Tại Mỹ, trẻ từ năm tuổi mới được đi học trong hệ thống trường của nhà nước. Trẻ bắt đầu học một năm ở lớp mẫu giáo (Kindergarten) rồi sau đó mới lên lớp 1 (Grade 1). Chính vì vậy việc trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo là một sự kiện lớn với mỗi gia đình. Gia đình tôi cũng không phải ngoại lệ. Thế nhưng niềm vui của ngày đầu tiên con đến trường chưa trọn vẹn thì những chuyện lo lắng đã bắt đầu.
Ngay ngày đầu tiên đi học con trai tôi bị bắt nạt và trong suốt thời gian xử lý chuyện này, không chỉ riêng gia đình tôi căng thẳng mà cả ban giám hiệu, cô giáo của con và ban an ninh nhà trường cũng rút được nhiều bài học.
Ben lên xe buýt trong ngày đầu đi học
Cho con cơ hội tự xử lý
Ben, con trai tôi đã bị một anh lớn hơn trên xe bus đánh ngay trong ngày đầu con đi học. Mỗi ngày cậu bé kia càng tăng mức độ bắt nạt Ben khiến con phải thổ lộ với bố mẹ.
Gia đình tôi đã sống ở Mỹ khá lâu nên chúng tôi tự tin rằng hiểu phong cách sống của họ. Do đó, nghe con vừa khóc vừa nói, vợ chồng tôi rất ngạc nhiên và sốt ruột. Đây là điều vô cùng bất lịch sự vì người Mỹ cực kỳ tôn trọng quyền cá nhân. Hơn hết, ở Mỹ trẻ con được học điều này từ khi còn rất nhỏ nên chưa bao giờ gia đình chúng tôi gặp cảnh bị một người trên xe nói quá to hay va chạm vào người mình.
Tôi gợi ý cho Ben nói chuyện với cậu bạn bắt nạt là tại sao lại làm phiền con và chỉ rõ việc bạn làm với con là hành vi không tốt. Con làm theo nhưng không có kết quả.
Chúng tôi nói chuyện với tài xế buýt đồng thời đề nghị bác can thiệp giúp. Để đáp lại, bác tài xế bảo việc đó cũng thường hay xảy ra vào đầu năm học và mình ông không thể quản lý hết bọn trẻ được. Nhưng vì chúng tôi là người ngoại quốc nên ông sẽ cố gắng giúp bằng cách cho Ben ngồi cạnh ông.
Việc xảy ra trên xe bus đã được xử lý nhưng cậu bạn kia lại tiếp tục bắt nạt Ben khi ở trường. Liên tiếp trong một tuần, con về nhà với những vết bầm, quần áo bẩn lem nhem. Tôi không giữ được bình tĩnh. Tôi bảo con hãy tự vệ nếu bị bạn đánh dù là rất nhẹ vì Ben đã học võ được gần 3 năm. Song câu trả lời của con khiến chúng tôi suy nghĩ: “Con không muốn làm đau bạn ấy”.
Vợ chồng tôi hội ý và lên kế hoạch đến gặp thầy hiệu trưởng nói chuyện. Bởi chúng tôi hoàn toàn có thể làm đơn kiện trường học vì không đảm bảo môi trường học an toàn cho học sinh. Biết được ý định đó, Ben, con trai mới 5 tuổi của tôi đề nghị hãy để con tự giải quyết.
Không hiểu bằng cách nào đó, Ben đã biến cậu bé kia trở thành bạn. Theo như con kể con quyết định ngồi cạnh bạn đó trên xe bus và chia bánh cho bạn (hành động này thường không phổ biến vì người Mỹ rất kiêng kỵ việc ăn chung). Hai đứa trẻ chơi thân thiết như chưa bao giờ có chuyện bắt nạt xảy ra. Cho đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy điều đó thật kỳ diệu. Ben tự tin trong giao tiếp hơn nhiều sau chuyện đó.
Ben vui chơi cùng các bạn ở trường
Giáo viên không can thiệp nhiều
Một tháng sau khi chuyện bắt nạt trên xe bus kết thúc, Ben trở về nhà với ba lô bị rách và chiếc áo phông bị cắt ở cổ. Lúc đó tôi cảm thấy kinh hoàng không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Theo như con nói có một bạn khác cầm kéo và cắt áo của con trên lớp.
Ngay ngày hôm sau chúng tôi đến gặp hiệu trưởng để nói chuyện. Hiệu trưởng yêu cầu chúng tôi vào một phòng riêng, cùng một nhân viên phụ trách an ninh và cô giáo của con. Toàn bộ buổi nói chuyện được ghi âm và ký xác nhận.
Theo như giáo viên nói thì cô không hề biết chuyện xảy ra. Cô mang cho chúng tôi xem mẫu kéo các con sử dụng trong lớp với đầu kéo được bọc nhựa hoàn toàn. Nhà trường tất nhiên cam đoan việc đó sẽ không xảy ra lần nữa và xin lỗi.
Khi những băn khoăn về chuyện con bị bắt nạt vẫn chưa được giải quyết, tôi lại nhận được điện thoại của trường về việc Ben bắt nạt bạn khác trên xe bus. Tôi tự hỏi không biết chuyện gì đang xảy ra.
Ben kể do bạn cùng lớp của Ben bị người khác bắt nạt, con đứng ra bảo vệ bạn nên đánh lại anh lớp trên. Sau đó, có thêm rất nhiều chuyện xảy ra đến mức cứ cách 2-3 ngày tôi lại bị gọi lên trường gặp nhân viên an ninh về chuyện của con.
Đừng ngần ngại khi lên tiếng
Tôi tìm cách nói chuyện với một vài phụ huynh khác về việc của con. Họ cho biết các con họ cũng thường bị bắt nạt hoặc nghịch ngợm như vậy. Thậm chí có cậu bé lớp 3 vẫn bị các bạn bắt nạt thường xuyên. Gia đình cậu bé cũng tìm đủ mọi cách nhưng không giải quyết được.
Sau khi suy nghĩ rất nhiều, tôi chủ động tìm cách liên hệ với các phụ huynh khác gặp tình huống tương tự. Phụ huynh ở Mỹ rất cởi mở, họ sẵn sàng trao đổi. Chúng tôi thống nhất nếu nhà trường không có biện pháp rõ ràng để dứt điểm chuyện này, chúng tôi sẽ làm đơn lên cấp giáo dục cao hơn.
Khái niệm về việc bị bắt nạt ở Mỹ từ những hành vi rất nhỏ như: kéo áo bạn, cố tình chèo kéo trong khi bạn kia không muốn trò chuyện, lấy đồ dùng của người khác mà không được sự cho phép, ném bất kỳ vật gì vào người bạn, dùng từ ngữ xúc phạm… Trường hợp bị bắt nạt mà có để lại vết thương hay bất kỳ thương tổn về mặt tâm lý là vô cùng nghiêm trọng, nhà trường sẽ bị kiện ra tòa và mức phạt sẽ rất nặng.
Trong khi đó, chỉ hai ngày sau, tôi bị nhà trường gọi lên vì Ben tè vào một bạn trên lớp và nói từ “Shut up” (Câm đi) trên xe bus.
Thầy hiệu trưởng nhấn mạnh đó là hành vi nghiêm trọng, Ben cần thay đổi sớm. Cô giáo Ben đã lên một kế hoạch thay đổi với bản đánh giá riêng về hành vi của Ben. Điều đó khiến chúng tôi không hài lòng. Chúng tôi hiểu con không cố ý.
Con kể với chúng tôi rằng khi đi vệ sinh chung, các con nghĩ đó là một trò chơi thú vị. Mỗi bạn có một “vòi nước” và tè vào bạn chỉ đơn giản là bắn nước lên nhau.
Ở trên xe bus, các bạn nói chuyện to làm phiền đến con và con nghĩ “shut up” là cách nói yêu cầu các bạn im lặng vì con đã thấy một số anh chị lớn hơn nói thế.
Tôi nhận ra rằng, con tôi đang học tập vô thức từ môi trường xung quanh. Khác với người lớn, trẻ con chưa biết chọn lọc điều gì đúng điều gì sai để tiếp nhận và đây cũng chính là thiếu sót lớn nhất là trường là không dạy cho các con những điều cơ bản nhất về cách ứng xử.
Chính vì vậy, nhiều khi các con vô tình làm điều này điều kia chỉ đơn giản nghĩ là cho vui nhưng không biết điều đó lại làm tổn thương người khác. Và việc giáo viên yêu cầu con có hành vi đúng khi mới đi học là điều không thể vì các con đâu có được hướng dẫn.
Ngay lập tức tôi trao đổi suy nghĩ này với giáo viên nhưng cô có vẻ không quan tâm đến điều tôi nói. Tôi liền gặp nhân viên an ninh. Buổi trao đổi diễn ra khá thoải mái. Trên thực tế, nhà trường chưa có buổi hướng dẫn cho các con về cách hành vi ứng xử và anh nhân viên an ninh cảm ơn tôi rất nhiều vì đưa ra gợi ý hay.
Chuẩn bị xếp hàng lên xe buýt
Khoảng một tuần sau đó, Ben kể thầy hiệu trường tập hợp tất cả các bạn đi xe buýt để nói chuyện về những điều nên và không nên ở nơi công cộng. Đồng thời đưa ra một số quy định khi học sinh ở trên xe bus, mỗi xe có một giáo viên giám sát nên việc bắt nạt hay nghịch ngợm trên xe không còn xảy ra.
Tiếp đó, tất cả các bạn nhỏ lớp mẫu giáo cũng được học một buổi về hành vi ứng xử trên lớp và được phát một bản đánh giá riêng theo tuần, tháng về hành vi của các bạn.
Cuối cùng,tôi có thể yên tâm hoàn toàn, sau những buổi học đó, ý thức của Ben đã tốt hơn rất nhiều, con tự chỉnh sửa những hành vi sai. Ngay cả khi con muốn giả vờ đánh nhau như siêu nhân cũng xin phép bố mẹ trước.
Ghi theo lời kể của chị Ninh Thúy Quỳnh, sinh năm 1984, hiện đang sống và làm việc tại Seatle, Washington, Mỹ.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet