Mùa hè đến cũng là lúc cả gia đình háo hức với những chuyến đi chơi xa. Là thời gian để bố, mẹ và con có những giây phút nghỉ ngơi, thư giãn tránh xa cuộc sống đô thị ồn ã. Những chuyến du lịch không chỉ giúp bé được xả hơi sau một năm học đầy căng thẳng mà còn là điều kiện giúp bé khám phá những miền đất mới, những cuộc sống mới, biết thêm nhiều điều thú vị mà chẳng sách vở nào có thể truyền tải nổi. Dù là đi biển, lên núi, về quê ngoại hay thậm chí là đi nước ngoài…đều vô cùng hữu ích với trẻ nhỏ. Nắm bắt được điều đấy, em và xã luôn cố gắng sắp xếp đưa Bo đi chơi xa mỗi năm hai lần.
Ngày trước khi Bo còn nhỏ, chúng em thường đưa con đi khắp mọi miền Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng, Hạ Long… Bé tỏ ra rất vui và thích thú. Em cũng mừng lắm. Gia đình vì thế mà thêm gắn bó, thêm nhiều kỉ niệm.
Vậy nhưng không hiểu sao lớn lên, khi bắt đầu đi học mẫu giáo, Bo lại xuất hiện những triệu chứng của bệnh say xe. Lên xe mà dỗ con ngủ được ngay thì không sao. Nếu ko ngủ được thì y như rằng chỉ đi được một lúc, Bo bắt đầu lả dần, khó chiu, quấy khóc liên tục đòi dừng xe rồi tuôn trào xối xả. Có một lần chỉ vì không mở bao ni lông ra kịp mà con xả hết ra đầy người em. Bo bắt đầu có chứng sợ ô tô từ đó. Chưa cần lên xe, chỉ thoáng nhìn thấy bóng ô tô là con đã co rúm người sợ sệt rồi liên tục ọe khan.
Chỉ nhìn thấy ô tô là con đã co rúm người vì sợ (ảnh minh họa)
Nhìn Bo mệt mỏi em thương con và xót xa vô cùng. Đi chơi thì vui mà sao di chuyển lại khổ ải đày đọa đến thế? Từ ngày bé mới 16 tháng, Bo có thể ngồi ô tô đi một mạch vào Đà Nẵng cũng không sao. Vậy mà giờ đây, chỉ nghĩ đến đoạn đường hơn 30km về Vĩnh Phúc thăm cụ nội mà em cũng chẳng dám cho con đi. Chỉ nhắc đến cụm từ “đi du lịch” thôi là em đã cảm thấy vô cùng ái ngại.
Nghĩ con đã lớn, tiền đình cũng phát triển, não nhạy cảm với các chuyển động hơn, từ đó sinh ra say xe em cũng cố gắng mua cho Bo những loại thuốc Tây chống say tàu xe loại đắt tiền nhất, bổ sung vitamin, nước tăng lực, thậm chí còn dán cả salonpas… Nhưng tất cả đều chẳng có tác dụng gì. Bo vẫn liên tục nôn ọe mỗi khi lên ô tô.
Đầu hè vừa rồi, hội bạn em có rủ gia đình đưa Bo đi picnic một ngày tại một resort cũng không quá xa Hà Nội. Ban đầu em cũng rất ái ngại, sợ con đi vui thì ít mà mệt thì nhiều. Vậy nhưng vì mọi người quá sức nhiệt tình, lại nghĩ đi cũng chỉ 20km, em gật đầu đồng ý.
Trước ngày lên đường, cô bạn em gọi điện “rỉ tai” em một kinh nghiệm chống say tàu xe từ củ gừng. Dặn sáng trước khi đi thì chuẩn bị cho Bo. “Có bệnh thì vái tứ phương”, em cũng mạnh dạn thử làm xem sao.
Sớm hôm đấy trước khi chuẩn bị lên đường, em vào bếp chọn lấy một củ gừng tươi, vỏ bạc bóng khỏe, sửa sạch rồi cắt lát, nghiền nhuyễn ra rây. Sau đó, đem số gừng giã nhỏ này hòa vào một cốc nước ấm. Để Bo dễ uống, em không quên bỏ thêm vào đó một chút mật ong. Nước ngọt, thơm ngát nên Bo uống một hơi đã hết cốc. Đúng 30 phút sau, chúng em lên đường. Suốt chặng đi, em cứ thấm thỏm quan sát biểu hiện của con. Vậy mà 10 phút, 30 phút rồi 1 tiếng sau đó, Bo vẫn không hề có những biểu hiện khó chịu như mọi khi. Chiếc xe vẫn bon bon trên đường còn con thì thoải mái vui đùa, nói chuyện cùng mọi người. Em lúc đó mới thở phảo nhẹ nhõm. Hóa ra, bao nhiêu loại thuốc Đông thuốc Tây rồi cũng lại chẳng tốt bằng một củ gừng tươi.
“Tám” chuyện với cô bạn trên xe, nàng ta cho biết: Mọi triệu chứng của say tàu xe (chóng mặt, buồn nôn…) sẽ bắt đầu khi trí não của bé nhận được thông điệp khác nhau từ các bộ phận của cơ thể. Đặc biệt là dạ dày cồn cào sẽ là nguyên nhân chính dẫn đến say xe. Gừng tươi có tác dụng giảm các cơn co thắt dạ dày mà nói với não trẻ rằng bé đang bị buồn nôn. Cho trẻ ăn nhẹ rồi uống nước gừng mật ong ấm 30 phút trước khi di chuyển sẽ giúp bé thoải mái trong suốt chuyến đi.
Mặt khác, say xe ở trẻ nhỏ thường một phần lớn cũng do yếu tố tâm lý. Vì vậy chúng em còn “đánh lạc” hướng Bo bằng cách trò chuyện hoăc hát cùng bé. Đặc biệt, không cho bé xem sách báo hay chơi đồ chơi bởi có thể làm tăng cảm giác say.
Một mùa hè lại đến với những ý tưởng du lịch hấp dẫn cùng gia đình. Giờ đây khi đã có mẹo nhỏ gừng tươi, em đã không còn lo lắng mỗi khi đưa Bo đi chơi xa. Em xin mách các mẹ “bí kíp” nhỏ của gia đình mình. Chúc các mẹ và bé có những chuyến đi vui vẻ và bổ ích.
Theo chia sẻ của độc giả Mẹ Bo (Thanh Xuân, Hà Nội)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet