Quảng cáo online đang xuất hiện ngày một nhiều, cùng với đó là các đường link "bẩn". Người dùng có thể dễ dàng thấy các mẫu quảng cáo công thức giảm cân, thuốc ma thuật...hoặc đường link gây sốc. Việc người dùng cảnh giác khi sử dụng máy tính để truy cập vào những link "bẩn" này không làm hacker nản chí, thay vào đó chúng đang nhắm đến một mục tiêu khác: smartphone của người dùng.
4 cách đề phòng smartphone bị hack.
Một nghiên cứu của hãng bảo mật Trend Micro cho thấy có gần 750.000 ứng dụng, phần mềm độc hại được phát triển dựa trên nảng tảng Android. Ngoài ra, có tới 99% phần mềm độc hại di động nhắm vào người dùng hệ điều hành này. Bên cạnh phần mềm, người dùng Android còn phải đối mặt với email lừa đảo, tin nhắn rác, hoặc các hình thức khác từ mạng xã hội. Việc kiểm soát các ứng dụng "bẩn" là điều cần thiết. Ảnh: Geophone.
Tại sao lại có sự tập trung tấn công không ngừng vào người dùng Android? Câu trả lời rất đơn giản: Android được sử dụng trong rất nhiều thiết bị di động, chiếm hơn 80% thị trường smartphone thế giới. Điều này phần nào kích thích, thúc đẩy hacker dành nhiều thời gian nghiên cứu cách thức tấn công. Đồng thời, các gói phát triển phần mềm độc hại cho Android cũng dễ dàng được tìm thấy trên thị trường chợ đen. Hacker dù có chuyên nghiệp hay không cũng sẽ nhận được một sự hỗ trợ không hề nhỏ từ "cộng đồng" rộng lớn.
Dưới đây là 4 cách được các chuyên gia khuyên để smartphone tránh bị hack:
1. Xem điện thoại như máy tính
Nếu người dùng đã có tinh thần cảnh giác cao trước những thông tin nghi ngờ, hãy thực hiện điều đó với chính điện thoại của mình. Không phải cái gì miễn phí cũng là an toàn, trò chơi, ứng dụng, phần mềm Android phần lớn không mất tiền, nhưng ẩn chứa sau đó chưa chắc là một phần mềm an toàn.
2. Hạn chế click vào những đường link không tin cậy
Với một thông tin quá sốt dẻo, đôi khi tin tặc sẽ lợi dụng điều đó để chèn mã độc, hoặc sử dụng những kỹ thuật đánh cắp thông tin khác mà người dùng không biết trước được. Vì vậy, thay vì truy cập vào những đoạn link giả mạo, không chính thức để đọc tin nóng hổi, người dùng nên chờ đợi các địa chỉ tin cậy đăng tin.
3. Chỉ tải ứng dụng từ nhà cung cấp tin tưởng
Người dùng Android nên tỉnh táo khi lựa chọn những ứng dụng tải về. Hiện nay, việc trà trộn các ứng dụng "bẩn" khá phổ biến. Hacker chỉ cần tải chúng lên Google Play, đợi chờ "con mồi", và ngồi thừa hưởng thành quả bằng cách lợi dụng người khác. Nếu người dùng không thấy biểu tượng màu xanh bên cạnh tên của nhà phát triển, hãy xem đó là không đáng tin. Một trong những mẹo khác là hãy xem phần đánh giá. Càng nhiều đánh giá tích cực càng cho thấy đó là một nhà cung cấp có được nhiều niềm tin từ người dùng.
4. Để mắt đến hóa đơn của bạn
Việc tháo bỏ ứng dụng "bẩn" không giúp bạn thoát khỏi hoàn toàn tầm kiểm soát của tin tặc. Theo cách thông thường, ứng dụng sẽ truy cập vào hệ thống, kích hoạt những đoạn mã đánh cắp thông tin bảo mật, sau đó gửi về máy chủ tin tặc. Người dùng nên kiểm tra tài khoản, hóa đơn tài chính của mình thường xuyên nếu nghi ngờ mình là nạn nhân.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet