ còn phụ thuộc vào cảm nhận của bản thân. Còn hiện tại thì đang may mắn con nhé. May mắn có cả đại gia đình, có bố mẹ luôn hết lòng vì con; có ông, bà, các bác, anh chị yêu thương chăm sóc; có 1 đứa em trai để chí chóe, có cuộc sống tạm gọi đủ đầy. Ở nơi kia, các bạn vùng cao không có áo để mặc, không có cơm để ăn, các bạn vùng lũ không có nhà để ở, không có trường để học, nhiều bạn không có chốn để về, không có bố mẹ để được nghe trách mắng... Nên hãy vui và trân trọng những gì đang có con nhé.
Sinh nhật lên 10, cầu mong con khỏe mạnh, học giỏi và khôn lớn.
Thương yêu con nhiều, chàng trai của mẹ!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet