Sinh con ra, cha mẹ nào mà chẳng muốn tự mình chăm sóc cho con từng miếng ăn giấc ngủ, nhưng vì gánh nặng cơm áo gạo tiền nên nhiều ông bố bà mẹ đã phải dành gửi con về quê nhờ ông bà trông hộ, để mình ở trên thành phố bươn chải kiếm tiền gửi về nuôi con. Mặc dù rất yêu thương cháu, nhưng đôi khi một vài hành động tưởng chừng là yêu thương của ông bà lại vô tình đẩy trẻ đến với “tử thần”.
Thiến Thiến (27 tuổi, sống ở Tây An, Trung Quốc) cùng chồng đến với nhau khi cả hai mới ra trường được một năm. Cưới xong, cô nàng lại mang thai ngay nên chỉ một mình chồng Thiến Thiến chạy ngược chạy xuôi kiếm tiền nuôi vợ bầu. Khi con được 6 tháng tuổi, bất đắc dĩ Thiến Thiến đành phải nghe lời ông xã đưa con về quê nhờ mẹ chồng chăm sóc, để vợ chồng cô lên thành phố làm việc kiếm tiền gửi về nuôi con.
Thoát cái đã 3 năm trôi qua, vợ chồng Thiến Thiến vẫn đang cố gắng trả nốt số tiền mua nhà trả góp đợt cuối, rồi đến tháng 9 này sẽ đón con lên ở nhà mới và đi học luôn. Tuy nhiên cách đây vài hôm, nửa đêm mẹ chồng cô bỗng gọi điện thoại lên báo rằng cháu gái đột nhiên đau bụng sau đó nôn ra máu. Quá hoảng hốt, vợ chồng Thiến Thiến liền tức tốc đón xe về quê đưa con đi viện. Nhưng bệnh viện ở huyện không thể chữa trị được nên đã nhanh chóng chuyển bệnh nhi lên tuyến thành phố.
Vì thương cháu nhai không kỹ, lại ăn chậm nên mẹ chồng Thiến Thiến thường nhai nhuyễn cơm rồi mới đút cho cháu ăn (Ảnh minh họa)
Tại đây, bác sĩ chẩn đoán đứa trẻ bị chảy máu dạ dày và cần phải thực hiện ca phẫu thuật cấp cứu ngay lập tức. May mắn là ca mổ thành công. Con gái của Thiến Thiến đang trong quá trình phục hồi tốt. Song, điều khiến bác sĩ băn khoăn là thường thì hàng năm khoa nhi nhận không ít ca trẻ em bị xuất huyết dạ dày phải vào viện điều trị, nhưng phần lớn đều ở độ tuổi thiếu niên, còn trẻ em 3 tuổi quả là hiếm gặp. Vì thế, bác sĩ đã mời gia đình bệnh nhi đến để hỏi thăm.
Bác sĩ thông báo cho vợ chồng Thiến Thiến biết nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết dạ dày của con gái là do đứa trẻ bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) - một loại vi khuẩn sinh sống và phát triển trong cơ quan dạ dày. Sau khi nhiễm, chúng sẽ gây ra tình trạng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, đi cầu phân đen, nôn ra máu,… ở người bệnh. Thông thường, trẻ con rất ít khi bị nhiễm vi khuẩn HP, ngoài trừ bị lây bệnh từ người lớn. Vì thế, bác sĩ cần người nhà bệnh nhân hợp tác kiểm tra hơi thở để tìm nguồn lây nhiễm. Kết quả kiểm tra cho thấy mẹ chồng của Thiến Thiến có mang vi khuẩn HP trong dạ dày.
Nghe đến đây, vợ chồng Thiến Thiến đều quay qua nhìn mẹ. Trước ánh mắt thăm dò của các con, cuối cùng mẹ chồng cô đành “thú nhận”: “Đứa trẻ còn nhỏ, làm sao nhai được miếng cơm to. Lại còn nhai chậm nên ăn rất lâu. Vậy nên, mẹ thường nhai cơm cho nhuyễn rồi mới mớm cho con bé ăn. Ngày xưa mẹ cũng toàn mớm cơm thế cho chồng con đó thôi, có làm sao đâu. Bây giờ lại khám ra lắm bệnh”.
Con gái Thiến Thiến được bác sĩ kết luận bị xuất huyết dạ dày phải phẫu thuật gấp do bị lây nhiễm vi khuẩn HP từ bà nội. May mắn là ca mổ thành công (Ảnh minh họa).
Thì ra, vì thương cháu, sợ cháu nhai không kỹ nên bà nội bé gái đã nhai cơm trong miệng sau đó nhả ra đút cho cháu ăn. Điều đáng nói là trong dạ dày của bà có vi khuẩn HP nên bà đã vô tình truyền sang cho cháu, làm cho đứa trẻ bị xuất huyết dạ dày. Điều này khiến chồng Thiến Thiến không khỏi tức giận, anh đứng dậy nói: “Mẹ về quê đi, mẹ không cần phải chăm cháu nữa đâu, chúng con tự chăm”.
Theo bác sĩ, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ em bị lây nhiễm vi khuẩn HP như: không vệ sinh răng miệng sạch sẽ, người lớn hôn môi, nhai cơm và đút cho trẻ ăn, hoặc cả hai dùng chung một đôi đũa… Do đó, các cha mẹ cần phải cẩn trọng trong việc bảo vệ con mình.
- Cắt thức ăn ra thành từng miếng nhỏ để trẻ dễ dàng nhai và nuốt chứ không nên nhai nhuyễn rồi nhả ra đút cho con ăn.
- Chuẩn bị cho trẻ chén, bát, đũa, muỗng, ly uống nước riêng, tránh dùng chung lẫn lộn với người lớn.
- Không để người lớn hôn môi con.
- Dạy trẻ giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
Đồng thời, khi thấy một người nào đó trong gia đình bị các triệu chứng khó chịu về đường tiêu hóa như ăn uống khó tiêu, hay đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy… thì nên đi làm xét nghiệm hơi thở hoặc nội soi dạ dày để tìm nguyên nhân, tránh việc lây nhiễm vi khuẩn HP sang cho trẻ nhỏ.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet