Trẻ em làm việc nhà tưởng chừng như đơn giản nhưng hóa ra lại là nỗi đau đầu phiền muộn của rất nhiều các bà mẹ hiện nay. Với tâm lý xót con, chỉ mong con tập trung học hành ngoan ngoãn không phải vất vả, các mẹ thường hay “làm hộ” con tất cả mọi việc, lo cho ăn uống, vệ sinh, chăm chút là lượt áo quần và đáp ứng mọi nguyện vọng của con. Tất cả chỉ mong con có một tương lai tươi sáng, thành người tài giỏi trong xã hội. Thế nhưng các mẹ lại quên mất một điều, nếu không luyện cho con làm được mọi việc từ điều nhỏ nhặt nhất trong gia đình, các con sẽ thiếu đi những kỹ năng sống cơ bản nhất và từ đó sẽ không thể thích nghi được với những biến đổi phức tạp của cuộc sống bên ngoài. Vì thế ủng hộ và khuyến khích con làm việc nhà từ tấm bé là phương pháp hữu hiệu nhất để bé có ý thức và hình thành nên một thói quen ăn sâu vào tính cách tự chủ, độc lập và giúp đỡ gia đình, xã hội.
Có rất nhiều phương pháp để hướng dẫn bé làm việc nhà tự giác, chăm chỉ đầy vui vẻ và hào hứng. Tôi đã có đọc được bài viết “Sai vặt” trẻ con phải như mẹ Sing và cảm thấy vô cùng tâm đắc. Tôi cũng có những mẹo riêng của mình, xin đóng góp cùng chị em để giúp chúng ta ngày càng có thêm nhiều đứa con ngoan, con chăm:
Hô biến công việc dọn dẹp thành trò chơi
Các mẹ hãy luôn nhớ “vừa học vừa chơi” luôn đạt được hiệu quả tốt hơn là phương pháp ép buộc. Với công việc nhà cũng vậy, hãy để bé tham gia vào các trò chơi dọn dẹp mà mẹ tự nghĩ ra để tạo thêm nhiều phấn khích cho trẻ. Giữa một căn phòng lộn xộn, mẹ hãy giấu những “kho báu” hay “phần thưởng” bí mật ở những nơi mà chỉ khi nào dọn dẹp xong bé mới có thể tìm ra, khi đó “kho báu” hay “phần thưởng” đó sẽ hoàn toàn thuộc về bé. Tâm lý mau chán của trẻ con sẽ được dẹp tan khi mẹ thay đổi các công việc hàng ngày để luôn có sự đổi mới và tạo hứng khởi mới cho bé. Dụ dỗ con bằng chiêu này sẽ tạo thêm niềm vui cho bé trong những lần dọn dẹp tiếp theo và sẽ không khó khăn khi trẻ hiểu được một bài học đơn giản “trẻ sẽ gặt hái được những thành quả tốt đẹp sau những nỗ lực làm việc chăm chỉ”
Hô biến công việc thành thử thách
Trẻ em từ độ tuổi mẫu giáo bắt đầu hình thành rõ nét hơn tính cách của mình và phần nào muốn chứng tỏ cái tôi cá nhân riêng của từng bé. Nếu mẹ càng nói “công việc này khó lắm, con không làm được đâu, để mẹ làm cho” thì bé lại càng muốn chứng thực không việc gì là mình không làm được. Dựa vào tâm lý đó của trẻ, mẹ hãy lựa chọn những công việc phù hợp với sức lực và độ tuổi của bé, rồi cố tình kích thích “cái tôi” trong bé để bé hào hứng chứng tỏ bản thân, hóa siêu nhân giúp đỡ mẹ một cách năng nổ nhé.
Hô biến việc dọn nhà thành đặc quyền của trẻ
Để trẻ háo hức làm việc nhà mới là thành công (ảnh minh họa)
Trẻ con không bao giờ muốn người lớn coi mình là trẻ con, trẻ con luôn nhìn người lớn để học trở thành người lớn. Các chuyên gia tâm lý cho rằng các mẹ không nên đối xử với con cái như những đứa trẻ yếu ớt và non nớt, ngược lại cần nói chuyện, tâm sự, chia sẻ mọi việc như một người bạn của bé, có chăng hãy là một người bạn “nhiều kinh nghiệm” hơn mà thôi. Vì thế mẹ hãy để cho con thấy tầm quan trọng của con trong gia đình, cũng như đối với một số công việc nhà phù hợp với bé, mẹ hãy cho bé thấy nếu không có bé làm thì nhà sẽ bừa bộn thế nào. “Ôi, hôm nay cái bàn này mà không có bé Nhi lau hộ mẹ thì đúng là bụi quá, ăn cơm cũng không ngon nữa”, hay “cái gương bàn phấn của mẹ mà không có Tôm lau giúp thì mẹ không thể xinh được rồi”,… Khi con nhận thấy những công việc mình làm được trân trọng và đánh giá cao thì chẳng có lý gì bé không tiếp tục làm những công việc đó.
Hãy tham gia công việc cùng trẻ
Mẹ đừng chỉ đứng nhìn khi con giúp mẹ làm việc. Khi cả hai mẹ con hay cả gia đình cùng hăng say dọn dẹp sẽ tạo thêm niềm vui cho bé, bé sẽ thấy khoảnh khắc lao động cùng cả nhà có ý nghĩa hơn. Khi cả nhà cùng làm việc, mẹ có thể cùng con chơi trò “thi ai nhanh hơn” hay bấm đồng hồ cho con để “vượt qua chính mình” khi so sánh với công việc này của những lần trước. Con sẽ thêm hòa đồng và gắn kết hơn với chính gia đình mình cũng như các công việc xã hội tập thể sau này.
Khuyến khích và khen thưởng kịp thời
Trẻ em luôn thích được khen ngợi và không muốn nghe những lời chê trách phũ phàng. Khi bé làm sai, mẹ đừng vội vàng mắng mỏ bé và không cho bé làm nữa. Thay vào đó hãy hướng dẫn lại bé tỉ mỉ hơn và tin tưởng vào con, để bé làm lại theo cách của mình. Dạy con trẻ cần trước hết là sự kiên nhẫn. Mẹ càng không nên đòi hỏi bé phải đạt hiệu quả hoàn hảo ngay trong lần thử sức đầu tiên. Còn khi bé làm tốt một việc gì, mẹ đừng ngần ngại tặng bé những lời khen, khuyến khích và động viên để bé có thể làm tốt trong những lần tiếp theo nữa nhé.
Giúp mẹ làm việc nhà không hề khó như các bé nghĩ, nhưng trên hết mẹ phải tạo động lực và giúp bé rèn luyện thành thói quen, nề nếp để sau này bé luôn tự chủ với các công việc khác trong cuộc sống. Chúc các bé trở thành những trợ thủ đắc lực để các mẹ luôn tự hào vì con cái mình nhé!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet