Không mong con nổi tiếng
Không thể phủ nhận, rất nhiều em bé và các ông bố nghệ sĩ đã trở nên nổi tiếng hơn, được nhiều người yêu mến hơn từ sau khi tham gia Bố ơi Mình đi đâu thế. Đó có phải là một phần lý do anh quyết định cùng con tham gia mùa thứ 3 này?
Thực ra, tôi và bé Híp đã nhận được lời mời tham gia casting chương trình từ mùa 1. Vậy nhưng khi đó Híp mới chỉ được 3,5 tuổi, khả năng nói và tương tác chưa tốt nên mọi thứ mới chỉ dừng lại ở đó. Đến mùa thứ 3 này, chúng tôi lại bất ngờ nhận được lời mời của ban tổ chức. Tôi nghĩ, có thể nói đây cũng là cái duyên của bố con tôi đối với chương trình.
Ban đầu, Híp cũng chưa có nhiều khái niệm về chương trình này. Ở nhà, chúng tôi cho con xem tivi rất ít, chỉ 30 phút mỗi ngày và Híp dành thời gian đó vào việc xem hoạt hình. Bản thân tôi cũng là người bận rộn nên ít khi theo dõi được các chương trình truyền hình nói chung. Vậy nên khi tôi nói với Híp rằng bố con mình sẽ tham gia Bố ơi Mình đi đâu thế, bé chỉ đơn giản gật đầu đồng ý vì muốn đi chơi với bố chứ không hề biết mình đang tham gia một show truyền hình thực tế lớn, được nhiều người chú ý.
Lý do tham gia cuộc thi của tôi ban đầu rất đơn giản. Tôi chỉ nghĩ đây là dịp cho trẻ con đi chơi bởi ngoài đời, ít khi có được cơ hội nào để hai bố con có thể cùng nhau trải nghiệm cuộc sống như vậy. Thế nhưng đến khi tham gia, tôi mới nhận ra Bố ơi Mình đi đâu thế là một chương trình hay, mang tính chất nhân văn và nó không chỉ lợi cho con mà hoá ra lại rất bổ ích cho bố. Tôi thấy quyết định của mình hoàn toàn chính xác mặc dù nó cũng xáo trộn một số thứ trong cuộc sống của gia đình.
Anh thấy Híp có nhiều thay đổi sau khi từ việc có một ông bố nổi tiếng thì bây giờ tự bản thân mình, có khi còn nổi tiếng hơn bố?
Tôi chưa thấy Híp có gì thay đổi và thực ra trước đây, con cũng đã quen với việc đi ngoài đường thỉnh thoảng có người nhận ra bố và xin chụp ảnh cùng hai bố con. Bản thân tôi không mong con nổi tiếng. Đối với người lớn, sự nổi tiếng đôi khi cũng khiến con người ta bị ảo tưởng. Khi sự nổi tiếng qua đi, đi ra đường bớt người nhận ra, ít còn được tung hô, người ta sẽ cảm thấy hụt hẫng. Với trẻ con, việc kiểm soát cảm xúc ấy còn tệ hơn rất nhiều lần.
Quyết định tham gia Bố ơi Mình đi đâu thế của diễn viên hải anh và con trai nhận được sự quan tâm lớn của khán giả truyền hình.
Nam diễn viên chuyên đóng vai "đầu gấu" và bé Híp trong seri Bố ơi Mình đi đâu thế mùa 3
Kém "hút hàng" hơn 3 ông bố còn lại nhưng không thấy bị lép vế
Anh có cảm xúc thế nào và thấy mình có điểm gì nổi trội hơn với 3 ông bố còn lại không?
Khi 4 ông bố lần đầu đi chơi với nhau, tôi và Hồng Đăng cùng ở miền bắc, thỉnh thoảng gặp nhau trên phim trường nên tuy không thân thiết nhưng cảm giác ban đầu mới gặp đã thấy ấm áp ngay. Anh Khoa thì tôi từng gặp gỡ vài lần trên sân bóng, chưa có dịp trò chuyện nhưng tôi thấy cậu ấy là một chàng trai rất vui tính và dễ mến. Thành Được cảm giác khi mới gặp thì thấy rất đàn ông và có chút gì đó nghiêm túc. Nhưng chỉ sau một thời gian đầu bỡ ngỡ, 4 ông bố nhanh chóng tìm được tiếng nói chung và hoà nhập rất nhanh. Đến bây giờ thì tôi cảm giác đi với ekip này như một gia đình chứ không có sự ngăn cách.
Thực ra, tôi thấy bản thân mình không có gì nổi trội hơn 3 ông bố còn lại. Thậm chí, độ “hút hàng” còn kém hơn rất nhiều lần đấy chứ (cười lớn). Hồng Đăng là một trong những “hotboy” của làng điện ảnh Việt. Thành Được ở miền Bắc chưa được biết đến nhưng lại rất nổi tiếng trong miền Nam. Anh Khoa là ca sĩ nên đương nhiên có lượng fan đông đảo hơn nhiều so với diễn viên truyền hình như tôi. Nhưng cũng không thấy mình lép vế đâu nhé. Rất có thể tôi cũng có sức hấp dẫn riêng mà chưa ai phát hiện ra thôi. (cười lớn).
Sự hài hước, bình dân của nam diễn viên - ông chủ một thương hiệu thời trang lớn ở miền Bắc tạo nên không khí vui vẻ cho Bố ơi Mình đi đâu thế mùa 3
Không khí ấm áp như một gia đình của 4 cặp bố con.
Là một diễn viên dày kinh nghiệm của làng điện ảnh phía Bắc, khi tham gia chương trình, có khi nào anh cũng phải “diễn” không?
Thực ra, để diễn trong một chương trình truyền hình thực tế quay gần như 24/24 như Bố ơi Mình đi đâu thế là rất khó bởi nếu diễn, có lẽ tôi sẽ phải diễn suốt cả ngày đêm. Mỗi tập chương trình phát sóng trên truyền hình dài khoảng 45 phút nhưng chúng tôi gần như bị 4,5 máy quay quay suốt 24/24 trong 2,3 ngày. Bản thân cũng không biết nhà sản xuất sẽ lựa chọn khoảnh khắc nào để lên khung hình, kịch bản cũng không có. Vậy nên tất cả những gì mà 4 bố con thể hiện hoàn toàn là cảm xúc thật 100%.
Không quan tâm đến những bình luận "ném đá" trên mạng
Trong bài phỏng vấn nam ca sĩ, nhạc sĩ Hoàng Bách – một trong những ông bố nổi tiếng của Bố ơi Mình đi đâu thế mùa 1, Hoàng Bách đã cho biết gia đình Hoàng Bách mất ngủ vì sợ bị ném đá. Với anh thì sao? Anh có sợ khi tham gia chương trình, có thể anh và con sẽ vô tình trở thành mục tiêu ném đá của cộng đồng mạng?
Thực ra, trước khi bố con tôi lên sóng chương trình Bố ơi Mình đi đâu thế thì cả nhà đã từng bị "ném đá" rồi. Nhưng đối với tôi, chuyện "ném đá" của dư luận không ảnh hưởng đến gia đình bởi vì tôi không bao giờ đọc những bình luận ném đá ấy. Tôi cũng dặn vợ tuyệt đối không đọc những bình luận trên mạng bởi phụ nữ thì hay nghĩ ngợi, âu lo. Tôi thấy nhiều bạn trẻ, thậm chí mới chỉ học cấp 3 nhưng lại viết nhận xét rất ác ý và mạnh miệng dạy các ông bố cách nuôi con thế nào.
Nói rộng ra về hiện tượng “ném đá” của cư dân mạng bây giờ, tôi thấy đa phần những bình luận này, tích cực thì ít mà tiêu cực thì nhiều. Thậm chí là có phần mù quáng, ”ném đá” khi chưa hiểu rõ sự việc.
Những người thực sự muốn góp ý cho mình, người ta sẽ không dành thời gian để ngồi đánh máy mà sẽ liên lạc với mình bằng mọi cách, hay nhắn tin riêng cho mình để nói, chứ không phải chỉ đơn giản là quăng một bình luận đầy ác ý lên mạng.
Gia đình hạnh phúc của diễn viên Hải Anh bên con trai nhỏ và bà xã.
Từng vô tình trở thành mục tiêu "ném đá" của dư luận vì những điều không hề có thật, Hải Anh cho biết giờ anh luôn cố gắng bảo vệ gia đình và tránh những rắc rối không đáng có.
Cũng từng cảm thấy xấu hổ khi con quấy khóc trên truyền hình
Vậy nhưng cũng không thể nói, việc Híp hay khóc và anh đang thực sự gặp rắc rối với tính hiếu thắng của con trong Bố ơi Mình đi đâu thế là có thật. Anh dự định sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
Quả thật, ngay trong buổi tối của hành trình đầu tiên ở Bố ơi Mình đi đâu thế, tôi đã quá bất ngờ vì không nghĩ Híp lại đành hanh và hiếu thắng đến như vậy. Thực ra khi sống trong nhà với bố mẹ, việc Híp xí phần và muốn đòi cái gì phải là của riêng mình là chuyện thường xảy ra. Nhưng khi đó, ở góc nhìn của người lớn với trẻ con, tôi đôi khi lại không quá quan trọng và luôn nhường cho con. Tôi không ngờ nó hình thành trong bé khái niệm khi ra ngoài đời, con cũng muốn mình thích gì là phải giành được điều ấy.
Trong những tình huống con khóc hay đành hanh trên truyền hình, trước mặt mọi người, tôi cũng cảm thấy xấu hổ, mất mặt lắm chứ. Tuy nhiên tôi muốn khẳng định lại là kể cả khi Híp hư, tôi cũng không bao giờ đánh con. Tôi không muốn quát nạt, không muốn dùng quyền làm bố của mình để ép buộc con. Cách giải quyết của tôi là để hai bố con có một khoảng thời gian tách nhau ra, yên tĩnh và hạ hoả lại. Sau đó thì ngồi cùng con phân tích, trò chuyện để thay đổi suy nghĩ của bé. Thực ra trẻ con mới 5 tuổi, mình hoàn toàn có thể điều chỉnh được hết.
Hiện nay, cả gia đình tôi vẫn duy trì thói quen xem lại chương trình được phát sóng vào mỗi thứ 7 hàng tuần. Khi đó, có những tình huống con sai, có nhưng tình huống con đúng, tất cả đều được tôi và con mang ra mổ xẻ để bé rút kinh nghiệm.
Híp có nhiều cảnh "rơi nước mắt" ở những tập đầu Bố ơi Mình đi đâu thế.
Cậu bé hiếu thắng nhưng cũng rất hóm hỉnh - nét tính cách được thừa hưởng từ bố.
Ngoài đời, Híp là một cậu bé giàu cảm xúc và luôn biết cách lắng nghe bố mẹ để tự hoàn thiện bản thân.
Rất yêu thương bố.
Để dạy một đứa trẻ "nhà giàu vượt sướng" là rất khó khăn
Có vẻ như Híp đang gặp vấn đề làm thế nào để vượt sướng khi sinh ra trong một gia đình có điều kiện?
Trước đây tôi dạy con theo bản năng, theo thói quen chung của các ông bố bà mẹ Việt. Đó là khi con đòi hỏi một thứ gì, thì nói với con rằng gia đình mình nghèo khó, con phải cố gắng, con phải phấn đấu mới có được. Khi đó Híp 4 tuổi và hoàn toàn chấp nhận điều ấy.
Nhưng đến khi được 5 tuổi, con không đồng ý với cách nói đó của tôi và con cho rằng bố mẹ đang nói dối. Khi Híp đến trường, tiếp xúc với các bạn và con hiểu được rằng trường đó chỉ có con nhà giàu mới vào học được. Còn nhiều ví dụ khác nữa để khẳng định rằng trẻ con bây giờ rất tinh và chúng tôi phải có cách dạy khác.
Bây giờ, tôi nói với con rằng đúng, nhà mình không nghèo, nhà mình có điều kiện nhưng của cải ấy, không phải dành cho con. Con phải hiểu được rằng đấy là mồ hôi xương máu của bố mẹ chứ không phải của con. Nên con muốn sống sướng như bố mẹ thì con phải cố gắng học giỏi, phấn đấu, phải lao động.
Tất nhiên, đó là cách nói của chúng tôi bây giờ. Có thể sau này, theo thời gian con lớn lên, suy nghĩ khác đi, chúng tôi lại có cách nói khác. Sướng từ bé thì chuyện vươn lên, có động lực sẽ khó hơn rất nhiều. Tôi nghĩ đây là vấn đề nhiều gia đình có điều kiện cũng đang rất đau đầu.
"Tôi nói với con rằng đúng, nhà mình không nghèo, nhà mình có điều kiện nhưng của cải ấy, không phải dành cho con. Con phải hiểu được rằng đấy là mồ hôi xương máu của bố mẹ chứ không phải của con. Nên con muốn sống sướng như bố mẹ thì con phải cố gắng học giỏi, phấn đấu, phải lao động."
Tôi bây giờ là ông bố bỉm sữa đích thực
Về bản thân anh thì sao, anh có nhiều thay đổi sau khi tham gia chương trình?
Đôi khi tôi thấy tôi nuôi dạy rất bản năng nhưng thực ra dạy trẻ nhỏ cần có phương pháp. Trước đây tôi đi làm về, cứ 7 giờ tối về đến nhà là bố con ăn uống với nhau rồi con ngồi chơi đồ chơi, tôi ngồi bên đọc báo, lướt web. Tôi cũng biết nhiều ông bố cứ tối đến là đi nhậu, đi tennis đến đêm, không quan tâm đến con. Tôi thì không không la cà sau giờ làm, tôi chọn cách đến nhà và tôi nghĩ rằng thế là tôi đã quan tâm đến con. Tuy nhiên không phải. Tôi phải bỏ hết mọi thứ, gạt điện thoại sang một bên để nói chuyện và chia sẻ cùng con, coi con như một người bạn, hoà mình với con. Đó mới thực sự là dành thời gian cho con trẻ.
Đừng nghĩ rằng một đứa trẻ 5 tuổi không nói chuyện được với mình. Thực ra nó có rất nhiều tâm sự mà chúng ta không hề biết. Sau những chuyến đi Bố ơi, mình đi đâu thế, tôi thay đổi, tôi lớn nốt những phần còn lại trong tư duy làm bố. Tôi thậm chí còn lang thang trên mạng, vào các diễn đàn cha mẹ để tìm hiểu và học hỏi. Tôi giờ thành ông bố bỉm sữa rồi (cười).
Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet