Hiện tại, bé Tít vẫn phải có người đút cơm mới chịu ăn. Thỉnh thoảng, chị Thảo cũng để cho bé tự xúc ăn nhưng Tít chỉ xúc được hai thìa là ngồi chống cằm chơi. Chị sợ con đói lại nhẫn nại ngồi đút. Bữa ăn nào ở nhà chị cũng kéo dài đến cả tiếng. Mẹ ăn xong rồi bắt đầu đút cho bé, còn đầu bữa, bé chỉ ngồi ăn vã vài miếng thức ăn. Ngày nghỉ cuối tuần, nhiều khi vợ chồng đã lên chương trình đi chơi trong thành phố rồi đành phải hủy, vì đợi bé ăn sáng, thu dọn bát đĩa xong thì trời Sài Gòn đã nắng nóng. Ngại nắng, chị lại cho con ở nhà.
Vợ chồng chị cũng dự định sinh thêm con nhưng thấy chăm bé Tít cực quá nên vẫn đang treo kế hoạch. Chị băn khoăn bây giờ sinh đứa thứ hai nữa thì chưa biết xoay xở thế nào. Ngày thường, vợ chồng đi làm, con đi học, buổi tối chỉ mỗi việc ăn uống, rửa chén bát mà đến hơn 21h chị mới được nghỉ tay. Chơi vài phút là đến giờ đánh răng, rửa tay chân và cho con đi ngủ. Chủ nhật, chị quanh quẩn đi chợ nấu nướng ba bữa cơm gia đình là hết ngày. “Mình còn chưa biết sắp xếp thời gian thế nào để dạy bé học chữ nữa, sang năm vào lớp 1 rồi”, chị Thảo lo lắng.
Chị Yến (quận 7, TP HCM) còn bi đát hơn. Sinh hai con gái, một đang học lớp 12, một lớp 8, nhưng tất cả việc cơm nước, dọn dẹp nhà cửa đều do một tay chị quán xuyến. Hôm nào chị có việc về muộn, hai cô con gái sẵn sàng ăn bim bim thay cơm. “May là chúng còn biết tự xúc cơm ăn, không thì chẳng khác gì trẻ con mẫu giáo”, chị than thở. Đến bữa, đợi mẹ sắp sẵn mâm bát, rồi hò như hò đò, hai con gái mới chậm chạp đi từ phòng riêng xuống phòng bếp. Nhiều lúc chị định giao việc cho con làm, nhưng nhìn con lóng nga lóng ngóng, chị lại ngứa mắt đuổi con ra ngoài để mình tự làm.
“Mình làm ù một phát là xong, để hai đứa mân mê thật khó chịu”, chị giải thích. Hai cô bé nghiễm nhiên coi việc nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa là của mẹ, thậm chí đến chuyện ăn của con cũng phải do mẹ giục. Chị Yến thấy hối hận khi cứ làm mọi việc thay con. Tuần trước chị bị cảm cúm, ông xã đi công tác, nhưng vẫn phải nấu nướng vì nếu mẹ không làm thì hai con gái sẵn sàng nhịn đói.
Dạy con biết tự lập, đầu tiên là biết tự ăn, mẹ sẽ nhàn hơn. Ảnh: Khiếu Hoài. |
Trong một buổi gặp gỡ với các phụ huynh của trung tâm TGM, tiến sĩ tâm lý giáo dục mầm non Phan Thị Thu Hiền (giảng viên ĐH Sư phạm TP HCM) kể, khi nuôi dạy con chị luôn đề cao tính tự lập của con. Chị nói đùa: "Mình không phải là một người mẹ chăm chỉ nên việc dạy con tự lập là phương pháp phù hợp nhất. Dạy con tự lập, ban đầu mẹ vất vả hơn là làm hộ con, nhưng về lâu dài mẹ sẽ nhàn".
Ngay từ khi biết cầm thìa, bé đã được dạy cách tự lập trong ăn uống. Chị Hiền hiểu ăn là bản năng, với trẻ em, nếu đặt những gì lên bàn, các bé đều có thể ăn hết. Chị không ép con ăn bằng mọi giá, chỉ cho con ăn đúng giờ và đúng khi bé đói. Chị cho bé ngồi ở bàn ghế tự xúc ăn, có làm đổ cũng được, và bé hiểu phải ăn hết những thức ăn mẹ bày trên bàn ăn, không có chuyện không thích thì không ăn, kể cả hành và ớt. Chính vì vậy, khi con chị nhận được học bổng sang Singapore du học, cháu không hề bị giảm cân hay ốm vì không quen khẩu vị. Dù con không thích thức ăn của nước bạn nhưng vẫn có thể ăn hết, một phần nhờ đã được mẹ rèn cho thói quen ăn được tất cả loại thực phẩm từ khi còn bé.
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Thu Hiền, cả thế giới chỉ có bố mẹ Việt Nam và Trung Quốc là chọn cách ép con ăn, còn ở những nước khác, trẻ ăn tự nguyện. Kết quả cuối cùng là các bé vẫn khỏe mạnh. Bố mẹ Việt Nam và Trung Quốc thường đặt mục tiêu con phải mập, đó là điều không cần thiết và còn có thể tạo cho trẻ tâm thế tiêu cực đối với việc ăn.
Không chỉ trong ăn uống mà với tất cả mọi việc, tiến sĩ Hiền đều đề cao việc tự lập của con: tự ăn, tự chăm sóc bản thân, ngã tự đứng dậy và biết tự quyết định trong các lựa chọn của mình.
Cũng chung quan điểm dạy con biết tự lập thì mẹ sẽ nhàn, trong buổi nói chuyện “Có nên cho con học sớm” mới đây, thạc sĩ tâm lý giáo dục mầm non Nguyễn Thị Thanh Thủy cho rằng các ông bố bà mẹ Việt Nam thường tự làm khổ mình khi quá bao bọc con. Theo bà, ngay khi bé dưới 1 tuổi biết cầm thìa muỗng là bố mẹ có thể tập cho tự xúc. Nhiều gia đình cứ sợ con làm bẩn quần áo, nhà cửa nên kiên trì đút cho con ăn.
Bà Thủy khuyên, thà bố mẹ mất 15 phút dọn dẹp sau bữa ăn của con từ khi còn bé còn hơn sau này mất cả tiếng để cho con ăn. Nếu bố mẹ cứ chiều theo con thì sau này cả nhà biến thành gánh xiếc là chuyện đương nhiên. Nhiều bố mẹ sợ con đói, để đổi lấy một miếng ăn vào bụng trẻ, sẵn sàng làm bất kỳ động tác kỳ quặc nào. Thực ra, ăn uống là bản năng của con người. Nếu đói bé sẽ sẵn sàng ăn, cha mẹ ép con ăn thì đương nhiên sẽ phải chiều theo ý muốn của bé.
Bà cũng nhận xét có sự ngược đời của bố mẹ Việt Nam. Khi con mẫu giáo, bố mẹ không cho con làm bất cứ việc gì, sợ bé làm không được, làm hỏng nên việc gì cũng làm hộ. Đến khi con vào tiểu học, cha mẹ lại nghiễm nhiên cho rằng bé đã lớn và mặc kệ con. Về nguyên tắc, trẻ phải được làm thì mới làm được. Nếu muốn trẻ làm được việc thì bố mẹ phải cho tập làm việc dần dần.
Đôi khi bố mẹ Việt Nam còn tự làm khổ mình do nuôi con theo dư luận, đó là ý kiến của thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Phương. Nuôi con gầy thì sợ người ta chê vụng. Con không chịu ăn, nếu không đút cho con thì sợ người xung quanh bảo là không biết thương con. Cho con đi ra ngoài chơi, nếu bắt con cầm đồ đạc cũng sợ bị nhận xét là “bóc lột” trẻ em. Ở phương Tây, trẻ thường tự phải làm những việc cá nhân của mình, còn tại Việt Nam, bố mẹ vẫn sẵn sàng làm thay con. Chính việc bố mẹ cứ mãi đút cơm cho con ăn khiến bé ngộ nhận rằng ăn là cho bố mẹ chứ không phải cho bản thân bé.
Thạc sĩ Phương cho rằng, nhờ biết giao việc cho con làm mà các bà mẹ phương Tây có nhiều thời gian dành cho bản thân hơn. Có những người nuôi 2-3 đứa con, không có người giúp việc, đi làm công sở, nhưng vẫn có thời gian đọc sách, đi spa... Trong khi nhiều bà mẹ Việt Nam, chăm một đứa con mà lúc nào cũng stress, đầu bù tóc rối bởi đã phải làm thêm cả phần việc của con.
Kim Kim
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet