Nếu so theo quy chuẩn nuôi con của một bà mẹ thông thường, chị Thu Hà (sinh năm 1975, hiện đang sống ở Tp.HCM) hẳn là một bà "mẹ lười" chính hiệu. Không biết con học đến bài nào, chẳng bao giờ kiểm tra sách vở con, ăn cơm con tự xúc, quần áo con tự mặc, con hỏi gì cũng nói "Mẹ không biết", một năm vài lần lại để con ở nhà rồi ...tự đi du lịch một mình....những câu chuyện mà bà mẹ 2 con này chia sẻ trên trang cá nhân của mình liên tục khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Vậy nhưng có nói chuyện với chị, đọc sách của chị, người ta mới vỡ lẽ về những lý do rất chính đáng để cho phép mình "lười" của bà mẹ 7x này.
Chị Trần Thu Hà - bà mẹ từng "gây bão" với tuyên bố "không biết con học đến bài nào"
"Con nghĩ đi, mẹ không biết!"
Là tác giả của cuốn sách với tựa đề thú vị “Con nghĩ đi, mẹ không biết!”, nhiều người mường tượng ra, chị dùng câu nói này để khơi gợi cho con tính tự lập trong tìm hiểu kiến thức. Vậy nhưng với những “mặt trái” mà câu nói này mang lại, như là đứa trẻ sẽ dần nghĩ “mẹ chẳng biết gì thật”, chị giải quyết thế nào?
Chúng ta chỉ cần nhớ lại cảm giác trong lớp học. Khi cô giáo hỏi: “15 + 28 bằng mấy?”, hay tới lớp lớn hơn cô giáo hỏi: “Ý nghĩa của chiến thắng Bạch Đằng là gì?” chẳng hạn, thì có ai nghĩ là vì giáp viên không biết gì nên phải đi hỏi học sinh không?
Ở Israel cũng thế, trong những giờ học tôi được dự giờ thì giáo viên cũng hay dùng câu hỏi “Why?” “Why? I don’t know!” nhất.
Nhiệm vụ của giáo viên và của bố mẹ không phải là truyền thụ tri thức. Từ xa xưa, nhà triết học Socrates đã nói “Giáo dục không phải là đổ nước cho đầy bình, mà là châm một ngọn lửa!”. Bây giờ càng hơn thế, tri thức có ở khắp nơi, và rất dễ tải xuống, mua về, hoặc hỏi bất cứ người nào, thậm chí cả những người mình không biết mặt, không biết tên. Chỉ cần quăng câu hỏi lên mạng, mình sẽ được trả lời.
Vậy thì việc nào quan trọng hơn? Liên tục giải đáp cho con, nhồi thật nhiều kiến thức vào đầy đầu con, hay tập cho con một tâm thế đi tìm tòi tri thức?
Đừng sợ câu nói “Con nghĩ đi,mẹ không biết!” làm hỏng tình cảm mẫu tử, làm con sẽ ghét mẹ, chán mẹ! Lời nói chỉ có giá trị một phần trong giao tiếp. Ngay câu “Em ghét anh!” có phải là ghét thật không ạ? Gặp trẻ con, nhất là những bé sơ sinh tôi biết ông bà thường kiêng kị nhiều thứ, nên tôi hay nựng là: “Ôi trông ghét quá!”. Không ai buồn đau hay tổn thương khi tôi nói “ghét” bé cả.
"Việc nào quan trọng hơn? Liên tục giải đáp cho con, nhồi thật nhiều kiến thức vào đầy đầu con, hay tập cho con một tâm thế đi tìm tòi tri thức?"
Không bao giờ được nói “Đấy thấy chưa!” khi con sai
Và để tạo điều kiện cho con được tự nghĩ, và nghĩ đúng, chị sẽ chuẩn bị những gì?
Bất cứ một biện pháp nào, dù ưu việt tới đâu cũng không thể đơn lẻ một mình trong suốt cả quá trình nuôi và dạy con. Giống như bữa ăn phải có nhiều món, bệnh phải dùng phối hợp nhiều vị thuốc khác nhau.
Đi đồng thời với câu “Con nghĩ đi, mẹ không biết!” thì phải có nhiều việc khác cần chuẩn bị.
Ví dụ, không làm sẵn cho con mọi thứ, tin tưởng con, trao cho con quyền tự quyết định. Và quan trọng là sau khi trao quyền tự quyết rồi thì phải chấp nhận quyền được sai của con. Khi mình không trầm trọng lỗi sai của con thì con mới dám làm sai.
Không bao giờ được nói “Đấy thấy chưa!” khi con sai. Mình phải tập cách xem việc làm sai ấy là bình thường. Chỉ có người không sai mới là người bất bình thường, người không sai là người không làm gì hết. Tuy nhiên với những lỗi sai nghiêm trọng thì mình phải can thiệp vào, như bé cắt vào tay thì sẽ cùng bé băng bó tay, con làm rớt bể chén thì mẹ xúm vào dọn dẹp cùng, con làm bài sai thì chỉ nhắc đơn giản: “Sai rồi kìa!”. Vậy thôi.
Để ý bạn sẽ thấy nếu trong một gia đình hay một công ty mà có người sếp quá nghiêm khắc, ai làm sai là bị chửi mắng, kỷ luật nặng nề, thì sau một thời gian tất cả mọi người đều trở nên thụ động và nhút nhát.
Đồng hành với quy tắc nói "Con nghĩ đi" khi con hỏi, chị Thu Hà cũng có nguyên tắc thứ 2: Không bao giờ nói "Đấy thấy chưa" khi con sai
Chúng ta học không tốt bằng trẻ con
Chị từng gây sốc cho nhiều bà mẹ khi tiết lộ “không biết con học tới bài nào”. Nhưng nhiều người lớn quan điểm, trẻ nhỏ ở độ tuổi cấp 1 thường hay xao lãng, ham chơi hơn ham học, khó mà tự có ý thức nếu không có sự thúc ép. Chị làm thế nào để trẻ có thể tự giác học tập hay đã có điều gì khác để “thúc ép” con?
Đúng là tôi không biết con học tới bài nào thật. Nhưng tôi quan niệm về sự học của trẻ con rất rộng. Không phải cứ cố định ngồi vào bàn học bài, làm bài mỗi tối mới là học, Học không chỉ là khoảng thời gian đến trường, không chỉ là Văn Toán Sử Địa…trong sách giáo khoa. Trẻ con đang lớn là thời điểm học rất nhiều, rất mạnh. Chúng ta không học tốt bằng trẻ con đâu.
Ví dụ, chơi là đang học, nghịch ngợm, leo trèo, chạy nhảy cũng là đang học, đi khám phá các ngóc ngách, kéo bè kéo lũ đi chơi, đi phá trong khu phố, sang nhà hàng xóm nói… Rồi hát, vẽ, đùa giỡn với cún con mèo con… đều là đang học hết đấy ạ. Con đang học cách quan sát thế giới vận hành, học về các mối quan hệ trong xã hội, học cách để sinh tồn…
Với Xu Sim, tôi không thúc ép học bài, chỉ tìm cách làm sao cho bài học trở nên hấp dẫn hơn mà thôi. Ví dụ tôi chiều chuộng con một chút khi con học bài, sắm đồ dùng học tập xinh xắn, kính trọng giáo viên của con, khen con, ôm con thật lâu khi con học tiến bộ. Tôi tìm cách để con thân thiết và yêu quý bạn bè trong lớp, nghiền tới lớp để gặp bạn… Giống như với người lớn trong công ty ấy, tôi giao quyền lực vào tay con, và cổ vũ liên tục khi con nhích lên dù chỉ một chút xíu.
Để tôi nhớ xem, hình như tôi chưa phạt bao giờ về việc học. Học vui lắm, học là món quà, học không phải là nghĩa vụ nặng nề! Cuối kỳ nghỉ Tết, hay nghỉ hè, Xu Sim còn cứ xoắn lên vì nhớ lớp, nhớ trường ấy.
"Tôi quan niệm về sự học của trẻ con rất rộng. Không phải cứ cố định ngồi vào bàn học bài, làm bài mỗi tối mới là học"
Không bao giờ kiểm tra bài của con nhưng biết rõ con con thân bạn nào, ghét bạn nào
Con không học, con điểm kém đã có cô giáo phạt. Nhiều người cho rằng chị không dạy con học mà đẩy toàn bộ trách nhiệm cho nhà trường. Vậy nhưng chúng ta vẫn nghe câu nói, việc dạy trẻ cần có sự phối hợp giữa cả phụ huynh và nhà trường. Chị nghĩ sao?
Đúng là dạy trẻ luôn cần sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh. Tuy nhiên do tôi cũng đã từng là Giáo viên, lại thêm gần 20 năm nay liên tục làm báo về giáo dục nên tôi biết rằng nhà trường và phần lớn các giáo viên ở Việt Nam mình hiện nay rất quan trọng việc học chữ, học toán của con rồi, nên tôi không lấn sân phần đó.
Tôi dạy những phần khác. Ví dụ tôi dành rất nhiều thời gian để Xu Sim tò mò tìm hiểu về chính mình, tìm hiểu xem mình là ai, mình muốn gì, biết làm gì, mạnh yếu chỗ nào. Ví dụ có lần khi Xu bị bạn chê về chuyện abc gì đó, và tôi đã phải ra tiệm sách tìm mua sách về đề tài này để đọc, rồi tôi đi hỏi bạn bè, hoặc các chuyên gia tâm lý để xử lý…
Tôi dạy con cách tranh cãi với bạn, sống chung với bạn bè, tôn trọng khác biệt của bạn bè. Có lẽ cũng có chút hiệu quả khi Xu Sim đã chơi được với nhiều bạn bè thuộc nhiều tầng lớp cách xa nhau, và được bạn khá quý mến…
Tôi cho Xu Sim đi du lịch, đi chơi với thiên nhiên nhiều, để yêu cây cối, đồi núi, biển, yêu đồng ruộng, yêu trâu bò. Tôi cho Xu Sim tự cầm tiền đi siêu thị mua cái gì đó về nấu ăn… Tôi nghĩ tất cả những điều này đều hỗ trợ giáo viên và nhà trường dạy học tốt hơn đấy chứ!
Hai bé Su, Xim - con gái chị Thu Hà được mẹ giáo dục rất tốt những kỹ năng sống và tự lập
Có trong trường hợp nào, chị thấy việc quá thả lỏng con cái của mình là sai lầm?
Quá thả lỏng con thì chắc là sai rõ rồi! Tuy nhiên đâu là cái ngưỡng, bắt đầu thế nào là “quá thả lỏng”, thì mỗi nhà mỗi khác.
Ví như mẹ của Hào Anh sẽ thấy việc cho con đi ở đợ khi mới 12 tuổi và cả năm không thăm một lần vẫn là chấp nhận được, thì có nhà lại thấy con chỉ cần ăn một bữa ăn bên ngoài tiệm đã là vượt ngưỡng. Có ba mẹ thì một hôm không xem cặp con, không xem thời khóa biểu của con thì không được. Có mẹ lại thấy 1 tuần mới nên kiểm tra một lần. Còn tôi thì chả kiểm tra bao giờ cả.
Tuy nhiên, nếu Xu Sim có niềm vui nào, nỗi buồn nào mà tôi không biết, con tôi thân bạn nào, ghét bạn nào, con tôi yêu cái gì, sợ cái gì mà tôi không biết, thì khi đó tôi mới coi là mình đã quá thả lỏng.
Cho tới bây giờ, việc để Xu Sim tự học bài, tự soạn sách vở, tự cài chuông báo thức, tự dậy, tự mặc đồ, rồi tự đạp xe tới trường, chiều về tự vo gạo, cắm nồi cơm… thì, ơn trời, tôi thấy mình chưa có gì sai lầm nghiêm trọng cả!
Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet