“Núi đôi” và “vùng kín” là hai bộ phận chị em phụ nữ nên lên lịch tự thăm khám định kỳ. Bởi những bệnh lý ở hai vùng này thường sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính, thậm chí là tính mạng nếu chị em bỏ qua những dấu hiệu bất thường.
1. Khám “núi đôi”
Theo các bác sĩ chuyên khoa, có hơn 80% bất thường ở “núi đôi” thường được phát hiện qua việc tự khám tại nhà. Vì vậy, học cách tự khám và thường xuyên thực hiện việc này có vai trò rất quan trọng. Việc này sẽ giúp chị em sớm nhận biết được những biểu hiện bất thường ở khu vực này để đi khám và điều trị kịp thời.
Thời điểm tốt nhất để tự khám “núi đôi” tại nhà là sau khi dứt kinh nguyệt 3-4 ngày. Đây là thời điểm bầu vú mềm mại nhất, giúp chị em dễ dàng phát hiện những bất thường (nếu có).
Cách khám:
- Chọn nơi kín đáo nhưng đầy đủ ánh sáng để khám. Thời điểm thuận lợi nhất là trước khi đi ngủ hoặc chuẩn bị đi tắm.
- Cởi trần, đứng trước gương, quan sát cẩn thận từng bên vú xem kích thước, hình dáng, màu sắc có thay đổi gì không, có nốt sần, hay nổi cục u nào không.
- Tiếp theo, vòng hai cánh tay ra sau, ôm lấy gáy rồi lần lượt đứng nghiêng qua phải, qua trái để có thể nhìn thấy cả hai bên vú để dễ so sánh nếu có gì bất thường.
- Chống hai tay vào hông, ép mạnh hai tay về phía sau để ngực căng ra rồi cũng quan sát xem có gì bất thường hay không.
- Cúi người xuống đất, vẫn giữ tay ở hông và ép về phía sau để cơ ngực căng nhất và quan sát kỹ một lần nữa.
- Đứng thẳng người, đặt tay phải sau đầu, cho lotion hoặc sữa tắm vào tay trái, sờ khắp vú, vùng nách bên phải để xem có khu vực nào bị đau, nổi cộm hay không. Bạn nên sờ nhẹ, xoa nhẹ bằng đầu ngón tay. Sau đó, đổi tay, thực hiện tương tự với bên vú còn lại.
Ở bước xoa nắn vú để kiểm tra, chị em có thể chọn 1 trong 3 kiểu xoa nắn sau:
+ Kiểu vòng tròn đồng tâm: Xem nhũ hoa là tâm vòng tròn, bạn dùng tay xoa nắn từ chân bầu vú dần dần vào quanh núm vú.
+ Kiểu kim đồng hồ: Xem “núi đôi” như mặt đồng hồ có chia 12 vạch giờ, bạn lần lượt xoa nắn từ núm kéo thẳng đến từng vạch giờ.
+ Kiểu lên xuống: Xem vú như nhiều mặt phẳng thẳng đứng xếp song song nhau, bạn đưa tay lên xuống theo từng dải một.
- Cuối cùng, bạn nằm ngửa, dùng tay nắn nhẹ núm vú xem có tiết dịch bất thường hay không.
Lưu ý: Bạn nên tự khám vú tại nhà ít nhất 1 tháng/lần, đến khám bác sĩ ít nhất 1 năm/lần. Nếu phát hiện những thay đổi như: kích thước hai vú khác biệt quá lớn, có u cục gây đau, lở lét, núm vú tiết dịch, … cần đến bệnh viện kiểm tra xem đó có phải là bất thường hay không để không nhầm lẫn trong lần tự khám sau.
2. Khám “vùng kín”
Không giống với “núi đôi”, bất thường ở “vùng kín” nếu có thường nằm sâu bên trong nên chị em không thể quan sát bằng mắt thường. Dù vậy, việc tự kiểm tra sẽ giúp phụ nữ phát hiện sớm những bất thường bên ngoài như có u nhọt, sần sùi, bị nhiễm trùng, huyết trắng bệnh lý…
Cách khám:
- Ngồi xổm, cúi người xuống quan sát, có thể dùng 1 chiếc gương nhỏ hỗ trợ. Quan sát vùng da xung quanh “vùng cấm địa”, bẹn để xem có bị mẩn đỏ, ngứa, trầy xước, u nhú hay không…
- Nếu có huyết trắng, nhìn kỹ xem huyết trắng có màu gì, tính chất ra sao, mùi có hôi không...
Lưu ý: Tuyệt đối không được đưa tay vào âm đạo để tránh gây trầy xước, viêm nhiễm âm đạo. Cách tốt nhất để phát hiện bất thường “vùng kín” là chị em phải đi khám phụ khoa định kỳ ít nhất 1 lần/năm.
- 18/05/15 10:47 “Tiếng ồn” từ cơ thể - dấu hiệu báo bệnh
- 18/05/15 10:46 Người bị sỏi thận phải “né” can-xi?
- 16/05/15 15:00 7 sai lầm nguy hiểm của bố mẹ khi chăm con ở bệnh viện
- 16/05/15 10:00 Bí kíp ăn uống vàng cho người làm việc ca đêm
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet