Tất tần tật mọi thứ trong cuộc sống đang ngày càng được hiện đại hóa, gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của cntt đã khiến nhiều bạn trẻ có tư tưởng yêu thích và quyết tâm theo học CNTT, nhưng CNTT không dễ “xơi” như bạn nghĩ.
Yêu thích chỉ là sự khởi đầu
Cuộc sống đang tiếp nhận sự chuyển biến mạnh mẽ của công nghệ. Các thiết bị hiện đại ngày một thông minh, đa tính năng hơn, đó là thành quả của sự sáng tạo không ngừng của con người. Những hình ảnh này hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày đã tạo nên một cái nhìn thích thú cho các bạn trẻ. Từ đó, sự tò mò và ham mê tiếp cận, mong muốn tìm hiểu cái mới sẽ dẫn dắt các bạn trẻ đến với CNTT, đặc biệt là những học sinh đang trên ghế nhà trường.
Học công nghệ thông tin: Dễ hay khó?
Hoàng Tuấn (Tân SV của Trường ĐH CNTT TP.HCM) cho biết: “Hồi còn học THPT, em thường chơi game Audition, Võ Lâm Truyền Kỳ và nhiều trò khác. Em thấy game có sự cuốn hút mạnh mẽ. Và em muốn theo học CNTT để hi vọng sau này trở thành một nhà lập trình game”.
Qua đó cho thấy, xác định đi theo con đường CNTT thì chắc chắn các bạn trẻ đã phải có sự yêu thích làm tiền đề. Thế nhưng, để có thể theo đuổi được ước mơ nghề nghiệp thì còn nhiều yếu tố khác.
Ngọc Diễm (SV năm nhất Trường CĐ Phát Thanh Truyền Hình II) là một cô gái trẻ yêu thích CNTT, chia sẻ: “Lúc nộp hồ sơ thi ĐH, em có nói với bạn bè là em thích CNTT, nhưng sau một thời gian bạn bè góp ý và suy nghĩ kỹ lại thì em chọn báo chí”. Được hỏi về lý do yêu thích CNTT, Diễm cho biết thêm: “Vì em thích ứng dụng của CNTT trong làng giải trí, như nghe nhạc trực tuyến, mạng xã hội,… nên em muốn học CNTT để làm việc ở các lĩnh vực trên. Nhưng tự nhận thấy không thích hợp với bản thân nên em đã chọn học báo chí - cũng ít nhiều có liên quan đến CNTT”.
Phải có khả năng tư duy, chăm chỉ, ngoại ngữ tốt
Học CNTT không phải là một ngành học có thể chạy theo “mốt”, mà nó đòi hỏi người học phải có niềm đam mê và khả năng tư duy tốt. Nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNTT ở Việt Nam trong những năm tới là rất lớn, nhưng đòi hỏi phải có chất lượng cao.
Yêu cầu đầu tiên khi tuyển dụng của ngành CNTT là sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, cộng với khả năng cập nhật công nghệ (chịu khó đọc tài liệu trên mạng, thường xuyên tham gia các hội thảo công nghệ để nâng cao hiểu biết), và có những kỹ năng cá nhân, lẫn chuyên môn (làm việc nhóm, phân tích, đánh giá,…).
Các bạn học sinh phải nhận thức được rằng, không phải ai theo học CNTT cũng có thể kiếm được việc làm đúng nghề, đúng chuyên ngành được đào tạo. Chỉ những ai có khả năng (kỹ thuật, ngoại ngữ) thì mới có công việc tốt. Bên cạnh đó, ngành CNTT còn đỏi hỏi trình độ Toán xuất sắc và đầu óc tư duy tốt.
Theo Thạc sĩ Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Sự thành đạt trong ngành CNTT không phụ thuộc nhiều vào bằng cấp. Ở Việt Nam, nhiều người thành công trong lĩnh vực CNTT nhưng lại không phải là cử nhân hay kỹ sư CNTT, trong khi đó, nhiều người được đào tạo khá bài bản nhưng khi tốt nghiệp lại phải chuyển nghề”.
Học đến “trầy da tróc vẩy”
Xác định ngành học và trở thành sinh viên CNTT tại các Trường ĐH, CĐ chỉ mới là sự khởi đầu tương đối suôn sẻ, còn sau đó là cả một chặng đường đầy chông gai. Khi bước vào giảng đường ĐH, các bạn SV cần phải học tập không ngừng nghỉ. Nếu so sánh với ngành Tài chính ngân hàng, Kế toán, Marketing hay Báo chí,… thì CNTT luôn đòi hỏi rất cao ở SV khả năng tự học, tự tìm hiểu, nâng cao kiến thức và khả năng tư duy logic.
Theo đó, CNTT thường được chia thành các chuyên ngành như Mạng máy tính & Viễn thông, Khoa học máy tính, Công nghệ phần mềm, Hệ thống thông tin. Dù chọn chuyên ngành nào thì lượng kiến thức trong sách vở, giáo trình của nhà trường chắc chắn sẽ không bao giờ là đủ cho một cử nhân CNTT. Vì vậy, SV CNTT phải tự ý thức được ngành mình học có đặc thù riêng, bản thân phải có trình độ thật sự thì mới hi vọng thành công.
Hơn nữa, môi trường học tập trên giảng đường ĐH nói chung và CNTT nói riêng có đặc thù tự học là chính. Đặc biệt với các môn chuyên ngành CNTT, giảng viên thường giới thiệu sơ về một vấn đề và yêu cầu các SV lập nhóm, tự tìm hiểu đề tài, triển khai các ứng dụng hoàn chỉnh, còn giảng viên sẽ chỉ đứng sau hỗ trợ khi SV cần. Cách học này giúp phát huy tối đa khả năng tư duy, tự học, làm việc nhóm của SV.
Nếu SV biết học tập theo đúng chương trình, biết mở rộng những vấn đề đã học được, cũng như chăm chỉ tìm kiếm những kiến thức mới thì chắc hẳn sau 3 đến 4 năm ở giảng đường ĐH, CĐ sẽ có đủ hành trang để đi làm. Tuy nhiên, những SV lười nhác, thụ động, chỉ học qua môn để cầm được tấm bằng thì chắc chắn sẽ phải lãnh hậu quả nặng nề.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet