Xưa kia chưa có những thiết bị thông minh như điện thoại, tivi hay các đồ chơi dụ dỗ trẻ thì còn chấp nhận được nhưng với thời nay, thiếu gì cách mà mẹ chồng tôi lại cứ phải khăng khăng làm theo cách mình, tôi thật không thể hiểu nổi.
Kể với mọi người rằng, tôi có một người mẹ chồng bảo thủ và quê mùa, lỗi thời vô cùng. Qua 6 tháng sinh con tôi phải đi làm lấy kinh tế, lương thì ít nên không đủ thuê người giúp việc. Chính vì thế tôi đã bàn bạc với chồng nhờ mẹ đẻ của anh lên đây trông con dùm. Chồng tôi có nhận lời nhưng đã dặn trước "Mẹ già rồi, không thể chăm con theo những mong muốn hiện đại của em nên em phải lường trước".
Thế nhưng tôi không thể ngờ mẹ chồng tôi lại cứ giả vờ làm theo lời con dâu nhưng thực chất lại bảo thủ theo ý mình. Ví dụ như những việc lặt vặt như hát ru khi ngủ hay nấu cháo bằng nước hầm xương... thì tôi không nói làm gì. Đằng này là vấn đề cho cháu ăn rong, mất vệ sinh kinh khủng mà đứa trẻ lại hư người ra.
Cụ thể là ngày thường thấy mẹ chồng hay rong cháu đi khắp nhà, vừa xem tivi, vừa làm con trâu, kêu tiếng gà để cháu ăn cháo, tôi đã nhắc mẹ rồi rằng "mẹ không nên cho cháu ăn kiểu như thế rất hại dạ dày mà lâu dần thằng bé sẽ hư đó". Mẹ chồng tôi cũng ừ rồi nghe theo lời con dâu, bữa sau không thấy rong ru nữa mà chỉ ngồi im để hát. Thế nhưng tôi không ngờ, sau lưng tôi bà vẫn làm theo ý của mình.
Vào tuần trước tôi xong việc sớm thì về sớm. Nào ngờ vừa về tới ngõ đã thấy mẹ chồng tôi túm 5 tụm 3 với những bà giúp việc, người già trong cùng con ngõ. Tưởng là chỉ đưa cháu đi "giao lưu", ai ngờ mẹ chồng tôi vừa cắp nách cháu trên tay, một tay xúc thìa cháo đút vào miệng đứa nhỏ. Bà vừa trò chuyện với những người hàng xóm, thậm chí là con chó con mèo xung quanh khiến đứa nhỏ thích chí há miệng cười to. Thế là bà lại chớp được 1 miếng. Nhìn khung cảnh ấy tôi không thể chấp nhận được chút nào, khói bụi xe rồi cát bẩn ven đường hòa lẫn vào bát cháo, liệu như vậy có vệ sinh được hay không, có thực sự tốt cho cháu không.
Không kìm được cảm xúc, tôi chạy ngay đến trước mặt bà nói "Con xin phépl bế thốc thằng bé về. Phải cương quyết 1 lần thì bà mới thôi cái kiểu đó. Mấy hôm nay rồi, tôi cũng xin nghỉ phép để tự mình chăm con mà không cần nhờ tới bà nữa.
Tâm sự từ độc giả nguyenngan... @gmail.com
Có thể nói, nhiều năm trở lại đây có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc cho trẻ ăn rong, dụ dỗ bằng đồ chơi. Vậy về mặt khoa học, việc cho trẻ ăn rong có thực sự tốt cho sức khỏe?
Theo TS. BS Phan Bích Nga khẳng định, việc cho trẻ ăn rong là tuyệt đối không nên và hoàn toàn có hại.
Dưới đây là những chia sẻ của TS Nga xung quanh vấn đề cho trẻ ăn rong:
Những tác hại cho trẻ ăn rong
- Về sinh lý
Trẻ đi ăn rong hoàn toàn không tốt cho dạ dày làm việc. Khi trẻ vừa chạy, vừa chơi, vừa ăn, dạ dày sẽ xóc hơn theo vận động. Trong khi đó, dạ dày vừa đón nhận thức ăn, đồng thời vừa phải tiết dịch vị ra để nhào trộn thức ăn. Như vậy, khi bị xóc nữa rõ ràng việc ăn của trẻ không thể nào tốt như đang ngồi yên vị.
- Về vệ sinh
Trẻ ăn rong làm tăng thời gian ô nhiễm với bụi bẩn, không khí ngoài trời. Đó chưa kể vấn đề ngoài đường ô nhiễm khói xăng, chì.
Đồng thời, những ô nhiễm đó cũng hòa trộn vào thức ăn khiến thức ăn bám bụi, bám bẩn. Và khi trẻ ăn trực tiếp sẽ nhiễm phải những ô nhiễm đó, có thể gây ra vấn đề như ngộ độc thức ăn, nhiễm bẩn, thậm chí nhiễm độc tố trong không khí, xăng, bụi bẩn.
- Khía cạnh tạo lối sống sinh hoạt tốt cho trẻ
Việc cho trẻ ăn rong hoàn toàn sai. Để tập cho trẻ có khẩu vị ăn tốt, giúp cho trẻ tiêu hóa thức ăn tốt, khuyến nghị trẻ phải được ngồi ăn.
Nhiều gia đình cho con đi ăn rong hay cho xem tivi, xem phim ảnh, mở điện thoại thông minh làm con xao nhãng, không để ý và cứ thế đút thức ăn là không đúng. Điều đó càng gây tâm lý biếng ăn, chán ăn cho trẻ nặng hơn.
Một nếp sống tốt văn minh ở trẻ hình thành từ nếp người, chứ không phải chạy theo ý thích nhất thời của trẻ.
Cách giúp trẻ ngồi ăn ngoan
- Để điều trị vấn đề biếng ăn, cha mẹ cần tạo cho trẻ thói quen ăn đúng. Khuyến nghị ngay khi trẻ biết ngồi, cha mẹ phải tập cho trẻ ngồi ăn đúng giờ, để trẻ hoàn toàn tập trung vào việc ăn và để trẻ tìm niềm vui, sự chú ý cho món ăn. Bố mẹ tuyệt đối không đọc sách, xem tivi, không nói chuyện nhiều để con xao nhãng.
- Trong bữa ăn, bố mẹ cần khuyến khích, tạo không khí vui tươi để cho trẻ ăn uống tốt và tập trung như hỏi: “Hôm nay, con có thích ăn những món ăn đó không?” hay có thể phân tích lợi ích về sức khỏe của món ăn đó đối với trẻ lớn, hiểu biết đưa lại niềm yêu thích về ẩm thực cho trẻ.
- Đồng thời, bố mẹ cần kiên trì để dạy cho con thói quen ăn đúng để trẻ có nếp tốt, không nên quá nuông chiều trẻ hay không kiên nhẫn tập cho con những điều đúng mà cứ nuông chiều theo thói quen chưa đúng. Trẻ nhỏ không thể biết được điều tốt, sai nên người lớn không thể mù quáng chiều theo ý thích của con.
Khi trẻ biết ngồi, bố mẹ cần cho con tập trung ngồi ăn đúng giờ và để ý sở thích ăn của con. (Ảnh minh họa)
- Với trường hợp trẻ biếng ăn, bố mẹ phải tạo niềm vui về ẩm thực cho trẻ như cho trẻ ngồi một chỗ, thậm chí không nên ép trẻ ăn. Việc ép trẻ ăn càng làm nặng thêm vấn đề biếng ăn.
- Bố mẹ nên nịu trẻ, khuyến khích trẻ ăn nhưng tuyệt đối không dùng bữa ăn, món ăn làm phần thưởng hay hình phạt cho con mà cần phân tích để trẻ hiểu được việc ăn uống tốt.
- Đối với trẻ nhỏ, bố mẹ nên cho trẻ ăn đúng hình thức trẻ thích. Nếu trẻ sợ ăn nên mang từng ít một và nên để ý khẩu vị con thích, không nên ép con ăn, ngay cả những thức ăn bổ dưỡng.
- Ngoài ra, bố mẹ nên cho con tự ăn bởi trẻ 8 tháng đã thích tự bốc ăn. Mẹ chỉ cần rửa tay sạch cho con, bày thức ăn vào trong bát đĩa sạch sẽ như bày đồ hàng để cho con tự bốc ăn. Việc làm này lâu, bẩn, khiến thức ăn vương vãi xung quanh nhưng điều đó sẽ tạo được sự thích thú cho trẻ về sau.
- Cuối cùng, điều quan trọng là bố mẹ nên chọn đồ ăn theo khẩu bị con nhưng vẫn đảm bảo đủ thành phần dinh dưỡng cần thiết.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet