Elizabeth Casey là một chuyên gia tư vấn tâm lý. Cô tin rằng rất nhiều phản ứng tiêu cực của con người là hậu quả của việc né tránh khó khăn trong quá khứ. Cô đã có 25 năm kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực này. Dưới đây là bài viết của Elizabeth Casey đăng trên trang Your Tango.
Tại sao chúng ta vẫn phải theo sát con cái mình và bảo vệ chúng gần như mọi lúc mọi nơi? Có khi nào chúng ta nhận ra rằng công việc chính của cha mẹ thực ra là giúp trẻ học được cách chịu trách nhiệm với chính hành động của mình?
Là một chuyên gia trị liệu tâm lý, tôi biết rằng sự thấu hiểu "quy luật nhân quả" là một kỹ năng thực sự quan trọng để một đứa trẻ sống có trách nhiệm hơn với thế giới xung quanh. Tinh thần trách nhiệm đang ngày càng trở thành một thứ hiếm hoi trong đời sống hiện đại của chúng ta. Điều này gây ra rất nhiều đau khổ cho mọi người. Nguyên nhân là chúng ta không giúp trẻ có tinh thần tự chịu trách nhiệm với bản thân.
Ảnh: YourTango. |
Thời điểm bạn bắt đầu phải dạy cho con cái mình tính tự trọng, tự chịu trách nhiệm là khi chúng từ 3 đến 8 tuổi. Các bậc cha mẹ đôi khi rất khó cho phép con mình học hỏi kinh nghiệm từ những hậu quả một cách tự nhiên.
Ví dụ, bạn bắt cậu con trai 5 tuổi của mình mặc áo khoác vì trời lạnh nhưng nó không chịu. Thế là cả hai bắt đầu tranh cãi chỉ vì một chuyện thoạt nhìn có vẻ nhỏ như móng tay ấy. Hãy thử để con bạn trải qua để chúng rút ra được bài học cho mình. Cứ để chúng ra ngoài trong cái lạnh cắt da thịt mà không mặc áo khoác. Khi làm như thế, bạn đã cho con hiểu rằng nó sẽ phải chịu mọi hậu quả từ các quyết định của mình.
Đó là sự bảo vệ mà một đứa trẻ thực sự cần. Nghĩa là bạn cho chúng cảm thấy mình được tự chủ. Một chút lạnh sẽ không thể làm tổn thương con bạn, trái lại nó sẽ khiến chúng học hỏi được rất nhiều điều theo chính cách của mình.
Thói quen của chúng ta là tránh đối mặt với những nỗi sợ hãi. Chúng ta làm mọi thứ có thể để tránh đương đầu với khó khăn, đau khổ và sự sợ hãi. Chính chúng ta đang dạy cho con cái mình học kiểu tránh né khó khăn ấy.
Thay vì dạy con cái mình những thứ cần thiết để tồn tại trong thế giới này, chúng ta lại dạy chúng rằng không cần phải đối diện với những cảm xúc tiêu cực, rằng những cảm xúc đó rất tai hại. Đó là một phần lý do vì sao những nỗi lo đang ngày càng trở thành một thứ bệnh dịch trong xã hội.
Khi chúng ta không cho phép con cái mình trải nghiệm và tự rút ra bài học, chúng ta đã lấy đi khả năng đối diện với nỗi sợ hãi và tự chịu trách nhiệm về bản thân của chúng. Điều này có thể gây nên những hậu quả khôn lường.
Vụ án của cậu bé Ethan Couch mới đây là một ví dụ về hậu quả của việc bảo bọc con cái quá mức. Couch, 18 tuổi, bị buộc 4 tội bao gồm: ngộ sát, say rượu, hành hung và gây thương tích nghiêm trọng sau khi lái ô tô đâm vào một đám đông người đang vây quanh giúp sửa một chiếc xe bị hỏng.
Sau đó, Couch thậm chí thoát khỏi các tội trạng nhờ mẹ của mình dùng rất nhiều tiền để bảo lãnh. Chỉ đến tháng 12/2015, Couch mới bị bắt giữ khi đang cùng người mẹ của mình nghỉ dưỡng ở Mexico.
Hành động cố gắng bao che cho con mình thoát tội của bà mẹ trên cho thấy rằng ngày càng có nhiều người đang hiểu lệch lạc đi trách nhiệm bảo vệ con cái. Là phụ huynh, chúng ta phải dạy chúng chấp nhận những hậu quả mà mình gây ra. Có như thế, sau này, chúng mới có được sự chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống và thậm chí là xây dựng cho mình một mái ấm riêng.
Minh Phương
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet