Cuối tuần rảnh rỗi, vợ chồng mình đưa hai con sang nhà dì út chơi và ở lại ăn cơm. Trong lúc mẹ và bác cuống cuồng lo bữa tối thì hai con gái nhà dì, đứa lớn lớp 6, đứa bé lớp 4 chỉ ngồi ôm tivi, điện thoại, để cho hai anh chị nhà bác dọn dẹp và phụ nấu nướng.
Không vừa mắt, mình bèn nhắc thì bé lớn bảo “Cháu có biết làm gì đâu, toàn mẹ cháu làm hết, cháu động vào mẹ cháu lại mắng”. Mình quay sang khuyên dì thì dì lại bênh “Bảo chúng nó làm thà mình làm cố còn hơn”.
Cái tâm lý “làm cố phần con” chẳng phải là trường hợp hiếm gặp gì, nhất là trong cuộc sống hiện đại khi ba mẹ muốn bù đắp cho con, không muốn con khổ như mình trước kia. Tuy nhiên, khi chiều con như thế vô hình chung ba mẹ lại “tước” mất của con “quyền được lao động và hưởng những lợi ích từ lao động”.
Nghe có vẻ to tát nhưng những điều con học được từ việc nhà nói riêng và giúp đỡ người khác nói chung quả thực giúp con trưởng thành hơn rất nhiều. Thêm nữa, ba mẹ không thể lúc nào cũng kè kè bên con, không thể trong lúc đi công tác mỗi giờ gọi điện về nhắc nhở con một lần. Để tốt cho cả hai, tại sao từ nhỏ ba mẹ không rèn cho con thói quen tự chăm sóc bản thân và giúp đỡ người khác? Như các bé nhà mình, ngoài thời gian học bài, nhà cứ có việc gì là các con tự giác làm. Những việc chưa làm 1 mình được thì con phụ với mẹ. Thế nên nhà mình lúc nào cũng trong không khí rất vui vẻ, thân thiện vì bố mẹ và các con có nhiều thời gian bên nhau hơn, thay vì tan sở là mình phải về và cuống cuồng dọn dẹp.
Việc nhà mẹ đã làm hết nên con chỉ còn biết xem tivi, chơi điện thoại (Ảnh minh họa)
Lợi ích khi cho con làm việc nhà
Lợi ích lớn nhất khi cho con làm việc nhà là giúp con cảm nhận được giá trị tinh thần cũng như vật chất của lao động. Từ đó giáo dục con biết quý trọng thành quả lao động của mình và của người khác. Chính nhờ làm công việc nhà, các con sẽ có cơ hội cơ hội được rèn luyện những kỹ năng sống cơ bản và cảm thấy tự tin hơn.
Ngoài ra, việc ôm trọn công việc nhà sẽ vô tình đã làm mất đi một kênh giao tiếp thân thiện giữa bố mẹ và con cái. Khi cùng làm việc với cha mẹ, trẻ dễ dàng tâm sự cởi mở những chuyện mà các em quan tâm thắc mắc. Qua đó, cha mẹ sẽ hiểu và nắm bắt tâm lý con mình dễ dàng hơn.
Lợi ích cuối cùng là lợi ích cho chính cha mẹ. Đối với những gia đình không thuê người giúp việc, cứ xong việc cơ quan về, cha mẹ lại phải lao đầu vào dọn dẹp nhà cửa giường chiếu, lau chùi bàn ghế, chưa kể chuyện chợ búa, cơm nước. Mệt mỏi, cha mẹ lại đâm ra cáu gắt, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình. Do đó, khi để con giúp việc nhà, cha mẹ sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi, bớt được cảnh về nhà còn mệt hơn đi làm.
Rèn con làm việc nhà thực ra không hề khó khăn như nhiều mẹ nghĩ. Mình không bao giờ phải ép, phải quát tháo các con để chúng tự giác quét nhà, rửa bát hay dọn dẹp cả. Nhất là mình cũng không phải dùng tiền để "dụ" con làm việc nhà như nhiều mẹ khác. Các con hoàn toàn tự giác, tự nguyện và chăm chỉ làm tất cả mọi việc chúng có thể làm. Để "rèn" con được như vậy, mình chẳng cần "bí kíp" gì đặc biệt, chỉ đơn giản là áp dụng 4 điều dưới đây:
Cho bé làm việc nhà - Lợi cả mẹ lẫn con (Ảnh minh họa)
4 “không” khi cho bé làm việc nhà
Không đòi hỏi sự hoàn hảo
Không có ai là hoàn hảo cả, trẻ con cũng thế. Do đó, cha mẹ không nên trông chờ vào sự hoàn hảo khi con làm việc nhà. Không những thế, cha mẹ còn phải chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra lúc đầu do các con chưa quen việc, chẳng hạn như gây ra những hư hỏng ngoài ý muốn, kết quả chưa được như ý. Vì vậy, thời gian đầu, tốt nhất cha mẹ nên cùng làm với con, hướng dẫn con cách làm chứ đừng chỉ giao việc cho con rồi chờ kết quả.
Không trì hoãn
Không phải ngẫu nhiên mà ông bà ta có câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Mỗi lần bố nhờ hoặc sai con làm việc gì, không ít mẹ nói ngay rằng: “Nó mới bé như cái kẹo thì biết làm gì mà anh sai nó”. Với mẹ, con lúc nào cũng bé nhỏ còn việc nhà thì để đợi đến khi nào con “lớn hơn cái kẹo” rồi tính.
Tuy nhiên, thực tế con đã sẵn sàng hơn mẹ nghĩ. Việc nhà con có thể làm rất phong phú, có rất nhiều việc phù hợp với độ tuổi của con. Nếu con còn nhỏ, chưa thể chăm em, làm việc bếp, nấu ăn thì con có thể giúp mẹ gấp quần áo, thu dọn đồ chơi...
Nếu con còn nhỏ, chưa thể chăm em, làm việc bếp, nấu ăn thì con có thể giúp mẹ gấp quần áo, thu dọn đồ chơi... (Ảnh minh họa)
Không ki bo lời khen
Để tạo động lực cho con, đặc biệt là với những bé còn nhỏ, cha mẹ không nên kiệm lời khen. Không cần phải đợi đến khi xong việc mà cha mẹ có thể khen ngợi và khuyến khích ngay khi con đang làm. Những câu như “Bánh Rán của mẹ giỏi quá, gấp sắp xong quần áo của bố mẹ rồi” chắc chắn sẽ tạo cho con rất nhiều động lực, giúp con hoàn thành nhiệm vụ.
Không dùng tiền dụ con
Khi được hỏi có nên hay không việc trả tiền công cho con mỗi lần con giúp việc nhà, phần lớn các chuyên gia tâm lý trẻ em đều cho rằng không nên. Cho con làm việc nhà là để giúp con rèn luyện tính trách nhiệm và học hỏi các kỹ năng sống cơ bản chứ không phải để giúp con kiếm tiền.
Tuy nhiên, vẫn có không ít cha mẹ lại nghĩ rằng cho con tiền thì con sẽ có thêm động lực làm việc. Thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Mỗi lần làm xong việc mẹ cho con tiền sẽ khiến nảy sinh trong con suy nghĩ “làm thì có tiền, không nhận tiền thì không phải làm”.
Thêm vào đó, khi được chu cấp đầy đủ, nhu cầu tự tiêu tiền của con gần như là không có, hoặc có thì con cũng đã có tiền mừng tuổi, tiền ông bà, cô chú hai bên cho. Do đó số tiền lẻ mẹ trả công con lau nhà không thể hấp dẫn bằng một ván chơi games online của con với đám bạn cùng lớp hay lôi con ra khỏi cuộc chat với bạn nào đó trên facebook.
Hi vọng rằng với những chia sẻ của mình, các mẹ sẽ thành công hơn trong việc rèn cho con những khái niệm, thói quen đầu tiên về lao động. Nhất là tránh được cảnh: “mẹ đi công tác xa thì con biết sống sao”.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet